Nội chiến Triều Tiên vừa kết thúc năm 1953 thì miền bắc chủ trương xây dựng một quân đội lớn. Với sự giúp đỡ của Trung Quốc và Liên Xô, Triều Tiên đã mạnh tay hiện đại hóa xe tăng, pháo, tàu ngầm, huấn luyện chiến đấu cùng nhiều khí tài quân sự hạng nặng cho quân đội.
Thế nhưng khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nguồn viện trợ quân sự cho bắc Triều Tiên giảm hẳn. Gần 25 năm sau, bộ binh, không quân, hải quân Triều Tiên chỉ còn là “di tích lịch sử”: tất cả các loại khí tài quân sự đều lạc hậu, xe tăng và xe bọc thép đều là “các cụ” trên 50 tuổi.
Mùa hè 2014, Kim chủ tịch xuất hiện trên một chiếc tàu ngầm cũ lớp Romeo vốn được thiết kế lần đầu tiên vào những năm 1950. Trong khi không quân Triều Tiên được trang bị tốt hơn: chiến đấu cơ mới nhất cũng đã được 25 năm, còn các loại khác đều thuộc diện U-50.
Lý do chính: khí tài quân sự Triều Tiên đã quá cũ, không còn nước nào sản xuất đồ phụ tùng thay thế. Nhiều năm liền, quân đội phải rất “nỗ lực” tháo lấy phụ tùng mới kiếm được vài món để giữ xài được số vũ khí này. Việc 3 chiếc Mig-19 rơi trong vòng 7 tháng là một dấu chỉ mạnh, rằng việc tháo phụ tùng của loại khí tài này gắn cho loại kia là không còn hiệu quả.
Chủ tịch Kim cũng bị xem là phải chịu trách nhiệm trong vụ rơi 3 chiếc Mig-19: chỉ vì Đại tướng trẻ liên tục thúc hối quân đội phải rèn luyện mãnh liệt, nhằm có thể đương đầu với các cuộc tập trận Mỹ – Hàn Quốc lúc đó.
Các vụ rơi chiến đấu cơ sau “chỉ đạo” ấy tạo ấn tượng ngược: thay vì biểu dương sức mạnh, quân đội Triều Tiên lại để lộ họ đang rất yếu.
Chính sách Songun (đặt quân đội trên hết) khiến quân đội Triều Tiên rất đông nhưng không tinh nên càng suy yếu. Việc ưu tiên cho quân đội, thay vì giải quyết các vấn đề dân sinh, đã khiến kinh tế Triều Tiên bị suy sụp. Đất nước này có 24 triệu dân cùng nguồn tài nguyên phong phú trị giá hàng ngàn tỉ USD nhưng chưa được khai thác. Vậy mà GDP của Triều Tiên chỉ ngang bằng GDP của bang Bắc Dakota (Mỹ) vốn chỉ có 700.000 dân.
Trong khi đó, đang có mối quan hệ lạnh lẽo giữa Triều Tiên với Trung Quốc, đồng minh lớn và nhà tài trợ chính cho nền kinh tế suy thoái trầm trọng của Triều Tiên. Trước kia, các lãnh đạo TQ luôn ca ngợi quan hệ Trung-Triều là “như môi với răng”. Nhưng gần đây, liên minh “máu thịt, môi hở răng lạnh” này bị xói mòn.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình rất bực bội khi lãnh đạo trẻ Kim liên tục thách thức Bắc Kinh bằng cách liên tục bắn thử tên lửa đạn đạo và phóng thử hạt nhân. Các nhà quan sát nói: một trong những lý do khiến Bắc Kinh bực mình, là phong cách điều hành bất thường, liên tục thay đổi chủ trương đường lối của Chủ tịch Kim. Các nhà quan sát còn nói Kim “trẻ” thiếu tầm nhìn chiến lược, vênh váo khi được nịnh hót quá nhiều, nên ngay cả Bắc Kinh cũng khó mà “dạy bảo” Đại tướng trẻ được.
Dù vậy, một cuộc đảo chính rất khó xảy ra. Đồng thời việc xử lý nội bộ mạnh tay – kiểu Kim “xử” chú dượng- đồng nghĩa khó kiếm được một lãnh đạo đáng tin cậy để quân đội ủng hộ. Và quân đội Triều Tiên cũng chẳng có sự lựa chọn nào tốt hơn. Họ sẽ tiếp tục dành sự ủng hộ cho Kim.
Theo motthegioi