Khám phá công trình ‘cầu gió mưa’ đặc biệt ở Trung Quốc
RPC
Những tòa tháp “cầu gió mưa” đặc biệt này không hề sử dụng một chiếc đinh nào trong quá trình xây dựng mà chủ yếu là các rãnh ghép.
Tộc Đồng sống rải rác ở các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quý Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, không chỉ nổi tiếng bởi loại gạo ngọt truyền thống mà còn bởi kỹ năng làm mộc có một không hai, đặc biệt là những cây cầu gỗ có cấu trúc vô cùng độc đáo với 5 vọng gác và mái che cổ kính.
Người dân địa phương gọi nó là “cầu gió mưa” bởi đây thường là nơi nghỉ ngơi, trú ẩn cho mọi người khi mưa to gió lớn. Ngoài ra, nó còn có tên gọi khác là “cầu hoa” bởi lối kiến trúc, đường nét hoa văn tinh xảo.
“Cầu gió mưa” là sự kết hợp giữa cầu, tháp và vọng gác, với vật liệu chính là gỗ. Rào chắn và hai hàng ghế chạy dọc thân cầu, bên trong hành lang có mái che, để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của khách qua đường.
Mái hiên vuốt ngược. Các cột chống trên mỗi tòa tháp hay vọng gác đều khắc họa tiết rồng phượng đẹp mắt, tinh tế. Trong khi đó, những biểu tượng của sự sung túc và may mắn như hồ lô báu và sếu vạn thọ lại dùng để tô điểm cho phần phía trên cùng.
Điểm đặc biệt nhất ở các “cầu gió mưa” đồ sộ, vững chãi này là các nghệ nhân không hề sử dụng một chiếc đinh nào trong quá trình xây cầu. Họ gắn kết các phần cầu chỉ bằng những mối nối, đường rãnh và dùng cột đá để trụ lực.
Chengyang là công trình lớn nhất đại diện cho lối kiến trúc “cầu gió mưa” của tộc Đồng, khánh thành năm 1916, tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nó gồm 2 bệ móng, 3 cột chống, 3 nhịp cầu, 5 vọng gác, 19 mái hiên và 3 tầng cầu. Cầu có tổng chiều dài 64,4 m, rộng 3,4 m, cao 10,6 m.
Các cột trụ lực làm bằng đá, phần kiến trúc bên trên bằng gỗ và lợp ngói trên các vòng gác.
Đứng trên cầu, du khách có thể ngắm phong cảnh thơ mộng của dòng sông Linxi, đồng chè bạt ngàn và và rừng gỗ xanh trên những ngọn đồi dốc.