Tinh Hoa

Những siêu chiến hạm của thế kỷ 21

Hãy Cùng xem qua các siêu chiến hạm mới nhất của hải quân các nước. Hai trong số những chiến hạm sở hữu công nghệ tối tân hàng đầu thế giới là Tàu sân bay thế hệ mới của Anh và tàu chiến ven bờ tàng hình của Mỹ .

1. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth
 

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là ngôi sao mới của Hải quân Hoàng gia Anh với những cải tiến vượt trội so với những chiến hạm từng được sản xuất. Đây cũng là tàu chiến lớn nhất được đóng ở Anh. Nó được đặt theo tên của Nữ hoàng Elizabeth II. Theo kế hoạch, tàu sẽ chính thức gia nhập biên chế Hải quân Anh trong đầu năm 2017.

2. Tàu khu trục HMS Defender


HMS Defender là tàu khu trục lớp Type 45 của Hải quân Hoàng gia Anh. Nó ra đời nhằm mục đích ngăn chặn những mối đe dọa từ trên không với khả năng tiêu diệt máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và các loại tên lửa siêu âm. HMS Defender sở hữu những loại radar tầm xa cho phép theo dõi tới 2.000 mục tiêu cùng lúc. Nó còn có thể theo dõi đồng thời 1.000 vật thể kích thước bằng quả bóng chày di chuyển với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh.

3. Tàu tác chiến ven bờ Independence

Các tàu tác chiến ven bờ lớp Independence của Hải quân Mỹ sở hữu thiết kế độc đáo giúp chúng có khả năng di chuyển với vận tốc 81 km/h. Hệ thống vũ khí không cố định, cho phép USS Coronado và các tàu cùng lớp bổ sung các loại khí tài phù hợp với từng mục tiêu chiến đấu. Trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout thuộc biên chế các tàu lớp Independence.


4. Tàu khu trục USS Zumwalt


USS Zumwalt (DDG 1000) là chiến hạm tàng hình đầu tiên thuộc lớp tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Zumwalt của Hải quân Mỹ. Theo kế hoạch, tàu sẽ chính thức góp mặt trong biên chế hải quân vào năm 2015. Ngoài thiết kế và vật liệu chống phản hồi radar, USS Zumwalt còn được trang bị những loại vũ khí siêu tối tân, bao gồm vũ khí laser và pháo điện từ bên cạnh các loại khí tài truyền thống.

5. Chiến hạm USNS Spearhead

Chiến hạm siêu tốc USNS Spearhead thuộc lớp tàu cùng tên của Hải quân Mỹ. Thiết kế hai thân giúp tàu di chuyển với vận tốc 80 km/h. Mặt sàn tàu rộng cho phép các loại trực thăng hạng trung hạ cánh giữa các hành trình. Nó có thể tiếp nhiên liệu, vũ khí cho các loại máy bay làm nhiệm vụ trên biển.

6. Tàu đổ bộ lớp San Antonio


Tàu đổ bộ tàng hình lớp San Antonio ra đời nhằm mục tiêu vận tải chiến lược cho Thủy quân lục chiến Mỹ. Các tàu lớp này dài 208 m, rộng 32 m với lượng giãn nước tối đa đạt 25.300 tấn. Nó có khả năng mang các tàu đổ bộ đệm khí, tàu đổ bộ bọc thép và 14 xe đổ bộ lội nước. Mặt sàn tàu cho phép các trực thăng CH-46 Sea Knight hay “quái vật” MV-22 Osprey hạ cánh. Tàu lớp San Antonio vượt trội hơn các tàu đổ bộ thế hệ trước nhờ giảm tiết diện phản hồi radar cùng khả năng phòng thủ ưu việt.

6. Tàu hộ tống Steregushchy 


Steregushchy là lớp tàu hộ tống tàng hình mới nhất của hải quân Nga với những cải tiến vượt trội so với các chiến  hạm cùng loại đang phục vụ trong biên chế. Phía Nga áp dụng những công nghệ mới nhất trong quá trình chế tạo tàu, bao gồm khả năng tàng hình trong từng bộ phận. Ngoài ra, tàu còn sở hữu hệ thống tên lửa phòng không, chống hạm và chống ngầm hùng hậu cùng hệ thống radar ưu việt. 

 

Theo soha