Tinh Hoa

Công nghệ mới biến CO2 thành hóa chất có ích

Các nhà khoa học tại Trung tâm thu giữ và chuyển đổi CO2 thuộc trường Đại học Brown, Hoa Kỳ, vừa nghiên cứu ra chất xúc tác bằng bọt đồng giúp biến đổi khí CO2 trong khí quyển thành hóa chất hữu ích.

Khi nồng độ CO2 trong khí quyển tiếp tục gia tăng, các nhà nghiên cứu đang tìm các giải pháp để sử dụng nó.
Giải pháp được đưa ra là thu CO2 phát thải từ các nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp khác, sử dụng làm nguồn cacbon để sản xuất các hợp chất hóa học công nghiệp hầu hết bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch.
Lượng khí CO2 rất ổn định, nhưng việc chuyển đổi CO2 thành dạng phản ứng và có ích không hề đơn giản.

GS Tayhas Palmore, tác giả chính của công trình nghiên cứu mới này cho biết: “Từ lâu, đồng đã được nghiên cứu như chất xúc tác điện để giảm khí CO2 và là kim loại duy nhất đã được chứng minh có khả năng biến đổi CO2 thành hydrocacbon có giá trị.
Một số dấu hiệu cho thấy, nếu bạn làm cho mặt phẳng đồng trở nên thô ráp, nó sẽ trở thành nơi diễn ra các phản ứng với CO2“.
 
Bọt đồng đã được chế tạo bằng cách đặt đồng trên một bề mặt có hydro và một dòng điện cường độ mạnh chạy qua. Các bong bóng hydro làm cho đồng lắng đọng trong các lỗ giống bọt xốp và các rãnh có kích thước khác nhau.  (Ảnh: Palmore lab/Brown Univ)

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm đặt bọt đồng trên một điện cực để xem những loại chất nào sẽ được tạo thành trong phản ứng điện hóa với CO2 trong nước. Kết quả thí nghiệm cho thấy, bọt đồng chuyển đổi CO2 thành axít formic, hợp chất được dùng làm nguyên liệu cho các vi khuẩn sản xuất nhiên liệu sinh học, có hiệu suất cao hơn nhiều so với đồng trơn. Phản ứng còn tạo ra một lượng propylene nhất định, loại hydro cacbon rất có giá trị.  

Các nhà khoa học đang nghiên cứu xác định những gì diễn ra sau khi điều chỉnh cấu trúc của chất xúc tác bọt đồng. Các lỗ có độ sâu hoặc đường kính khác nhau có thể sẽ tạo nên những hợp chất khác biệt từ nguyên liệu CO2 và cuối cùng, bọt đồng được điều chỉnh ra sao để cho ra đời các hợp chất như mong đợi.

Theo Motthegioi, NASATI