Tinh Hoa

Quan chức TQ nhảy lầu, về hưu non vì sợ điều tra tham nhũng

Chiến dịch trấn áp tham nhũng “Diệt cả hổ lẫn ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gieo rắc nỗi sợ hãi khiến rất nhiều quan chức Trung Quốc tìm mọi cách để tránh nạn, từ chấp nhận về hưu non cho tới nhảy lầu tự tử.

Nỗi sợ hãi này được ví như những thời kỳ: Tam phản, Ngũ phản, Túc phản (chống ‘phản cách mạng’), chỉnh phong tại Diên An,… khiến vô số nhà tư bản, trí thức, địa chủ, cán bộ Đảng ở Trung Quốc phải tìm cách trốn chạy thậm chí phải nhảy lầu tự tử để tranh bị truy tố.

Chỉ riêng tháng 4 vừa qua, báo Thanh niên Trung Quốc thống kê có 54 quan chức – bao gồm các nhân vật cấp cao của các công ty quốc doanh – chết vì “nguyên nhân không tự nhiên” từ tháng 1-2013 đến tháng 4-2014. Hơn 40% trong số đó tự tử với 8 trường hợp nhảy lầu. Đơn cử, cựu Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc Bạch Trung Nhân nhảy lầu chết vào tháng 1 năm nay sau một vụ điều tra tham nhũng. Lưu Chiêm Tân, cựu chủ tịch Tập đoàn Dược Cáp Nhĩ Tân, cũng chọn cách tự tử tương tự vào tháng 5 giữa lúc đang bị điều tra tham nhũng.

Trong khi đó, công cuộc chống tham nhũng “18 tháng tuổi” của ông Tập Cận Bình không có dấu hiệu chững lại.

Mới đây, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố khai trừ cựu Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu ra khỏi đảng, đồng thời bí mật giải tới một căn cứ ở Bắc Kinh chờ ngày ra tòa án binh vì tội tham nhũng.

Bạc Hy Lai và Từ Tài Hậu, hai nhân vật cấp cao của Trung Quốc bị điều tra với cáo buộc tham nhũng . Ảnh: REUTERS

“Chiến dịch chống tham nhũng đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Các quan chức địa phương không còn quan tâm xúc tiến các dự án đầu tư. Họ đang buông lơi công việc. Mọi người bi quan nghĩ rằng rồi cuộc sống cũng sẽ ngắn ngủi giống như những quan chức khác” – một quan chức tỉnh Chiết Giang, nơi ông Tập Cận Bình từng đảm nhận cương vị bí thư tỉnh ủy giai đoạn 2002-2007, cho biết.

Một số nguồn tin cho biết các dự án lớn ngày càng thu hút sự giám sát của công chúng trên mạng ở Trung Quốc. Ngay cả khi không có hối lộ đi chăng nữa, các quan chức đều thận trọng trong mọi cử chỉ. Trong năm vừa qua, một số dự án bị tạm hoãn sau khi người dân lên tiếng lo ngại về vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, trên thực tế chưa có dữ liệu thống kê cho thấy chiến dịch đàn áp đang làm tổn thương nền kinh tế. Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc cho biết trong tháng 3, tiền chi cho các cuộc họp và chuyến công vụ ở nước ngoài lần lượt giảm 53% và 39% so với năm 2012. Chiến dịch cũng làm các công ty lo lắng đến chuyện kinh doanh rượu cao cấp, đồng hồ đắt tiền, xe hơi sang trọng cũng như chuỗi khách sạn.

Một công chức Trung Quốc tại Bắc Kinh cho biết các quan chức trong văn phòng của cô gần đây được yêu cầu điền các mẫu đơn kê khai chi tiết tài sản, nơi con cái và người thân sinh sống nếu ở nước ngoài. “Có một bầu không khí sợ hãi và bất an bao trùm. Không ai muốn làm bất cứ điều gì có thể thu hút sự chú ý. Điều này có nghĩa là sẽ có rất nhiều công việc không được tiến hành vào lúc này” – nữ công chức nói.

H.Bình
Theo Nld,
Reuters