Tinh Hoa

Giải mã “những rung cảm” khi lần đầu gặp gỡ

(Shutterstock*)

Bao quanh chúng ta là sóng điện từ và những dạng thức năng lượng khác mà chúng ta không thể tự mình cảm nhận được. Ví dụ như chúng ta chỉ biết đến sự hiện hữu của sóng Wi-Fi khi các thiết bị kết nối với nó chứ không phải thông qua cảm nhận tự nhiên của bản thân.

Theo Tiến sĩ tâm thần học Bernard Beitman, dù không nhận thức rõ được nó, chúng ta có lẽ vẫn cảm nhận được một loại năng lượng có liên hệ tới suy nghĩ và cảm xúc của người khác. Cơ thể chúng ta có lẽ có những thụ thể để thu nhận dạng năng lượng này. Ông tìm hiểu những nghiên cứu về bộ não và năng lượng được phát ra bởi các sinh vật sống nhằm đưa ra giả thuyết về bản chất vật lý của “những rung cảm.”

Beitman là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia và từng là trưởng khoa tâm thần học tại Đại học Missouri-Columbia. Ông đã học tại Trường Y Yale và hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú chuyên ngành tâm thần tại Đại học Stanford. Có những lúc ông đã cảm thấy ông có thể cảm nhận được trạng thái tinh thần của bệnh nhân với độ chính xác vượt khỏi những gì ông có thể quan sát một cách có ý thức. Ông đã tự hỏi về bản chất của những rung cảm này.

Đó là một trải nghiệm mà nhiều người có thể gặp phải. Đã bao giờ bạn cảm thấy một rung cảm phát ra từ người bạn mới gặp mà dường như không ăn nhập lắm với ấn tượng lẽ ra bạn phải có về người đó dựa trên hình thức, cách xử sự và hành động?

Phải chăng có gì đó trong cách hành xử và cử chỉ của người đó mà chỉ có thể cảm nhận được ở mức độ tiềm thức? Hay có phải người đó phát ra một năng lượng mà bạn có thể cảm nhận, tương tự như cách mũi bạn ngửi mùi trong không khí? Liệu bạn có thể ngửi được tính cách của người khác không?

Những quan sát trong tự nhiên chứng minh cho Thuyết Rung-Cảm

Chim nhạn nâu, một loài chim di cư. (Shutterstock)

Các sinh vật đơn bào “phản ứng với hóa chất, ánh sáng và bức xạ điện từ để duy trì trạng thái tối ưu,” Tiến sĩ Beitman viết trong một bài viết mà ông chưa công bố, nhưng gửi trước cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Tương tự như “da của chúng ta có thể chứa những cảm biến để cảm nhận được những dạng năng lượng và thông tin vi tế.”

Thực vật và động vật được cho là có thể phát và thu năng lượng trong khi con người không thể.

Cá mập có những cảm biến trên da để phát hiện được những thay đổi điện từ rất nhỏ trong nước. Chim có thể cảm nhận được trường điện từ của Trái đất để giúp chúng định vị. Cách giải thích về trường điện từ trong cách định vị của loài chim vẫn chưa được hoàn toàn kiểm chứng; một thuyết khác nói rằng những loài chim di cư sử dụng một phức cảm mùi để bắt được mùi hương mờ nhạt của quê nhà.

Một nghiên cứu về việc phát ra ánh sáng sinh học hay “hào quang” đã cho thấy thực vật dường như phát và nhận năng lượng từ nhau – và có khả năng chúng giao tiếp với nhau qua dạng năng lượng này.

Hào quang: Một dạng năng lượng chúng ta phát ra?

Một bức ảnh thật sử dụng phương pháp Kirlian chụp hào quang phát ra từ ngón tay người. (Shutterstock)

Tiến sĩ Gary Schwartz và Tiến sĩ Katherin Creath đã đăng một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Bổ sung & Thay thế vào năm 2006 với nhan đề: “Hình ảnh ‘Hào quang’ xung quanh và giữa những thực vật: Một Ứng dụng Mới của Hình ảnh Ánh sáng sinh học.” Chủ đề về hào quang đã từng là chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt khi hào quang được cho là bằng chứng khoa học về linh hồn của con người.

Tiến sĩ Schwartz nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Harvad, từng giảng dạy môn tâm thần học và tâm lý học ở Đại học Yale, và hiện là giáo sư ở Đại học Arizona. Tiến sĩ Creath là giáo sư kiêm nhiệm chuyên ngành quang học ở Đại học Arizona.

Schwartz và Creath viết: “Khi chúng tôi nghiên cứu hàng ngàn hình ảnh thu được trong suốt hơn hai năm, chúng tôi bắt đầu quan sát những hình mẫu có phần bị “nhiễu” xung quanh những bộ phận của cây. Có vẻ như ánh sáng sinh học không chỉ tỏa ra từ thân cây mà còn trở nên mạnh mẽ hơn khi các cây đứng gần nhau. Liệu những hình mẫu này có thể đại diện cho những “hào quang” xung quanh các bộ phận của cây, và những cái cây này đang thể hiện một dạng giao tiếp hay cộng hưởng nào đó?

Sau đó họ khẳng định: “Sự phức tạp của các hình mẫu [ánh sáng sinh học] thu được giữa những bộ phận của cây cho thấy rằng nếu đó không phải là “sự giao tiếp” giữa cây như học thuyết ánh sáng sinh học đương đại đã dự đoán, thì hẳn có sự “cộng hưởng” tiềm tàng giữa chúng.

Hình ảnh Kirlian về hào quang của thực vật từ tác phẩm “Vita occulta plantarum” (Cuộc sống bí mật của Thực vật) của tác giả Mark D. Roberts.

Beitman khuyến khích nghiên cứu sâu hơn vào khả năng liệu con người có thể giao tiếp tương tự như vậy thông qua trường năng lượng. Ông biết cộng đồng khoa học có thể do dự khi triển khai những nghiên cứu như vậy: “Trong thế giới hiện tại của chúng ta, cái gì cũng phải đo lường được trước khi nó trở thành “sự thật” hoặc được chấp nhận.” Việc đo năng lượng này có thể là một việc khó khăn.

Liệu chúng ta có thể chủ ý đề cao giác quan này?

Quan sát các bệnh nhân của mình, ông đã nhận ra rằng thái độ của họ đối với những thuốc ông kê đơn dường như có ảnh hưởng đến cách các thụ thể trong não tiếp nhận các phân tử thuốc.

“Cách nghĩ của chúng ta về thuốc dường như có ảnh hưởng tới hoạt động của các thụ thể,” ông viết. “Có lẽ những mục đích và kỳ vọng của chúng ta cũng có thể tạo ra những thụ thể mới hoặc thay đổi độ nhạy của những cái đã có.”

*Hình ảnh hai doanh nhân gặp nhau được lấy từ Shutterstock

Theo Đại Kỷ Nguyên