Những gì vừa diễn ra ở Anh đã khiến người dân thế giới giật mình: Phải chăng nhân loại đang tận hưởng hòa bình trên những thùng thuốc súng? Trên thực tế, lịch sử nhân loại cũng từng đi qua những ngày đen tối, những ngày mà ngay cả các cuộc biểu tình hòa bình cũng có thể trở nên đẫm máu như một cuộc chiến tranh.
10. Cuộc nội loạn ở Soweto – 600 người chết
Cuộc nổi dậy này xảy ra vào ngày 16/6/1976 ở Soweto (Nam Phi). Trong suốt năm 1976, chính quyền Soweto do đảng Quốc gia điều hành nổi tiếng với những chính sách phân biệt chủng tộc, hay còn được gọi là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Những người da đen Nam Phi không có cơ hội được sống bình đẳng như những người da trắng. Mặc dù nhiều người trong số họ rất nghèo khó, thậm chí kiệt quệ tới mức chẳng đủ sống, họ vẫn phải nộp đủ các khoản thuế vô lý do chính phủ đặt ra.
Quá phẫn nộ trước tình cảnh này, những người không hài lòng với đường lối, chính sách của đảng cầm quyền đã nổi dậy đấu tranh. Họ ném chai lọ, đá vào các nhà chức trách, đốt các tòa nhà cao tầng. Cảnh sát đã phải sử dụng tới bạo lực để đàn áp đám đông.
Cuộc đụng độ khiến ít nhất 600 người thiệt mạng, trong đó bao gồm rất nhiều trẻ em ở độ tuổi vị thành niên. Nhiều người may mắn sống sót sau thảm hoạ này đã rời Nam Phi, tới một nơi khác để sinh sống.
9. Bạo động ở Ai Cập năm 1977 – 800 người chết
Từ ngày 18 đến ngày 19/1/1977, cuộc nổi loạn liên quan tới bánh mì đã bùng nổ tại hầu hết các thành phố lớn ở quốc gia lớn nhất Bắc Phi. Không có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng cuộc bạo động do những người ở tầng lớp thấp hơn trong xã hội gây ra; tuy nhiên, có thể thấy rõ rằng những chính sách cải cách kinh tế của ông Anwar El Sadat đã không khiến những người thuộc tầng lớp này cảm thấy hài lòng.
Nhiều người Ai Cập đã phát điên. Ngay cả tầng lớp trí thức cũng tham gia vào cuộc biểu tình này. Họ đốt cháy các toà nhà, cắt bỏ các tuyến đường sắt, ngăn không cho các đoàn tàu rời ga.
Cuộc bạo loạn chỉ kết thúc khi chính phủ huy động quân đội tới đây kiểm soát đám đông và lập lại trật tự, đồng thời tuyên bố sẽ hủy bỏ các chính sách mới.
8. Cuộc nổi loạn ở Bombay năm 1992-1993: 900 người chết
Từ tháng 12/1992 đến tháng 1/1993, cuộc bạo loạn ở Bombay đã lan tràn tới nhiều thành phố. Khoảng 150.000 người theo đạo Hồi và đạo Hindu đã nổi loạn ở đây. Theo ước tính, tổng thiệt hại mà cuộc nổi loạn này để lại khoảng 3,6 triệu USD, với 900 người thiệt mạng và 2000 người khác bị thương.
Nguyên nhân dẫn tới sự việc này là do xuất hiện những thông tin về việc phá hủy đền Babri Masjid – một khu đất thiêng ở Ayodhya (Ấn Độ). Nhiều người đã đổ xô ra đường, bày tỏ bức xúc bằng việc đập phá các tài sản công cộng bao gồm cả xe bus. Cảnh sát đã phải vào cuộc và dùng bạo lực dẹp loạn.
Sau khi cuộc bạo loạn kết thúc, các vụ đánh bom đã xảy ra ở đây khiến thêm 250 người nữa thiệt mạng.
Đã có nhiều bộ phim mô tả lại cảnh bạo loạn này, và mới đây nhất, thảm cảnh đó được lột tả trong phim “Triệu phú khu ổ chuột”.
7. “Ngày chủ nhật đẫm máu” năm 1905 – 1000 người chết
Hàng nghìn công dân đã biểu tình trong hòa bình nhằm gửi một thông điệp tới Nga hoàng Nicholas Đệ nhị, tuy nhiên, lực lượng cảnh sát bí mật đã đến và xả súng vào đoàn người không vũ khí.
Cuộc bạo loạn đó xảy ra vào ngày 22/1/1905, tại St. Petersburg. Những người biểu tình, chủ yếu là công nhân, chỉ muốn Nicholas đệ nhị biết được những điều kiện làm việc khó khăn, cực khổ mà họ đang phải chịu đựng mỗi ngày.
Father Gapon – người dẫn đầu cuộc biểu tình, mặc dù không chết trong bạo loạn, nhưng sau đó đã bị ám sát theo lệnh của chính quyền Nga hoàng.
6. Cuộc bạo loạn ở Moscow năm 1662 – 1000 người chết
Sự việc xảy ra vào hôm 25/7/1662. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bùng nổ của nó là hiện thực nền kinh tế Nga đang tiếp tục xuống dốc không phanh sau các cuộc chiến với Thụy Điển, Ba Lan, gây ra một sự gia tăng khổng lồ trong mức thuế mà mỗi công dân Nga phải gồng gánh.
Để giải quyết tình trạng này, vào năm 1654, chính phủ Nga đã quyết định dùng tiền đồng song song với tiền bạc. Cũng từ đây, hàng loạt vấn đề nảy sinh như đồng tiền mất giá, vấn nạn tiền giả…, đặc biệt, những kẻ có liên quan tới các hoạt động bất hợp pháp đó lại là quan chức chính phủ.
Tất cả những điều trên cùng với tin đồn về sự tồn tại của một danh sách đen bao gồm tên của những kẻ đã dẫn tới sự sụt giảm kinh tế ở Nga đã khiến nhiều người nổi sùng và gây bạo loạn.
Khoảng 6.000-10.000 binh lính đã được huy động dẹp loạn khiến 1.000 người ở đây thiệt mạng. Một số người chết đuối trên sông, số khác bị treo cổ. Một vài người khác bị bắt và buộc phải đi tị nạn.
Đến năm 1663, tiền đúc mới bị bãi bỏ và đó có thể coi là thành quả mà những người nổi loạn mong đợi.
Còn tiếp…
Minh Quân