Diệt chủng thường diễn ra như là chính sách của một chế độ độc tài áp đặt lên một nhóm người thiểu số trong xã hội. Khi là đối tượng của nạn diệt chủng, người ta có thể bị xử tử mà không cần bất cứ lý do gì.
1. Sự kiện diệt chủng Khmer Đỏ
Cuộc diệt chủng Campuchia là cuộc diệt chủng mà chế độ Khmer Đỏ (Khmer Rouge) do Pol Pot lãnh đạo, thực hiện tại Campuchia từ giữa năm 1975 đến 1979. Trong 5 năm, chế độ Khmer Đỏ này đã giết chết khoảng 2 triệu người (tổng dân số lúc đó là 7,1 triệu) bằng các biện pháp tử hình qua dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng, bỏ đói và lao động cưỡng bức.
Khmer Đỏ dưới sự lãnh đạo của Pol Pot, được nhiều học giả xem là một trong những chế độ hung bạo nhất trong thế kỷ 20 – thường được so sánh với Adolf Hitler. Nếu tính theo tỷ lệ người bị giết so sánh với dân số, có thể nói đây là chế độ giết người nhiều nhất trong thế kỷ 20. Cho đến nay đã phát hiện trên 20.000 ngôi mộ tập thể chôn lấp các nạn nhân, thường được gọi là Cánh đồng chết.
Pol Pot là một người tôn thờ tư tưởng Mao Trạch Đông, sau khi sang Trung Quốc học hỏi đường lối chính trị và kinh nghiệm về Cách Mạng Văn Hóa, Pol Pot đã áp dụng điều đó lên chính nhân dân Campuchia. Chính vì thế, Trung Quốc cho đến nay, vẫn đang cố gắng ngăn chặn vụ việc được mang ra tòa án quốc tế.
2. Sự kiện diệt chủng Rwanda
Được xếp vào một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất mọi thời đại, Rwanda đã phải chứng kiến nạn diệt chủng ghê rợn giữa hai sắc tộc tại đất nước này. Chỉ trong 100 ngày, 1/8 dân số của đất nước, tức khoảng gần 1 triệu người đã phải chết trong sự bàng hoàng và đau đớn.
Nạn diệt chủng được châm ngòi bởi cái chết của Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana, một người Hutu. Chiếc máy bay của ông này bị bắn hạ trên bầu trời sân bay Kigali vào ngày 6/4/1994. Những nhà lãnh đạo cao cấp Hutu đã lợi dụng việc bắn vào máy bay Tổng thống là mốc khởi điểm, để giết và xoá sạch những người Tutsi cũng như những người Hutu ôn hòa.
Chỉ vài giờ sau cái chết của Tổng thống, những người Hutu quá khích dựng lên 1.157 hàng rào xung quanh thủ đô. Những tay súng cực đoan Hutu say xỉn được trang bị dao rựa, cuốc, dùi cui và súng trường, hình thành đội quân giết người hung bạo, vác loa kêu gọi giết người Tutsi và cả những người ôn hòa cùng dòng máu Hutu.
Những vụ tàn sát diễn ra ngay tại các giáo đường, các điểm dừng giao thông, chợ, tại các gia đình; và sự giết chóc thường diễn ra sau khi chửi mắng nguyền rủa, đánh đập hoặc hãm hiếp. Cả đất nước Rwanda chìm trong loạn lạc đẫm máu.
3. Sự kiện diệt chủng người Do Thái
Holocaust là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái trong thời gian Thế chiến II do phát xít Đức gây ra. Luật Nuremberg – luật về bài trừ người Do Thái của Đức quốc xã – quy định ai được cho là công dân Đức. Theo đó, quyền công dân chỉ được trao cho những người mang dòng máu Đức. Luật quy định những ai trong vòng ba đời huyết thống có người thân là người Do Thái (dù chỉ một người) sẽ bị tính là người Do Thái. Từ đó, những cuộc đồ sát người Do Thái được đẩy lên đỉnh điểm thành “Đại diệt chủng người Do Thái”.
Những người mang dòng máu Do Thái bị bắt vào trại tập trung, tự đào những ngôi mộ tập thể cho chính họ. Hơn 1,5 triệu người đã bị bắn chết. Sau đó, để tiết kiệm chi phí súng đạn, vào tháng 10/1941, phát xít đã nhốt những người Do Thái vào trong những chiếc xe tải lớn và dùng chính khí thải từ động cơ để hành quyết. Khi số lượng người Do Thái tăng lên trong các trại tập trung thì phương pháp xử tử phòng kín được áp dụng.
Những người này bị buộc đứng sát nhau theo hàng dọc để bị giết bằng cách bắn xâu chuỗi, nhưng sau đó quân Phát xít cho rằng phương pháp này quá chậm cho chiến dịch diệt chủng và họ chuyển sang sử dụng chất nổ. Tuy nhiên, số người chết không nhiều so với dự tính ban đầu, trong khi nhiều người khác chỉ bị mất tay và chân.
Hàng trăm người bị nhồi nhét trong từng căn phòng kín trước khi khí độc carbon monoxide và thuốc trừ sâu Zyklon B được bơm vào. Để đánh lừa tù nhân, phát xít Đức treo bảng thông báo trước lối vào phòng hơi ngạt có tiêu đề: “Phòng tắm và tẩy uế” hay “Sự sạch sẽ dẫn đến cánh cửa tự do”.
Các nạn nhân tử vong chỉ sau khoảng 20 phút. Trại tập trung Auschwitz/Birkenau được cho là đã giết đến 6.000 người mỗi ngày. Đây là cách giết người số đông một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và hơn 3 triệu người đã thiệt mạng trong những căn phòng này.
4. Sự kiện diệt chủng Pháp Luân Công
Tháng 7/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp lên các học viên Pháp Luân Công – một nhóm người thiền định ôn hòa.
ĐCSTQ mở chiến dịch “nhổ tận gốc” Pháp Luân Công, Phòng 610 đã được thành lập để điều hành cuộc đàn áp này.
Chính quyền đã huy động bộ máy truyền thông nhà nước, tòa án, cảnh sát, quân đội để chống lại các học viên Pháp Luân Công bao gồm tra tấn có hệ thống, bắt giam vô cớ, cưỡng bức lao động, thu hoạch nội tạng sống. Việc mổ cướp hàng triệu nội tạng từ các học viên còn sống và nhựa hóa cơ thể người sau đó làm vật triển lãm, đã cho thấy tội ác kinh hoàng và đen tối nhất trong lịch sử văn minh nhân loại.
Ngày 20/6/2016, Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã cho công bố kết luận điều tra: “Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng”, tin này được xác thực trong cuộc điện đàm với một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ là ông Trương Cao Lệ.
Điều đáng nói, đây là cuộc diệt chủng có quy mô duy nhất hiện vẫn còn đang diễn ra tại Trung Quốc, và chưa hề có dấu hiệu chấm dứt.
Theo daikynguyenvn.com