Xã hội hiện đại hôm nay nợ Nikola Tesla rất nhiều. Nhân kỷ niệm ngày sinh (ngày 10/07/1856) của nhà khoa học nhiều tài nhưng cũng lắm tật này, chúng ta hãy cùng nhìn lại một đoạn nhỏ trên chặng đường nghiên cứu khoa học vĩ đại của ông.
Những phát minh của nhà khoa học Mỹ gốc Serbia này đã đưa đến sóng vô tuyến và mạng lưới năng lượng của ngày hôm nay. Trong suốt cuộc đời của mình, Tesla đã đăng kí sở hữu hơn 300 bằng sáng chế, những phát minh của ông được tìm thấy trong nhiều thiết bị hiện đại và ở cả những thiết bị không ngờ đến như đồ chơi điều khiển từ xa và bảng hiệu đèn nê-ông.
Không phải tất cả các ý tưởng táo bạo của ông đều trở thành hiện thực; có những giấc mơ bất thành, ví như việc truyền tải năng lượng không dây. Một số phát minh khác không thành hiện thực do những giới hạn của khoa học vào lúc đó như tua-bin hơi không cánh quạt, hoặc cũng có những phát minh quá nguy hiểm nếu được đưa vào thực tế, chẳng hạn như máy phát điện hơi nước được ví như “động cơ tạo động đất” sau khi động cơ này bị quy là thủ phạm gây ra trận động đất ở New York năm 1898.
Và cũng có những phát minh kì quặc và khó hiểu đến nỗi các nhà khoa học khác đã chế nhạo ông. Đó là các phát minh như trường lực và vũ khí “tia tử thần”, vốn chỉ tồn tại trong tiểu thuyết viễn tưởng.
Nhưng 71 năm sau cái chết của Tesla, một vài phát minh lập dị lại hiện diện trong thực tại, và “nhà khoa học điên” của chúng ta đã đóng một vai trò nhất định trong những phát minh ấy. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những ý tưởng có thời đã từng bị xem là “điên rồ” của ông.
Camera quan sát suy nghĩ
Tesla đã có những ý tưởng về việc phát minh ra một thiết bị có thể đọc được hình ảnh trí não và suy nghĩ. Trong một bài báo xuất bản trên Tạp chí Kansas vào tháng 9 năm 1933, Tesla nói về những dự án mà ông đang thực hiện, trong đó có một thiết bị liên quan đến khái niệm ‘chụp ảnh tư tưởng’.
Tesla cho biết: “Tôi mong đợi để chụp ảnh những suy nghĩ. Năm 1893, khi tham gia vào một nghiên cứu, tôi bị thuyết phục rằng có những hình ảnh nhất định được hình thành trong khi chúng ta suy nghĩ, chắc chắn sẽ nhờ vào hoạt động phản xạ mà tạo ra hình ảnh tương ứng trên võng mạc, và hình ảnh này có thể được đọc bởi một thiết bị phù hợp … Như vậy nếu thật sự tư tưởng có thể phản ánh hình ảnh lên võng mạc, vấn đề đặt ra là chỉ cần chiếu sáng với cùng thuộc tính rồi chụp lại, và sau đó sử dụng các phương pháp thông thường có sẵn để tạo ra hình ảnh quan sát được”. Ông còn cho biết thêm nếu dự án này thành công thì những suy nghĩ của con người sẽ trở thành một quyển sách mở.
Tuy nhiên, dự án đã không thành hiện thực, nhưng các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn đang tìm tòi và khám phá các ý tưởng về máy đọc ý nghĩ. Hôm nay, họ đã tạo ra võng mạc nhân tạo thông qua các phân tích toán học phức tạp về cách thức võng mạc chuyển đổi thông tin hình ảnh thành các xung điện để gửi lên não. Trong nỗ lực đọc tâm trí, các nhà khoa học đã phát triển các thuật toán có thể giải thích các tín hiệu não và tái tạo một phiên bản thô của hình ảnh “nhìn thấy được” trong tâm trí của một người.
