Theo một nghiên cứu mới, một số ít người sinh ra không có vân tay là do họ bị đột biến gen.
Hầu hết mọi người sinh ra đều có vân tay và dấu vân tay của mỗi chúng ta đều là độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, những người mắc chứng bệnh hiếm gặp có tên adermatoglyphia sẽ không có vân tay từ lúc chào đời. Căn bệnh này còn được gọi là hội chứng “trì hoãn nhập cư” vì việc thiếu dấu vân tay sẽ khiến những người mắc bệnh gặp khó khăn khi di chuyển xuyên các biên giới quốc tế.
Cho tới nay, y học mới ghi nhận căn bệnh này ảnh hưởng tới duy nhất 4 gia đình trên toàn thế giới.
Chứng bệnh adermatoglyphia hiếm gặp khiến người sinh ra không có dấu vân tay. Ảnh: National Geographic |
Trong một nỗ lực nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ da liễu Eli Sprecher thuộc Trung tâm y tế Tel Aviv Sourasky cùng các cộng sự đã nghiên cứu ADN của 16 thành viên trong một gia đình mắc chứng adermatoglyphia ở Thụy Sỹ. 7 người trong gia đình này có vân tay bình thường trong khi 9 thành viên còn lại thì không.
Sau khi xem xét rất nhiều gen để tìm kiếm bằng chứng đột biến, các nhà nghiên cứu gần như không thu được gì, cho mãi tới khi một sinh viên sắp tốt nghiệp cuối cùng tìm ra thủ phạm – một phiên bản nhỏ hơn của gen SMARCAD1.
Các bản sao SMARCAD1 lớn hơn được biểu hiện khắp cơ thể, nhưng dạng nhỏ hơn của gen này chỉ hoạt động trên da. Nhóm nghiên cứu chắc chắn, 9 thành viên trong gia đình không có vân tay đã bị đột biến ở gen đó.
Tạp chí National Geographic dẫn lời bác sĩ Sprecher nhận định, việc sinh ra không có vân tay không đơn giản xảy ra vì một gen “bật hay tắt”, mà là vì quá trình đột biến đã khiến các bản sao của gen SMARCAD1 không ổn định. Đột biến đó cũng là liên kết đầu tiên trong một chuỗi dài các sự kiện về sau có ảnh hưởng tới việc phát triển vân tay của thai nhi trong bụng mẹ. Phần còn lại của các liên kết trong chuỗi này vẫn còn là một bí ẩn.
Theo nhóm nghiên cứu, một số người khác đã mắc các căn bệnh dẫn đến việc không có vân tay, chẳng hạn như hội chứng Naegeli và một hội chứng rối loạn gen di truyền hiếm gặp có tên DPR (dermatopathia pigmentosa reticularis), vốn bắt nguồn từ những trục trặc với protein keratin-14. Bác sĩ Sprecher cho biết, những chứng bệnh này “không chỉ biểu hiện ở việc thiếu vân tay mà còn ở hàng loạt các đặc điểm quan trọng khác như da bị dày lên, một số vấn đề với việc hình thành móng”.
Trong khi đó, căn bệnh “trì hoãn nhập cư” không đi kèm bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào ngoài việc suy giảm đôi chút khả năng đổ mồ hôi. Nhìn chung, những người bị bệnh này hoàn toàn khỏe mạnh. Ông Sprecher cho rằng, việc nghiên cứu sâu hơn nữa về gia đình Thụy Sĩ mắc chứng adermatoglyphia có thể là có thể giải quyết bí ẩn tổng thể của dấu vân tay.
Thanh Bình