Tinh Hoa

Cà phê chồn – một huyền thoại Đông Nam Á

 

Thứ thức uống lạ lùng này đã nhanh chóng làm cả thế giới “điên đảo” vì nó.

 

Để tìm kiếm một thức uống có hương vị rất đặc trưng: một chút mùi mốc nhưng ngọt ngào như siro, mịn và đậm vị sô-cô-la, mật đường và thoang thoảng vị của thuốc lá, một chút vị đắng nhưng rất dễ chịu, không thể là gì khác ngoài một ly cà phê chồn (hay còn còn là cà phê phân chồn).

Cà phê chồn được biết đến lần đầu tiên từ khoảng những năm 1616, khi Indonesia còn là thuộc địa của Hà Lan. Những nông dân tại các đồn điền cà phê ở đảo Java, Sumatra và Sulawesi trong quá trình thu lượm đã tình cờ phát hiện những hạt cà phê rơi vãi dưới gốc cây. Vì muốn tận dụng, họ đem về rửa sạch, rang vàng và hương vị cà phê chồn được tìm ra từ đó.
 
Những chú chồn vòi hương chỉ chọn những quả cà phê mọng nhất,

ngon nhất để thưởng thức

Những người châu Âu đến Indonesia sau đó được thưởng thức thứ đồ uống lạ lùng này và đã nhanh chóng “điên đảo” vì nó. Vì thế, Indonesia cũng được coi là xuất xứ của loại cà phê nổi tiếng thế giới này.

Ngày nay, nhắc đến cà phê chồn, cả thế giới đều biết tới thương hiệu nổi tiếng Kopi Luwak của Indonesia nhưng hẳn ít người đã biết rõ vì sao loại cà phê đắt đỏ này lại khiến những “tín đồ cà phê” đam mê tìm kiếm tới vậy.

Trên thực tế, tại Đông Nam Á có một giống cầy hương (chồn vòi hương) rất thích ăn quả cà phê và chúng cũng rất sành sỏi khi chỉ chọn những quả chín nhất, mọng nhất, thơm nhất để thưởng thức. Tuy nhiên, chúng chỉ ăn và tiêu hóa được phần cùi quả, còn lại những hạt cà phê sau đó sẽ thải ra theo phân để rồi người ta sẽ thu gom lại.
 
Hạt cà phê lẫn với phân chồn được thu gom lại

Theo giới khoa học, hạt cà phê sau khi qua dạ dày của những chú chồn đã được lên men bằng một loại enzym đặc biệt, khiến cho những hạt cà phê này có một hương vị đặc trưng rất khó tả. Hạt cà phê sau chuyến hành trình qua bụng chồn đã được loại bớt protein, do đó cũng bớt đắng đi sau khi rang.

Cà phê chồn Kopi Luwak hiện nay được bán với giá khoảng từ 600 USD/kg, khi khan hiếm, giá cà phê này có thể lên tới 1.500 USD/kg. Mỗi năm cũng chỉ có khoảng 200kg Kopi Luwak được bán ra thị trường. Nếu bạn là người Anh thì việc thưởng thức một ly Kopi Luwak tại quê hương thật khó khăn bởi “những kẻ sành uống” tại Mỹ, Nhật Bản và một vài nước Đông Nam Á đã chặn đứng đường đi của loại thức uống hảo hạng này.

Chính vì sự đắt đỏ và hiếm hoi đó, một vài nơi trên thế giới đã thử nghiệm nuôi chồn bằng cà phê, thậm chí xử lý hạt cà phê với nhiều loại men tiêu hóa tương tự để tạo nguồn cà phê chồn ổn định và thường xuyên hơn. Tuy nhiên, những hạt cà phê thu được từ sự ép buộc này không đạt được những đặc tính như cà phê chồn tự nhiên.
 


Cà phê chồn với hương vị khó quên tới tay thực khách sành uống

và chịu chơi

Ngoài Indonesia, cũng chỉ một vài nước sản xuất được loại cà phê này như: Phillippines, Ethiopia với số lượng rất hạn chế.

Tại Việt Nam, các chuyên gia cà phê đã khẳng định huyền thoại có thật về cà phê chồn Việt Nam – thơm ngon hảo hạng hơn cả Kopi Luwak của Indonesia. Công ty cà phê Trung Nguyên đã giới thiệu thương hiệu cà phê chồn riêng Weasel với giá lên tới 3.000 USD/kg (gần 60 triệu đồng Việt Nam), cao hơn nhiều lần so với cà phê Kopi Luwak.

Theo lời giới thiệu, quy trình sản xuất cà phê chồn Weasel rất cầu kỳ và được làm hoàn toàn thủ công. Hạt cà phê sau khi thu gom phải đảm bảo được làm sạch trong vòng 24 giờ, sau đó hạ thổ để vỏ hạt phân rã một cách tự nhiên. Quá trình này kéo dài tới hơn 300 ngày. Hiện sản lượng cà phê Weasel của Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng 40 đến 50 kg và chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng

 

Nguồn : afamily.vn