Trong 21 năm gần đây, 4 Giám đốc liên tiếp của Sở công an tỉnh Liêu Ninh đều lần lượt bị điều tra. Trùng hợp là trong 21 năm đó, ở tỉnh này đã xảy ra một tội ác chấn động thế giới.
4 giám đốc công an tỉnh lần lượt “ngã ngựa”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thanh lọc hệ thống chính trị và luật pháp trước khi diễn ra đại hội toàn quốc lần thứ 20 vào cuối năm nay. Là một phần của quá trình này, một quan chức công an cấp cao ở tỉnh Liêu Ninh gần đây đã bị điều tra.
Ngày 1/3, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thông báo về cuộc điều tra ông Vương Đại Vỹ vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Ông Vương từng là phó tỉnh trưởng Liêu Ninh, kiêm Giám đốc Sở Công an tỉnh. Điều trùng hợp là ông Vương không phải Giám đốc Sở Công an Liêu Ninh duy nhất bị điều tra. Trong 21 năm qua, cả 4 người đứng đầu cơ quan này đều vướng vào vòng lao lý.
Ba người tiền nhiệm của ông Vương gồm: Lý Phong, giữ chức từ năm 2001-2002, bị điều tra vào năm 2016 vì tội tham nhũng; Lý Văn Hỉ, kế nhiệm Lý Phong đến năm 2011, bị điều tra vì nhận hối lộ vào năm 2021. Tiết Hằng, tại nhiệm từ năm 2011-2013, tự thú để điều tra năm 2021. Ông Tiết bị khai trừ đảng vào tháng 2/2022 vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”.
Ông Vương trở thành Giám đốc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh vào năm 2013. Trước đó, ông bắt đầu sự nghiệp trong ngành thương mại và làm việc trong nhiều cơ quan chính phủ khác nhau.
Điều đáng nói là vào thời điểm ông Vương nhận chức năm 2013, làn sóng phản đối kịch liệt nhất của dư luận nước này đã nổ ra, khi những vụ tra tấn tù nhân trong trại lao động Mã Tam Gia ở Liêu Ninh bị phanh phui, khiến người dân trong ngoài nước Trung Quốc phải bàng hoàng. Nó không kém gì vụ “người phụ nữ bị xích” gần đây ở Giang Tô.
Trại lao động Mã Tam Gia: “Địa ngục trần gian”
Vào đầu tháng 4/2013, Tạp chí Ống kính của Trung Quốc đã xuất bản một báo cáo điều tra dài 20.000 từ có tiêu đề “Thoát khỏi trại lao động Mã Tam Gia”, dựa trên cuốn nhật ký của nữ tù nhân Liu Hua được bí mật thoát khỏi trại lao động.
Nhiều phương thức tra tấn trong trại lao động này đã được ghi lại trong nhật ký như: băng ghế hổ, biệt giam, treo cổ tay bị còng, giật điện bằng dùi cui, giường tử hình, sốc điện ở phần ngực phụ nữ, tách hai chân, đánh đập tàn bạo… Báo cáo này đã gây sốc đến nỗi làm dấy lên hàng loạt bài đăng và bình luận giận dữ trên mạng xã hội Trung Quốc cũng như toàn thế giới.
Cao Baoyin, một nhân vật thẳng thắn thời điểm đó cho biết trong một video, rằng Trại lao động nữ Mã Tam Gia ở Liêu Ninh là “địa ngục 18 tầng”, nơi “những người mẹ, chị em gái và con gái của chúng ta bị tra tấn. Các sĩ quan trong trại mặc quân phục nhưng lại hành xử như những con thú hoang khi bức hại những phụ nữ bị giam ở đó. Ngay cả động vật cũng không làm điều đó với đồng loại của chúng”. Video của ông sau đó nhanh chóng bị xóa khỏi các nền tảng của Trung Quốc.
Trại lao động Mã Tam Gia được thành lập vào năm 1956 trên nền đất trước đây là nghĩa địa. Trại có hai khu nam riêng biệt và một khu nữ, nhưng đã được mở rộng vào năm 1999 để giam giữ học viên Pháp Luân Công, khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân ra lệnh đàn áp môn tu luyện này trên quy mô toàn quốc. Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân Thiện Nhẫn.
Theo một báo cáo của Minghui.org, trại lao động Mã Tam Gia đã xây thêm một khu trại giam nữ khác để giam giữ và bức hại nữ học viên Pháp Luân Công.
Từ năm 2000-2013, đã có hơn 8.000 báo cáo định kỳ trên trang web Minghui.org, vạch trần và lên án cuộc bức hại về thân thể lẫn tinh thần đối với các học viên Pháp Luân Công tại Trại lao động Mã Tam Gia.