Video truyền hình trực tiếp
Tesla đã nắm bắt rất tốt ý tưởng về cái gần giống như video truyền hình trực tiếp xuất hiện trên các laptop và dòng điện thoại thông minh hiện nay. Trong một đoạn băng ghi hình đăng ngày 26 tháng 01 năm 1926, Tesla đã dự đoán về một thiết bị trong tương lai có thể giúp con người xem được diễn biến sự kiện từ một nơi rất xa chỉ bằng một thiết bị nhỏ gọn. Ông nói: “Chúng ta sẽ có thể chứng kiến lễ nhậm chức của tổng thống, xem các trận cầu trong các giải thi đấu quốc tế, sức tàn phá của một trận động đất, hoặc một trận chiến như thể chúng ta đang có mặt tại đó”.
Điện không dây
Có lẽ giấc mơ tham vọng nhất của Tesla là truyền tải điện không dây trên một khoảng cách lớn, và chỉ có không khí đóng vai trò tải thể. Ông đã chứng minh được tính khả thi của nó khi thắp sáng một bóng đèn không có dây dẫn bằng phương pháp kết nối cảm ứng, tuy nhiên ông đã thất bại khi thiết lập hệ thống phát triện trên cự ly xa hơn.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã khái quát và phát triển một số kỹ thuật có khả năng đưa giấc mơ của Tesla đến gần hơn với hiện thực. Lĩnh vực khám phá này đi từ các thiết bị nạp điện kỹ thuật số không dây tại gia đến các nguồn cung năng lượng cho thang máy không gian. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản khó vượt qua, và còn rất nhiều bước cần phải tiến hành trước khi chạm đến được giấc mơ.
Liên hệ với người ngoài hành tinh?
Trong năm 1899, Tesla ở Colorado, ông thực hiện các thí nghiệm với thiết bị điện báo không dây tần số cao, và thu được những tín hiệu vô tuyến kì lạ. Ông cho rằng những tín hiệu này có nguồn gốc từ ngoài Trái Đất.
“Những thay đổi mà tôi ghi nhận được diễn ra theo định kì và không có gì rõ ràng về số lượng và trật từ để có thể truy lùng dấu vết theo sự hiểu biết của tôi…” và “một cảm giác thôi thúc tôi rằng tôi là người đầu tiên nghe được lời chào từ một hành tinh khác”, đó là những lời Tesla viết đăng trên tuần báo Collier năm 1901.
Dĩ nhiên, cộng đồng khoa học sẽ không tin rằng Tesla đã liên lạc được với người ngoài hành tinh, mà cho rằng đó là sóng vô tuyến hiện đã được biết đến. Và có lẽ thiết bị của Tesla đã nhận được tin nhắn vô tuyến từ nhà phát minh Guglielmo Marconi truyền đến từ Châu Âu.
Điện thoại cầm tay
Khi làm việc để làm ra thiết bị phát sóng vô tuyến Thái Bình Dương, Tesla đã đề ý tưởng với nhà tài trợ Morgan của ông về một thiết bị tương tự với điện thoại ngày nay. Ý tưởng đó là tạo ra một ‘hệ thống điện báo toàn cầu’ cho phép trao đổi thông tin liên lạc khi cách xa nhau chỉ bằng một thiết bị cá nhân cầm tay.
Tesla cho rằng, Morgan có thể kiếm được bộn tiền bằng việc sản xuất loại thiết bị mà ai cũng có thể sử dụng để nhận thông tin và nghe được nhạc dù ở bất cứ đâu. Theo W. Bernard Carlson, sử gia của Đại học Virginia, và là tác giả của cuốn sách “Tesla: Nhà phát minh của thời đại điện tử”, cho rằng, nhà khoa học này đã hình dung ra chiếc điện thoại và tiên đoán về nhu cầu tiêu dùng đặc trưng của thế kỷ 21.
Hàn Mai@bocau.net
Theo Livescience