Tinh Hoa

Bệnh tay chân miệng bùng phát



“Chưa bao giờ thấy bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nhiều và nặng như năm nay” –
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM nhận định
ngày 12/5.

Mấy ngày nay không khí tại TP.HCM oi bức, khó chịu. Thời tiết trở nên nắng nóng
là điều kiện thuận tiện để cho một số căn bệnh nhiễm bùng phát.

Thay vì như thông thường, tháng 9 mới là đỉnh dịch của bệnh tay chân miệng thì
từ đầu tháng 4 năm nay số bệnh nhi mắc bệnh đã gia tăng đột biến.

Hiện tại, khoa Nhiễm – Thần kinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị cho 102
ca bệnh tay chân miệng. Trong số đó có 31 bé bị nặng, 2 bé đang rất nguy kịch.
Số ca tử vong chiếm khoảng 2% trên tổng số bệnh nặng. Trung bình, mỗi ngày, khoa
Nhiễm – Thần kinh lại tiếp nhận thêm từ 30 đến 50 ca nội trú.
 



Bác sĩ Khanh đang
khám cho một ca tay chân miệng nguy kịch. Ảnh: Thanh Huyền.


Cùng thời điểm năm 2010 số ca tay chân miệng nội trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
chỉ khoảng 30 ca, ca bệnh nặng từ 3 đến 4 ca. “2 năm trước đây lượng bệnh nhi
tay chân miệng rất ít, tự nhiên năm nay lại gia tăng đột biến, nhiều ca nặng.
Điều đáng lo ngại có khả năng virus gây bệnh đã chuyển sang tuýp mới. Bệnh viện
Nhi Đồng 1 đã gửi mẫu sang Đài Loan làm xét nghiệm để làm rõ về tuýp virus gây
bệnh” – Bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Khanh cho biết chưa có thuốc đặc hiệu để chữa bệnh tay chân miệng mà chỉ
có thể điều trị triệu chứng. Biểu hiện trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng là đau
miệng, chảy nước dãi, tay chân và trong miệng có bóng nước. Bệnh thường trở nặng
nhất vào ngày thứ 2 và ngày thứ 6.

Khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng như trên phụ huynh cần đưa con đi khám
để được điều trị kịp thời. Bệnh tay chân miệng có thể gây các biến chứng cho trẻ
như suy hô hấp, tim, phổi dẫn đến tử vong nhanh chóng. Để phòng ngừa bệnh tay
chân miệng phụ huynh cần vệ sinh nhà cửa, lau sàn nhà sạch sẽ, khử trùng sạch đồ
chơi và thường xuyên rửa tay cho con.