Tinh Hoa

Biểu tình ở Bình Dương làm giới đầu tư ngoại quốc sợ hãi

Cuộc biểu tình bạo động dữ dội bắt đầu từ đêm 12 tháng 5, kéo dài đến hết ngày 13 tháng 5, 2014 tại các khu công nghiệp toàn tỉnh Bình Dương làm rúng động giới đầu tư ngoại quốc.

 

Một nhóm công nhân kêu gọi ngừng bạo động “vì chén cơm manh áo của chúng ta”. (Hình: Infonet)

 

Hậu quả vật chất lẫn tinh thần từ các vụ biểu tình bạo động bầy tỏ lòng yêu nước của giới công nhân Việt Nam trước tin Trung quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa được xác định, nhưng được tiên đoán là “rất lớn”.

* Diễn biến bất ngờ, nhà cầm quyền không kịp phản ứng 

Khoảng gần 20,000 công nhân làm cho các công ty ngoại quốc ở Bình Dương phản đối  Trung Quốc đặt giàn khoan khổng lồ tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nổ ra vào đêm 12 tháng 5, xuất phát từ công ty giày Thông Dung. Vào ngày chủ nhật 11 tháng 5 trước đó là các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… là chất men làm bùng nổ cuộc xuống đường của giới công nhân, được coi là “giai cấp tiền phong của đảng Cộng sản Việt Nam.”

Sáng hôm sau, tức 13 tháng 5, 2014 biểu tình tại các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 1 và 2, Sóng Thần, Việt Hương, lan tới Đồng An, Linh Trung 1, Linh Trung 2, Tân Tạo của Thủ Đức và Bình Chánh, từ hãng Giày Thông Dung lan đến King Makerrong ở huyện Thuận An; Shyang Hung Cheng, King Food Wear,  New Prokin Việt Nam… Chiều ngày 13 tháng 5, hàng ngàn công nhân Bình Dương đội mưa diễn hành một đoạn đường dài, từ vòng xoay An Phú, thị xã Thuận An, liên tỉnh lộ 743, qua các con đường số 6, số 4, đại lộ Độc Lập của khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) 1.

 

Chiếc xe tải chở hàng bị thiêu rụi hoàn toàn tại một xí nghiệp. (Hình: VNExpress)

 

Cuộc tuần hành biến thành bạo động khi một nhóm công nhân giật cờ Trung Quốc để đốt, xô ngã cổng sắt, đập phá, tháo dỡ các bảng hiệu của công ty viết chữ Hoa. Có tin nói rằng công nhân đã uy hiếp, doạ thiêu sống và bắt giám đốc công ty phải quỳ lạy như tế sao. Mọi diễn biến hầu như vượt khỏi sự kiểm soát của các chính quyền địa phương. Tệ hại hơn, tình trạng cướp bóc, hôi của đã xảy ra tại những nơi mà đoàn biểu tình đi qua. 

* Nguy cơ tự “đập bể nồi cơm”

Phúc trình của tỉnh Bình Dương cảnh cáo rằng hàng trăm người thợ đang đứng trước nguy cơ mất việc. Báo Tiền Phong trích dẫn thông cáo của tỉnh Bình Dương hôm 14 tháng 5 lên án “một số người kích động, xúi giục công nhân đập phá, đốt nhà xưởng của doanh nghiệp.” Công an tỉnh Bình Dương hôm 14 tháng 5 cho hay đã bắt gần 500 người vì “kích động, gây mất an ninh trật tự, lợi dụng sự hỗn loạn để cướp tài sản, đốt nhà xưởng, hành hung nhân viên bảo vệ và chuyên gia ngoại quốc.” 

Hậu quả trước mắt, theo báo Tuổi Trẻ, hầu hết công nhân khu công nghiệp VSIP 1 sẽ phải ngừng làm việc. Báo này dẫn nhận định của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng, việc một số người quá khích phá hoại không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư mà làm ảnh hưởng tới quyền lợi của công nhân.

 

Phía bên trong cơ sở của một xí nghiệp bị người biểu tình đập phá tan tành. (Hình: VNExpress)

 

Theo báo mạng Infonet, hôm 14 tháng 5, 2014, một số người dân tập họp tại khu công nghiệp Bình Dương phân phát cho nhau hàng ngàn áp phích kêu gọi “không tham gia biểu tình tự phát, không nghe bọn xấu kích động, đập phá.” Nhà cầm quyền địa phương cho  xe loa lưu động chạy khắp các con đường của khu công nghiệp kêu gọi người dân bình tĩnh, “tránh hành động quá khích làm ảnh hưởng đến các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.”

Thế nhưng, một công nhân tên Hoàng Đình Thái, cư dân quận Bình Tân, nói với ký giả đài BBC tiếng Việt trong cuộc biểu tình rằng, sự có mặt của ông là tự ý bản thân và không ai kêu gọi hay vận động. Ông Hoàng Đình Thái còn nói thêm rằng: ” Tôi tham gia biểu tình vì được nghỉ làm, bây giờ nước mất nhà tan thì công việc đâu mà làm nữa. Trung Quốc phải rút khỏi Việt Nam thì chúng tôi mới làm lại.” Một người khác cho hay, sự hiện diện của ông tại cuộc biểu tình là “để góp sức với mọi người tranh đấu với Trung Quốc.”

Trên các mạng xã hội đầy dẫy những nhận định cá nhân cho rằng, hành động quá khích của công dân là bùng nổ sự căm giận bị đè nén quá lâu. Một số bình luận trên mạng xã hội cho rằng, sự thật về đời sống quẫn bách cùng khổ của các gia đình công nhân từ nhiều chục năm nay đã không được biết đến. 

* Các nhà đầu tư và chính quyền các nước nói gì?

Ông Trần Bách Tú, Chủ nhiệm văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc nói trên đài BBC rằng Bình Dương và Đồng Nai không có nhiều công ty Trung Quốc mà hầu hết là nhà đầu tư Đài Loan. Vẫn theo ông, người Đài Loan đang tính chuyện rút hết về nước.

 

Ngay cả công ty Đài Loan cũng trưng cờ và xác định không phải là xí nghiệp “Trung Quốc” để tránh bị đốt phá. (Hình: Báo Giáo Dục)

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Storey, người Singapore, chuyên viên của Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, một trang đen tối mới xuất hiện trong mối quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực, vì Trung Quốc vẫn sẽ giữ giàn khoan ở biển Đông cho đến tháng 8 tới, mà các cuộc biểu tình bạo động như trên chỉ mới bắt đầu. 

Reuters cũng nói rằng không khí hoang mang sợ hãi bao trùm giới đầu tư ngoại quốc. Giám đốc Tổ hợp kỹ nghệ Formosa của Đài Loan, ông F.Y. Hong, cũng là một trong những công ty bị tấn công, đốt phá nói rằng công nhân biểu tình đã lấy đi tivi, máy tính và cả các vật dụng cá nhân của công nhân.

Ông nói rằng, vì số lượng cảnh sát quá ít nên đã không ngăn chặn được nạn hôi của. Người đứng đầu nhà máy sản xuất nội thất của Malaysia, Latitude Tree Holdings Bhd. thì nói không biết đến bao giờ mới mở cửa lại nhà máy. (PL)

Theo Nguoiviet