Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ có kết luận cuối cùng về cải cách bầu cử ở Hồng Kông vào ngày 31-8.
Từ ngày 25 đến 31-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc họp để xem xét báo cáo của đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh, từ đó quyết định có cần đổi cách bầu cử vị trí ông đang đảm nhiệm hay không.
Ông Lương được bầu thông qua một ủy ban 1.200 thành viên vào năm 2012, đa số các thành viên được cho là thân Bắc Kinh. Năm 2017, tất cả người dân Hồng Kông có thể được bỏ phiếu để chọn vị trí trên. Tuy nhiên, cử tri chỉ có thể lựa chọn danh sách các ứng viên đã được ủy ban bầu cử xét duyệt, trong khi Bắc Kinh nói rằng tất cả các ứng viên phải có “lòng yêu nước”.
Theo đài BBC, tranh cãi hiện tại xoáy vào việc liệu Bắc Kinh có đòi hỏi các ứng viên phải được trên 50% thành viên của một ủy ban đề cử thông qua trước hay không. Nhiều người cho rằng ủy ban này sẽ gồm các doanh nhân, cá nhân thân Bắc Kinh, cũng tức là đại lục có quyền phủ quyết những ứng viên không “vừa mắt”.
Phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm”
Quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra vào ngày 31-8. Phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” tuyên bố sẽ biểu tình ngồi với sự tham gia của 10.000 người tại trung tâm tài chính của Hồng Kông, trong trường hợp quyết định của Bắc Kinh không hợp lý.
Từ khi được trao trả về Trung Quốc, đây là chủ đề gây nhiều căng thẳng ở hòn đảo là cựu thuộc địa của Anh, vốn được quản lý theo nguyên tắc “một nhà nước hai chế độ”.
Ông Đới Diệu Đình, giáo sư luật thuộc Trường ĐH Hồng Kông và là một trong những người khởi xướng phong trào trên, nói cứng rằng họ sẵn sàng đón nhận hơi cay và vòi rồng của cảnh sát.
Hồi tháng 6, gần 800.000 người đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức do “Chiếm lĩnh trung tâm” tổ chức để góp ý về cách thức bầu người đứng đầu Hồng Kông. Đầu tháng 7, cuộc tuần hành hằng năm vì dân chủ ước tính thu hút từ 154.000 đến 172.000 người tham gia.
Hôm 17-8, khoảng 88.000 người đã xuống đường để phản đối phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm”. Theo BBC, các cuộc biểu tình quy mô lớn ủng hộ chính phủ Bắc Kinh là vô cùng hiếm, hàng chục gia tộc thân Trung Quốc đã được huy động vào hoạt động này.
Theo nld, bbc, bloomberg