Hầu hết những bộ phim chiếu rạp ngày nay đều sử dụng kỹ xảo dựng hình trên máy tính (CGI), từ phim hành động gay cấn cho đến phim tình cảm ủy mị. Đối với một số bộ phim, khán giả chỉ biết đâu là cảnh giả khi xem các thước phim đằng sau hậu trường.
Chính vì kỹ xảo điện ảnh có ma lực hấp dẫn rất lớn nhờ khả năng tạo ảo giác của nó, nên ngày càng có nhiều bộ phim lạm dụng CGI quá mức cần thiết, khiến cho khán giả không khỏi tự hỏi “Sao họ không làm phim hoạt hình luôn đi!” Sau đây là xếp hạng 4 loại “gia vị” được xem là đã bị nêm nếm hơi quá tay.
4. Máu ảo thay thế cho máu giả liệu có làm giảm tính bạo lực?
Máu giả, mà chúng ta quen gọi là ‘tương cà’, đã trở thành một đạo cụ không thể thiếu cho ngành diễn xuất từ rất lâu rồi, kể cả trong các vở kịch cổ có cảnh đâm dao. Bỗng dưng khoảng 10 năm trở lại đây, một đạo cụ khác đang trở thành trào lưu, hãy xem một cảnh trong phim ‘The Expendables 2’:
(Nguồn: Phim ‘The Expendables 2’, Lionsgate Films)
Những nhân vật phụ trong phim bỗng chốc trở thành những con vịt trong trò chơi điện tử, chết theo cách đạo diễn muốn, và máu me văng tung tóe cũng phải theo cách mà đạo diễn thấy hợp nhãn. Việc sử dụng máu ảo (máu do kỹ xảo máy tính vẽ nên) đã giúp các diễn viên bớt phải ngậm ‘tương cà’ và giữ cho phim trường sạch sẽ hơn. Chính vì quá dễ để thêm máu ảo vào phim, nên nó đang ngày càng bị lạm dụng, nếu như ngày xưa vết thương của nhân vật chỉ bắn ra một tia máu, thì ngày nay khán giả lại cảm thấy bị tạt cả xô máu vào mặt.
(Nguồn: Phim ‘300’, WarnerBros)
Tác động tiêu cực đến tâm lý khán giả là gì? Con người sẽ ngày càng thờ ơ trước những cảnh bạo lực đổ máu, thậm chí còn thấy thích thú nữa. Trẻ em khi còn nhỏ đã quen với cảnh máu me, khi lớn lên sẽ lạnh lùng trước cái chết của đồng loại. Điều này chẳng phải đáng lo ngại sao?
3. Chẳng có gì phải sợ vì mọi mối nguy hiểm đều là ảo giác
Bạn còn nhớ cảm giác khi nhìn chiếc xe hơi trong album Trọn Đời Bên Em của Lý Hải lộn nhào và nổ tung cách đây 8 năm không? Hồi đó chúng ta đều biết diễn viên đóng thế phải thật sự ngồi trong xe và chấp nhận rủi ro đến tính mạng khi lái chiếc xe lộn nhào đó, chúng ta đồng cảm, khâm phục sự dũng cảm của họ, đồng thời cũng thán phục sự “chịu chi” của nhà sản xuất. Thế thì ngày nay các bạn cảm thấy gì khi nhìn thấy Lý Hải bay lên không trung và tung cú đá vỡ tan tành một ống cống xi măng cốt thép? Những cảm xúc ngày xưa đã đi đâu hết rồi?
Một pha kỷ lục bay xe của cascadeur Trần Như Thục trong videoclip của ca sĩ Lý Hải (Nguồn: Video clip ‘Trọn Đời Bên Em 6’)
Một điều an ủi là trong phim ‘Lucy’, diễn viên chính vẫn lái một chiếc xe thật, lạng lách trên con đường tấp nập của một thành phố thật. Tay lái mới “lụa” làm sao! Đường đông xe như thế mà vẫn chạy nhanh được, quả là phục sát đất…À mà hình như không phải…
(Nguồn: Phim ‘Lucy’, Universal Studios)
2. Giết người thật được coi là bạo lực, chắc là giết người giả sẽ không bạo lực đâu nhỉ?
Không biết các đạo diễn phim hành động có suy nghĩ như thế thật hay không, nếu có, thì họ thật ngây thơ, vì họ đã biến siêu anh hùng trong ký ức của hàng triệu người đã, đang là trẻ em trở thành một tên sát nhân máu lạnh. Một nhân vật Ninja Rùa đáng yêu, dũng cảm, đấu tranh chống cái Ác để bảo vệ cái Thiện, đã ném một người vào một chiếc tàu cao tốc đang chạy.
(Nguồn: Phim ‘TMNT’, Paramount Pictures)
Không khó để tưởng tượng cảnh tiếp theo sẽ là một cái xác nằm lăn ra sàn tàu, mặt ghim đầy mảnh kính. Những đứa trẻ xem xong bộ phim này sẽ nghĩ gì? “Ồ de, giết người thật sướng tay, chúng ta gia nhập ISIS thôi!”
Rất nhiều bộ phim có xuất phát điểm là truyện tranh cho trẻ em, nhưng nhờ kỹ xảo điện ảnh, chúng đã trở thành phim cho người lớn, vì các cảnh giết chóc được thực hiện quá dễ dàng với kỹ xảo CGI.
Nhân vật phản diện giết người dân vô tội một cách…đẹp mắt. (Nguồn: Phim ‘Captain America: The Winter Soldier’, Marvel Studios)
1. Biến con người thành những con búp bê
Những con người mong manh dễ vỡ trong các bộ phim hành động được mô tả giống như những con búp bê được tung hứng tùy thích mà không có lấy một vết trầy xước:
(Nguồn: Phim ‘Transformer’, Paramount Pictures)
Kỹ xảo CGI thật sự tuyệt vời khi nó có thể làm cho những sinh vật tưởng tượng trông y như thật. Nhưng nó cũng thật tệ hại khi làm cho người thật trông giống như đồ chơi. Trong ‘Chúa tể những chiếc nhẫn’, chúng ta đều cảm thấy đau đớn thay cho Gandalf khi ông một mình đối đầu với quỷ Balrog và cả hai cùng rơi xuống vực thẳm, khi thoát chết trở về, Gandalf trông thật tàn tạ, rách nát.
Tuy nhiên, đến khi xem phim ‘The Hobbit’ thì có lẽ khán giả sẽ tự hỏi: “Sao họ không làm phim hoạt hình luôn đi!”
Nhờ CGI, các nhân vật trong phim đều trở thành siêu nhân, không cần khán giả phải thót tim và lo lắng cho sự an nguy của họ nữa, không cần khán giả phải vã mồ hôi theo dõi từng bước chân vào vòng cạm bẫy nữa, không cần khán giả thở phào nhẹ nhõm sau khi họ thoát chết nữa. Tất cả những điều khán giả cần là chỉ là móc tiền ra mua vé thôi.
Châu Xuân