Tuy nhiên, báo cáo “Thoát khỏi Mã Tam Gia” vẫn chưa liệt kê hết mức độ và phạm vi tra tấn với tù nhân. Nó cũng không tiết lộ rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Mã Tam Gia không phải là điều xa lạ đối với những người Trung Quốc có thể vượt tường lửa Internet để xem tin tức bên ngoài Trung Quốc.
Như Ai Xiaoming, giáo sư tiếng Trung tại Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu, đã viết trong một bài báo vào năm 2013:
“Những hành động tàn bạo ở Mã Tam Gia không phải loại hình duy nhất hay đầu tiên [ở nước này]. Trước đó, luật sư nổi tiếng Cao Trí Thịnh đã viết một bức thư gửi các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, yêu cầu mạnh mẽ ngăn chặn các hành vi tàn bạo này. Tôi nhớ, ông ta đã viết rằng cơ quan sinh dục của gần như tất cả các nạn nhân đã bị xâm hại. Sự thật được tiết lộ trong lá thư của ông ấy thật kinh hoàng, và việc luật sư Cao bị bức hại thậm chí còn bi thảm hơn. Nhưng trước sự đe dọa bạo lực, công chúng bao gồm cả tôi đã im lặng”.
Cao Trí Thịnh là luật sư nhân quyền và là một trong 10 luật sư hàng đầu Trung Quốc. Ông đã bị bức hại nghiêm trọng và tra tấn dã man vì bảo vệ nhân quyền. Ông vẫn đang bị ĐCSTQ giam giữ, nhưng cả gia đình ông và thế giới bên ngoài đều không biết ông bị giam ở đâu, còn sống hay không.
Để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, ông đã viết 3 bức thư gửi Hồ Cẩm Đào, cựu tổng bí thư ĐCSTQ và Ôn Gia Bảo, cựu thủ tướng vào năm 2005.
Trong một bức thư, ông viết: “Phòng 610 đã trở thành biểu tượng quyền lực và đang tiếp tục ‘đối phó’ với người dân của chúng ta bằng cách giết chết họ cả về thể xác lẫn tinh thần, bằng cách còng tay và xích họ, bằng giật điện và băng ghế hổ. Thế lực như Mafia này đang tiếp tục hành hạ những bà mẹ, chị em gái, con cái chúng ta và toàn bộ đất nước”.
Ông miêu tả những đợt tra tấn, xâm hại cơ quan sinh dục học viên Pháp Luân Công cả nam lẫn nữ từ những nhân viên Phòng 610 bằng cụm từ “cực kỳ kinh tởm”. Phòng 610 là tổ chức bất hợp pháp chuyên thực thi cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Trang Minh Huệ Net từng đăng bài viết “Những tội ác trong trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia được tài trợ bằng phần thưởng từ ĐCSTQ”. Trong đó cho biết, Wang Maolin và Dong Jufa, quan chức Phòng 610 đã đến thăm Mã Tam Gia vào đầu tháng 7/2000 và báo cáo chi tiết cho Giang Trạch Dân. Giang đã dành riêng 6 triệu Nhân Dân tệ (21,5 tỷ đồng) vào trại lao động này và lệnh cho Trưởng phòng 610 thành lập “Cơ sở cải tạo Mã Tam Gia” sớm nhất có thể.
Những người không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công đã bị tra tấn tàn bạo ở Mã Tam Gia. Nhân viên của trại sau đó được ĐCSTQ khen thưởng và các phương thức tra tấn kinh hoàng của họ trở thành hình mẫu cho cuộc bức hại Pháp Luân Công trong các trại lao động trên toàn quốc.
Vào ngày 15/11/2013, trong bối cảnh cả trong ngoài nước đều lên án hệ thống trại lao động khét tiếng này, ĐCSTQ tuyên bố sẽ đóng cửa chúng. Tuy nhiên, nhiều người đã hoài nghi về mức độ thay đổi thực sự của nó.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, một số trại lao động chỉ đơn giản là đổi biểu hiệu, từ trại cải tạo lao động thành trại lao động cai nghiện, hay được tái sử dụng theo những cách khác. Và theo báo cáo của The Epoch Times vào năm 2013, sau khi biển hiện thay đổi, những tù nhân trước đó vẫn bị giam trong trại.
Giờ đây thông qua việc ông Vương, người đứng đầu thứ 4 liên tiếp của Sở Công an tỉnh bị điều tra, thật khó để tưởng tượng luật pháp có thể tồn tại ở Liêu Ninh. 21 năm mà 4 người đứng đầu này tại chức cũng là 21 năm các học viên Pháp Luân Công bị bức hại thảm khốc.
Tác giả: Chen Simin
Thùy Linh (Theo Epoch Times)