Khi người Brazil biểu tình chống một kỳ World Cup mà họ cho rằng vô nghĩa, thì có lẽ cách kiểm chứng tốt nhất là quay trở về Nam Phi, nơi cũng đã tổ chức một kỳ World Cup 4 năm về trước. Cuộc sống của họ có tốt lên sau giải đấu trị giá hàng tỷ USD này?
Khi Nam Phi chi ra 2 tỷ USD tổ chức World Cup 2010, nhiều người đánh giá đó là một thành công: giải đấu đã quảng bá được hình ảnh của một đất nước đẹp, không xuất hiện tội phạm, không scandal và sinh lời.
Nhưng sau 4 năm nhìn lại, mọi chuyện có thực sự tốt đẹp như thế?
“Đúng là giải đấu có lãi, nhưng phần lớn tiền chui vào túi FIFA và các đối tác của họ. Những doanh nghiệp và chính quyền địa phương thì loạng choạng” – Dale McKinley, một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Nam Phi nói. Ông chỉ ra rằng trong số 8 sân bóng được xây mới hoặc nâng cấp để phục vụ World Cup, thì giờ chỉ có một sân đang sinh lợi. Còn lại, chúng đều trở nên dần hoang phế vì các đội bóng địa phương không đủ sức tiếp quản.
Sân “hươu cao cổ” ở Nelspruit rất nổi tiếng thời World Cup, nhưng chẳng mang lại lợi ích gì cho người dân |
Để phục vụ cho giải đấu, chính phủ Nam Phi cũng đã cho xây dựng một hệ thống đường sắt cao tốc tốn kém mang tên Gautrain, nối giữa Johannessburg và Pretoria. Đây tưởng như là một thành công. Nhưng rốt cục, người dân Nam Phi giờ đang ca thán vì hệ thống đường sắt này có giá vé quá cao so với mức sống của họ. Trong khi đó, các tuyến đường cao tốc xây dựng phục vụ World Cup thì đến tận hôm nay vẫn đang thu phí nâng cấp từ người dân.
Hệ thống đường sắt cao tốc mới quá đắt đỏ |
Thất vọng nhất phải kể đến người dân Nelspruit – một trong các địa phương đăng cai. Sân bóng của họ, vốn nổi tiếng với biệt danh “Sân hươu cao cổ” vì thiết kế, giờ đang trở thành một gánh nặng. Nó được xây dựng với giá thành gấp 3 lần dự toán, với đầy những nghi án tham nhũng, và giờ không phục vụ cho mục đích gì.
Trước World Cup, người dân Nelspruit được hứa rằng họ sẽ có hệ thống cung cấp nước sạch tốt hơn. Nhưng đến tận hôm nay, họ vẫn phải dùng nước bẩn để sinh hoạt.
Người dân Nelspruit vẫn phải sinh hoạt bằng nước bẩn sau World Cup |
“FIFA quá tham lam” – McKinley nói. Sau giải đấu, FIFA chỉ tài trợ cho Nam Phi… 5 sân bóng ở các trường học. Các sân bóng này, nay chỉ được sử dụng để trẻ em học các lớp tình thương vào buổi tối.
Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những người Brazil, ông Imaan Milanzi, một nhân viên cộng đồng ở Nam Phi, nói thẳng: “Tôi muốn khuyên họ là đừng có nghe những gì chính phủ nói. Họ sẽ ăn chặn hết tiền từ việc xây các sân bóng và vẫn để người dân sống như vậy thôi”.
PHONG HUYỀN
Tin tiếng Việt từ Laodong.com.vn