Khi giá bắt đầu “vượt mặt” lương không ít người dân đã kêu trời do mức sống vốn đã không cao, nay lại càng “teo tóp” hơn. Trong khi tình hình lạm phát chưa kịp điều chỉnh, giá xăng, giá vàng lại cao chót vót khiến giá cả tiêu dùng “đội” lên chóng mặt. Ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội với chi phí luôn cao gấp 2-3 lần những nơi khác, cuộc sống của người dân lại càng dở khóc dở cười.
Đi chợ khó hơn… mua nhà
Đó là lời than của chị Vân mỗi ngày phải ra chợ để lo bữa ăn cho gia đình. Trước đây, với 100.000 đồng là đủ để cả nhà chị 5 người ăn ba bữa. Nhưng nay, muốn thu vén một bữa ăn đủ no cho cả nhà trong số tiền ấy thật không đơn giản. “Cả nhà tôi chỉ có mỗi chồng chạy xe ôm nên chi phí ăn không thể tăng lên được, nhất là khi giá xăng tăng, ông ấy tìm khách cũng khó hơn trước kia. Từ sau Tết đến giờ, món nhiều đạm và sang nhất của nhà tôi là trứng nhưng cũng bữa có bữa không” – chị Vân ngao ngán nói.
Có lẽ thành phần lao động nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều, nhanh và trực tiếp nhất từ cơn “bão” giá. Không chỉ là bữa ăn tự thu vén mà cả bữa ăn được miễn phí của họ cũng ngày càng “nghèo nàn” hơn. Hùng, nhân viên của một công ty in ấn cho biết: “Suất ăn quy định của công ty từ hơn một năm nay là 25.000 đồng/phần. Giá tăng nhưng tiền chi cho mỗi suất ăn vẫn như cũ nên thức ăn vừa ít, vừa dở lại vừa không thay đổi. Không ăn thì không đủ sức làm nên chỉ còn cách chan canh húp cho qua bữa”.
Khổ sở không kém chính là những sinh viên nghèo xa nhà. Một sinh viên nói vui: “Tương lai đất nước” đang có nguy cơ suy dinh dưỡng!”. Điển hình là bữa cơm bụi 15.000 đồng của họ chỉ toàn rau và một miếng thịt mỡ mỏng đến mức không thể mỏng hơn. “Tự nấu cơm ở nhà thì cũng chỉ có rau muống chấm nước tương và nước luộc rau muống làm canh. Hôm nào ngán quá thì đổi sang đậu phụ. Ăn ngon bọn em chẳng mơ nhưng đến ăn no cũng khó khăn, khi giá gạo cũng tăng từng ngày” – Lan, sinh viên năm cuối Đại học Luật cho biết.
Với các nhân viên văn phòng, cuộc sống tuy dễ thở hơn nhưng cũng bắt đầu lao đao vì giá. Vợ chồng chị Phương, nhân viên văn phòng đang lo lắng khi quỹ phòng thân của gia đình từ sau tết đến nay không thêm được đồng nào mà còn bị “lẹm” vào. “Thu nhập của hai vợ chồng cộng lại khoảng 7 triệu đồng, so với mặt bằng chung không phải thấp nhưng để sống thoải mái, cũng phải khéo tính lắm. Không thể giảm tiền học của con và cắt giảm tiền phòng thân nên vợ chồng tôi dự định kế hoạch lại chi phí tiêu dùng trong khi chờ… lương theo kịp giá” – chị Phương tâm sự.
Cái khó ló cái khôn
Trước khi chờ các chính sách bình ổn giá cả, người dân đã tự nghĩ đủ mọi cách để sống chung với “bão”. Một hình thức tiết kiệm khác rất được các bà nội trợ ưa chuộng là mua sỉ. Họ rủ nhau lên danh sách các thứ cần thiết và đi mua tại Metro hoặc các chợ đầu mối, sau đó chia lẻ ra. “Tuy hơi mệt và thường phải chờ đợi lẫn nhau nhưng tiết kiệm được đến 10%-15% mà hàng vẫn chất lượng.” – một bà nội trợ chia sẻ một cách tâm đắc.
Giới sinh viên thì rủ nhau đi “săn” hàng miễn phí. Câu slogan “Ở đâu có miễn phí, ở đó có sinh viên” chưa bao giờ đúng như hiện nay. Điểm săn hàng thường là các siêu thị, nơi thường phát quà miễn phí hoặc diễn ra các hoạt động thăm dò thị trường kèm quà tặng cho người được phỏng vấn. “Những nghề thời vụ này thường tuyển sinh viên nên tin “bắn” rất nhanh. Bọn em cứ thế vòng hết siêu thị này đến siêu thị khác để gom sữa tắm, dầu gội đầu” – Thùy sinh viên năm thứ 2 Đại học Kinh tế bật mí.
Có lẽ chưa bao giờ, những hình thức tiết kiệm lại được áp dụng triệt để như hiện nay. Không chỉ tích cực thực hành, những người cùng cảnh ngộ còn rỉ tai nhau và chia sẻ hết lòng để cùng vượt “bão”. Một cuộc sống mới với nhiều lo toan nhưng đầy ắp “sáng kiến” và tình người đang bắt đầu cuộn lên trong “bão”.
Theo blog Yume