Tinh Hoa

Tìm thấy hàng ngàn hiện vật tế Thần cổ xưa ở Tam Tinh Đôi

Tại một ngôi làng vắng vẻ mang tên Tam Tinh Đôi, một góc thanh bình của tỉnh Tứ Xuyên ở Trung Quốc, đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật tế Thần cổ xưa, ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và khiến lịch sử nền văn minh Trung Quốc phải được viết lại. 

Vũ Trụ chứa đầy những điều bí ẩn và thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Tùy bạn quyết định!

Hai di chỉ tế thần khổng lồ đã được khai quật, trong đó có chứa hàng ngàn hiện vật bằng vàng, đồng, ngọc, ngà voi và đồ gốm có hình thức khác thường và không giống với bất cứ thứ gì từng được tìm thấy ở Trung Quốc trước đó. Các nhà khảo cổ chợt nhận ra rằng họ vừa mở ra cánh cửa đến với một nền văn hóa cổ xưa có niên đại trong khoảng 3.000 đến 5.000 năm trước.

Vào mùa xuân năm 1929, một người nông dân khi đào giếng đã phát hiện ra nơi cất giấu rất nhiều các cổ vật làm bằng ngọc. Đây là manh mối đầu tiên đưa đến khám phá về một triều đại cổ xưa bí ẩn. Nhiều thế hệ các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm kiếm khu vực này nhưng vô vọng, cho đến năm 1986, các công nhân đã vô tình tìm thấy các di chỉ này, nơi chứa hàng ngàn đồ vật đã bị vỡ, bị đốt cháy và sau đó được chôn cất cẩn thận.

Hình ảnh: Một bức tượng đồng 3.000 năm tuổi được tìm thấy tại làng Tam Tinh Đôi, Trung Quốc. (Shutterstock)

Việc phát hiện ra các hiện vật mở ra một thế giới đầy lý thú. Các cổ vật được tìm thấy trong các di chỉ tế thần này bao gồm các tác phẩm điêu khắc hình mặt động vật và các mặt nạ có tai rồng, há miệng và nhe răng; các hình đầu người với mặt nạ bằng vàng lá; các hình động vật trang trí bao gồm hình rồng, rắn, và các loài chim; một cây quyền trượng khổng lồ, một bàn thờ tế thần, một cây bằng đồng cao 4 mét (13 feet); rìu, các bảng khắc, nhẫn, dao và hàng trăm vật phẩm độc đáo khác. Trong số các cổ vật này, có tượng người đứng thẳng bằng đồng được bảo tồn tốt nhất và lớn nhất thế giới, có kích thước 2,62 mét (8 feet).

Tuy nhiên, cho đến nay những phát hiện nổi bật nhất là hàng chục mặt nạ và tượng đầu người lớn, bằng đồng, được trang trí với các đặc điểm đôi mắt hình quả hạnh được phóng đại, chiếc mũi thẳng, khuôn mặt vuông, và đôi tai rất lớn, những đặc điểm không hề giống người dân Châu Á.

Bằng phương pháp carbon phóng xạ, các hiện vật được xác định là có niên đại  trong khoảng thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 11 trước Công nguyên. Chúng đã được tạo ra bằng cách sử dụng công nghệ đúc đồng khá tiên tiến, công nghệ này kết hợp giữa đồng và thiếc, tạo ra một hợp chất chắc hơn, có thể tạo nên các vật thể lớn hơn và nặng hơn nhiều, chẳng hạn như bức tượng to bằng người thật và cái cây có chiều cao 4 mét (13 feet).

Hình ảnh:  Một bức tượng đồng 3.000 năm tuổi được tìm thấy tại làng Tam Tinh Đôi, Trung Quốc. (Shutterstock)

Một số mặt nạ có kích thước rất lớn – một trong số đó có kích thước đáng kinh ngạc với chiều rộng 1,32 mét (4,33 feet) và chiều cao 0,72 mét (2,36 feet), đây là chiếc mặt nạ bằng đồng lớn nhất từng được tìm thấy. Ba chiếc mặt nạ lớn nhất này có các chi tiết mang nhiều tính siêu nhiên nhất trong số  tất cả các hiện vật tại Tam Tinh Đôi, với đôi tai như động vật, con ngươi khổng lồ nhô ra, hay có thêm một cái thân được trang trí rất công phu.

Các nhà nghiên cứu đã rất sửng sốt khi tìm thấy một phong cách nghệ thuật hoàn toàn chưa từng được biết đến trong lịch sử nghệ thuật Trung Quốc – nơi được coi là cội nguồn của lịch sử và các hiện vật thuộc nền văn minh sông Hoàng Hà.

Khám phá ngoạn mục ở Tam Tinh Đôi năm 1986 đã khiến Tứ Xuyên trở thành trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc cổ đại. Các di vật khảo cổ được tìm thấy trong hai di chỉ được xác định là thuộc triều đại Thương, vào cuối thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, khi xã hội văn minh ban đầu được phát triển mạnh mẽ ở thung lũng sông Hoàng Hà, phía bắc Trung Quốc, cách tỉnh Tứ Xuyên hàng ngàn dặm. Không có phát hiện nào tương tự ở bất cứ nơi nào khác, và cũng không có chỉ dẫn nào tại di chỉ Tam Tinh Đôi làm sáng tỏ về nền văn hóa nơi này, đây rõ ràng là một nền văn minh đồ đồng đặc biệt, không được ghi chép trong các văn bản lịch sử và chưa từng được biết đến. Phát hiện này góp phần làm thay đổi cơ bản, chuyển từ quan niệm truyền thống về một trung tâm văn minh duy nhất ở phía bắc Trung Quốc, sang việc ghi nhận sự tồn tại của nhiều nền văn minh truyền thống trong khu vực, trong đó Tứ Xuyên rõ ràng là một trong những nơi dễ nhận thấy nhất.

