Toàn thị trường chỉ có 19 mã tăng điểm trong phiên sáng 8/5, theo trang tin chứng khoán Vietstock
Thị trường chứng khoán của Việt Nam lao dốc ngay trong phiên đầu ngày 8/5, trong lúc giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trên sàn HOSE, tính đến cuối phiên sáng ngày 8/5, VN-Index đã giảm đến 33,01 điểm, tức 5,89%, xuống 526.74 điểm, theo đồ thị của hãng tin tài chính Bloomberg.
Trong khi đó, trang tin chứng khoán Vietstock cho hay sàn HNX chốt phiên sáng với HNX-Index giảm 5.3 điểm, tương ứng 6.92%.
Giảm mạnh nhất từ 2001
Hãng tin tài chính Bloomberg nhận xét rằng phiên giao dịch sáng 8/5 là phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2001.
Phân tích thị trường của Công ty Cổ phần chứng khoán FPT cùng buổi sáng nhận định “đây có thể là phiên giảm điểm mạnh nhất trong quá trình giao dịch của thị trường những năm gần đây.”
“Phiên sáng, VN-Index như một cỗ xe mất phanh, phăng phăng lao dốc với tốc lực mỗi lúc một thêm mạnh và xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ một cách nhanh chóng, đà giảm sau sâu hơn đà giảm trước,” báo cáo của FPT cho biết.
Trả lời BBC sáng 8/5, một nhân viên môi giới của MBS tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói với BBC với điều kiện ẩn danh rằng “thị trường giảm sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây, sâu hơn cả vụ Bầu Kiên bị bắt.”
“Bên mua trống trơn, chỉ có bên bán,” bà nói.
“Nhà đầu tư cứ bán cắt lỗ trước vì họ sợ sẽ còn giảm nữa. Họ cứ bán trước để bảo tồn đồng vốn,”
“Người mua bây giờ nhảy vô cũng sợ lắm vì đang rơi tự do.”
“Hồi sáng có lúc giảm xuống 40 điểm nhưng do khối ngoại mua nên có lúc kéo giật giật lên.”
“Tâm lý sợ chiến tranh nên nhà đầu tư bỏ chạy trước. Họ cầm tiền cho chắc ăn,” bà nói, “Nếu nỗi sợ qua đi thì thị trường sẽ lên lại.”
Phía Việt Nam nói việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa là bất hợp pháp
Tác động từ giàn khoan Trung Quốc
Trả lời BBC sau phiên giao dịch sáng 8/5, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Phòng phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng đà lao dốc hiện nay chủ yếu là do tác động từ tin về giàn khoan của Trung Quốc.
“Điều này tác động rất mạnh đến tâm lý nhà đầu tư vì quan ngại có thể xảy ra xung đột vũ trang trong thời gian tới,” ông nói.
“Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung là luôn sợ bất ổn, họ sợ rằng những hành động của Trung Quốc không mang tính đơn lẻ mà có thể được nối tiếp bằng những hành động khác.”
“Thông tin này cũng xuất hiện trong bối cảnh thị trường đang nằm trong quá trình điều chỉnh khá gấp và sâu sau khi tăng mạnh trong khoảng hơn một năm trở lại đây.”
“Trong lúc điều chỉnh thì nhà đầu tư dễ bị chi phối hơn bởi các thông tin tiêu cực.”
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các nhà đầu tư đã phản ứng thái quá trước căng thẳng hiện nay.
“Có lẽ, các nhà đầu tư hoảng loạn đã hoảng loạn quá mức cần thiết trước các thông tin về tranh chấp trên biển Đông,” ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn, được báo điện tử VnEconomy dẫn lời nói.
“Thị trường chứng khoán từng lên quá nhanh, từ 500 lên 600 điểm thì việc quay lại âu cũng là bình thường. Vì riêng thị trường chứng khoán có một đặc điểm: hàng hóa chứng khoán hôm nay tốt, nhưng ngày mai giá lên cao thì lại xấu. Nhưng nếu hôm qua lên cao, hôm nay giá lại giảm xuống thì lại tốt,” ông Hưng nhận định.
Khắc phục tâm lý bất định
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, để khắc phục tâm lý bất định của nhà đầu tư, phía Việt Nam nên “dựa vào những yếu tố thuộc về nội tại của nền kinh tế”.
“Chúng ta nên tập trung vào những biện pháp mang tính ổn định, những chính sách hỗ trợ kinh tế để tạo nền tảng bền vững ở trung hạn, đặc biệt là những biện pháp hỗ trợ cho khía cạnh vĩ mô của doanh nghiệp.”
Dự đán về diễn biến trên thị trường chứng khoán trong những ngày tới, ông Bình cho rằng “hiện thị trường xảy ra bán tháo khá mạnh vì thông tin vẫn còn khá mới và gây tâm lý đột biến trong nhà đầu tư.”
“Nếu dựa diễn biến kỹ thuật của thị trường thì hiện nay thị trường có thể điều chỉnh về những vùng điểm khá sâu, thậm chí là dưới mức 500 điểm, sau sóng tăng mạnh từ đầu năm 2013 trở lại đây.”
“Chúng tôi cho rằng những diễn biến tiêu cực có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, ít nhất là trong tháng Năm đến tháng Sáu.”
Theo BBC