Cùng đi tìm câu trả lời về màu da của các loài động vật: ngựa vằn lại có vằn, hồng hạc có màu đỏ… 1. Ngựa vằnHọa sĩ Solis giải thích nguồn gốc bộ lông ngựa vằn một cách dí dỏm. Ông tưởng tượng nên những tốp thợ tí hon đang buộc những dải lụa đen quanh thân một chú ngựa trắng.
Bộ lông tuyệt đẹp của ngựa vằn từ lâu đã được coi là một bí ẩn mà các nhà tự nhiên học cất công tìm hiểu. Có người cho rằng, bộ lông vằn đen trắng đó giúp ngựa vằn ngụy trang. Tuy nhiên giả thuyết này bị nhiều nhà khoa học, trong đó có cả Charles Darwin bác bỏ. Trên thực tế, màu lông đen trắng tương phản còn khiến ngựa vằn nổi bật hơn trong những đêm trăng sáng, làm tăng nguy cơ bị phát hiện và tấn công.
Gần đây, nhà sinh vật học Tim Caro ở ĐH California đã đề ra giả thuyết, những sọc vằn giúp cho ngựa vằn tránh bị ruồi tsetse đốt. Ruồi tsete là một vật trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm cho ngựa vằn. Để đối phó lại, lớp da ngựa vằn với những sọc đen trắng xen kẽ nhau tạo nên một bề mặt phản xạ ánh sáng đặc biệt, khiến loài côn trùng này “đau mắt” và không dám lại gần. Những nghiên cứu tiếp theo vẫn đang được thực hiện để củng cố giả thuyết thú vị này. 2. Hồng hạcHồng hạc nổi bật trong thế giới loài chim với bộ lông màu đỏ hồng cực kì ấn tượng. Có lẽ sắc màu đó khiến họa sĩ Solis liên tưởng rằng, loài chim này được Mẹ Thiên nhiên “sơn” lên một thứ phẩm nhuộm đặc biệt nào đó.
Trong thực tế, thứ phẩm nhuộm của bộ lông hồng hạc đến từ một nhóm hợp chất có tên gọicarotene, chất tạo nên màu đỏ cam của món cà rốt hay gấc mà bạn ăn. Còn nguồn cung cấp carotene chính của hồng hạc là các loại tảo và tôm, cua nước mặn bởi chúng rất giàu loại chất này. Sau khi tiêu hóa thức ăn, cơ thể hồng hạc sẽ sử dụng các chất này để tạo màu cho bộ lông và lớp da phần chân của chúng. Nếu tách những thực phẩm chứa carotene ra khỏi khẩu phần ăn, bộ lông hồng hạc sẽ ngả sang màu trắng. 3. Hươu cao cổBằng các sử dụng khinh khí cầu, những người tí hon trong thế giới siêu thực của họa sĩ Solis “dán” những đốm màu lên mình một chú hươu cao cổ khổng lồ. Nhưng tại sao hươu cao cổ lại có những đốm như vậy? Các nhà khoa học giải thích rằng, trong môi trường thảo nguyên châu Phi, những đốm màu nâu vàng đó sẽ giúp hươu cao cổ dễ hòa mình với màu sắc của tự nhiên, nhờ đó giảm được nguy cơ bị các loài động vật ăn thịt phát hiện.
Cũng giống như dấu vân tay của con người, mỗi chú hươu cao cổ lại có một cách bố trí những họa tiết đốm riêng, không con nào giống con nào. Chúng ta còn có thể ước lượng tuổi của hươu qua màu sắc đốm, do càng về già những đốm này càng đậm màu dần. 4. Báo đốmBáo đốm là một trong những loài “mèo lớn” nổi tiếng về khả năng chạy nhanh cũng như kĩ năng săn mồi điêu luyện. Từng phân bố rộng khắp ở 3 châu lục Á-Âu-Phi, ngày nay phạm vi sống của loài này đã thu hẹp đáng kể do sự săn bắt của con người, trong đó một phần nhằm đoạt lấy bộ lông tuyệt đẹp của chúng.
Đối với họa sĩ người Mexico, ông ví bộ lông này như một công trình mĩ thuật được “thi công” rất tỉ mỉ, chi tiết bởi những người thợ nhỏ bé và dũng cảm. Giống như hươu cao cổ, bộ lông của báo đốm giúp chúng ẩn mình vào môi trường xung quanh, khiến con mồi của chúng khó phát hiện. Chúng ta có thể dùng thuyết tiến hóa để giải thích nguồn gốc của báo đốm. Đầu tiên, chỉ có một vài cá thể báo có đốm do một đột biến gene ngẫu nhiên. Những con báo có đốm săn mồi tốt hơn, nhờ vậy tỉ lệ sống cao hơn và truyền lại gene cho những thế hệ tiếp sau. Dần dần, số lượng báo có đốm trong quần thể tăng dần và tiến tới thay thế hẳn những cá thể không có đốm. * Bài viết dựa trên thông tin và quan điểm của nhà khoa học Robert Krulwich từ chuyên trang Khoa học của NPR. |
Theo Trí Thức Trẻ |