 

Nền văn hóa đã làm nên các hiện vật này hiện nay được gọi là nền Văn hóa Tam Tinh Đôi, và các nhà khảo cổ coi nó thuộc về vương quốc cổ đại của thời nhà Thục, và liên hệ các hiện vật được tìm thấy tại di chỉ này với các vị hoàng đế truyền thuyết thuở ban sơ. Rất hiếm có các tư liệu về đáng tin cậy về nhà Thục (được ghi chép trong Thư Kinh và Sử Ký là đồng minh với nhà Chu trong cuộc chiến lật đổ nhà Thương), nhưng truyền thuyết về các vị hoàng đế huyền thoại có thể được tìm thấy trong các biên niên sử địa phương.

Theo biên niên sử của Hoa Dương được biên soạn vào triều đại nhà Kim (265-420 sau Công nguyên), triều nhà Thục được thành lập bởi Tàm Tùng. Tàm Tùng được mô tả là có đôi mắt lồi, một đặc điểm được tìm thấy trong các hình tượng ở Tam Tinh Đôi. Những vị hoàng đế khác được đề cập trong biên niên sử của Hoa Dương bao gồm Bác Quán, Ngư Phù và Đỗ Vũ. Nhiều trong số các vật thể là hình cá và chim, và những vật này cho thấy đó là các biểu tượng của Bác Quán và Ngư Phù (tên Ngư Phù thực ra có nghĩa là chim cốc cá).

Ảnh: Một bức tượng đồng 3.000 năm tuổi được tìm thấy tại làng Tam Tinh Đôi, Trung Quốc. (Shutterstock)

Từng là một đô thị lớn, trải rộng khoảng ba cây số vuông (1,8 dặm vuông), Tam Tinh Đôi đã có nền nông nghiệp rất phát triển, có khả năng sản xuất rượu, công nghệ làm gốm sứ và các công cụ hiến tế, khai thác khoáng sản. Theo các phát hiện khảo cổ học, Tam Tinh Đôi đột nhiên bị bỏ hoang vào khoảng năm 1.000 trước Công nguyên. Vì những lý do chưa được biết đến, thời kỳ hoàng kim của văn hóa Tam Tinh Đôi đã đột ngột kết thúc.

 

Các vật tế thần được cho là các đồ vật mà người dân Thục cổ đại dâng lên Thiên, Địa, núi, sông, và các vị thần khác. Những hình tượng giống người, các mặt nạ động vật với đôi mắt lồi và mặt nạ động vật bằng đồng có thể là các vị thần được người Thục tôn thờ.

Ông Ao Tianzhao thuộc Bảo tàng Tam Tinh Đôi, người đã nghiên cứu văn hóa Tam Tinh Đôi trong suốt nửa thế kỷ cho biết: “Qua việc xem xét nhiều hình tượng con người và các vật thể dùng cho tang lễ, có thể thấy, triều đại Tam Tinh Đôi cổ xưa đã thống nhất và cai trị thông qua tôn giáo nguyên thủy. Họ tôn thờ thiên nhiên, vật tổ và tổ tiên của họ. Dường như, Triều đại Thục cổ đại đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tế thần lớn để thu hút các nhóm tôn giáo khác nhau từ khắp nơi xa gần đến thờ cúng”. Ông tin rằng số lượng lớn các hiện vật bằng đồng ở Tam Tinh Đôi cho thấy rằng di chỉ này từng là một thánh địa của những người hành hương.

 

Kể từ khi được phát hiện, các hiện vật đã giành được sự quan tâm và chú ý rất lớn của cộng đồng quốc tế. Chúng đã được trưng bày tại các viện bảo tàng nổi tiếng thế giới như Bảo tàng Anh, Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc, Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia (Washington), Bảo tàng Guggenheim (New York), Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á (San Francisco), Triển lãm Nghệ thuật New South Wales (Sydney ) và Bảo tàng Olympic ở Lausanne (Thụy Sĩ). Một số hiện vật được lựa chọn đang trên đường tới Bảo tàng the Bowers tại Santa Ana, California, nơi sẽ diễn ra triển lãm ‘Nền văn minh bị thất lạc của Trung Quốc: Bí ẩn Tam Tinh Đôi’, được tổ chức từ ngày 19/10/2014 đến ngày 15/3/2015.

Việc phát hiện ra Tam Tinh Đôi đã làm chấn động thế giới, nhưng lai lịch của các hiện vật vẫn còn là một bí ẩn. Chỉ có nội dung trên hai di chỉ phản ánh nền văn minh thượng cổ rực rỡ của Triều đại Thục – kể từ đó chưa có hiện vật nào giống như vậy được tìm thấy. Không có ghi chép lịch sử hay văn bản cổ đại nào nói về các di vật này, điều này khiến các chuyên gia không khỏi băn khoăn về mục đích của các hiện vật này là gì, nền văn hóa này bắt nguồn từ đâu, và họ đã đi đâu sau khi chôn cất kho báu quý giá của mình. Nền văn minh Tam Tinh Đôi là một trang sử độc đáo trong lịch sử lâu dài của Trung Quốc và tới nay nó vẫn còn là một bí ẩn.

Theo Đại Kỷ Nguyên