Lục Kiến Cầu (Lu Jianqiu) bị mất tích hơn 10 năm qua ở tỉnh Quảng Tây. Vào cuối năm 2010, em họ của anh, Lục Tiểu Yến (Lu Xiaoyan), bị sốc khi nhận được tiếng kêu từ anh khi đang đi trên một con phố ở Đông Quản, cách xa nhà hàng trăm dặm.
Cô bị sốc hơn nữa khi nhìn thấy tình trạng của người anh họ. Lục Tiểu Yến nói với phóng viên của Truyền hình Phượng hoàng (Phoenix Television): “Anh tôi bị mất cánh tay phải, chỉ còn cái bướu tròn ở khuỷu tay. Cả 2 chân cũng bị biến mất từ đầu gối. Anh ngồi trên một cái xe đẩy nhỏ bằng ván gỗ và có bánh xe”. Khi anh mất tích, anh là đứa trẻ lành lặn, còn giờ đây anh đã trưởng thành nhưng cụt tay chân.
Câu chuyện về các nhóm tội phạm bắt cóc trẻ em, làm chúng tàn tật, và buộc chúng đi ăn xin kiếm tiền cho bọn tội phạm, đã khiến dư luận Trung Quốc chấn động và căm phẫn. Một phóng sự điều tra gần dây của truyền hình Phượng hoàng, đặt ở Hồng Kong, đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
“Các băng nhóm Ăn xin”, như phóng sự đặt tên, thường cũng liên quan đến các hoạt động tội phạm khác như: buôn bán người, tra tấn và giết người.
Người mất tích
Sau vụ việc Lục Kiến Cầu, một cuộc điều tra nhắm vào các băng nhóm này được thực hiện. Trong lần giáp mặt trên con phố ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, vào tháng 9/2010, anh Lục nói với người em họ rằng 10 năm trước, khi đang đi chơi, anh bị một người đàn ông đánh bất tỉnh. Sau đó anh tỉnh dậy trong một căn phòng tối bị mất 1 cánh tay và cả 2 chân.
Tiểu Yến, bắt đầu khóc. Nhưng họ nói chuyện không được lâu thì 2 người đàn ông nhảy ra khỏi một chiếc xe buýt nhỏ cũ kỹ đỗ gần đó, đá người ăn xin và nói với Tiểu Yến rằng nếu cô không đi, họ sẽ giết cô ngay tại đó.
Sau đó họ bắt người anh họ của cô, lôi vào xe tải và lái đi mất.
Anh trai của Tiểu Yến nói rằng các băng nhóm cho những người ăn xin một ít thức ăn và nước, và lấy lại hết tiền mà họ xin được. Họ dùng các xe loại thải bỏ với bằng giả để chở những người họ bắt giữ, theo tin của Truyền hình Phượng hoàng.
Làm gẫy tay chân
Truyền hình Phượng hoàng tập trung vào phỏng vấn một người ăn xin lâu năm bị tàn tật, Vương Tu Dũng, người nắm được cách thức hoạt động của các bằng nhóm ăn xin trong nhiều năm. Ông nói ông đã từng là một người trong đường dây ăn xin ép buộc ở Đông Quản trong nhiều năm trước.
Vương nói rằng từ năm 2000, việc dùng trẻ em tàn tật để ăn xin đã lan tràn. Những kẻ đứng đầu băng nhóm ban đầu là nông dân, “thuê” những đứa trẻ tàn tật từ bố mẹ chúng ở các khu vực nông thôn. Sau đó, họ bắt giữ trái phép các đứa trẻ lành lặn, và làm chúng thành tàn tật.
Vương nói “Khi họ bắt đầu, họ trả cho gia đình của đứa trẻ tàn tật từ 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ (480$-640$) mỗi năm, và sau đó đứa trẻ thuộc về họ. Lợi nhuận rất lớn, vì vậy họ bắt đầu đánh cắp, dụ dỗ, và thậm chí bắt cóc những đứa trẻ. Họ cũng đi gom những đứa trẻ bị bỏ rơi.”
Vương nói rằng khi những đứa trẻ còn bé, những băng nhóm này cho chúng uống thuốc ngủ để chúng ngủ cả ngày mà không ảnh hưởng đến “kinh doanh”.
Ông còn cho biết khi đứa trẻ 1 hoặc 2 tuổi, những kẻ cầm đầu băng nhóm sẽ làm gẫy tay chân đứa trẻ và đưa ra ngoài xin ăn. Đứa trẻ sẽ không thể chạy đi, không thể nhờ giúp đỡ, hoặc “gây phiền toái”.
Vương nói: “Họ dùng gạch và thanh gỗ để đập chân đứa bé. Còn đứa bé khóc như điên dại. Sau đó chân đứa bé bị nhiễm trùng và mưng mủ. Họ không chữa trị thuốc cho đứa bé, bởi vì tình trạng đứa bé càng bi thương thì họ càng được nhiều tiền. Thậm chí khi vết thương đang lành, họ lại dùng thanh gỗ đập gẫy lại cho chảy máu”.
Khi đứa trẻ bị chết yểu, lúc 4 hoặc 5 tuổi, băng nhóm sẽ ném xác đứa trẻ ở khu vực hoang vắng hoặc vứt xuống sông.
Vương nói những người ăn xin được thả xuống đường phố vào sáng sớm, và xin tiền cho đến nửa đêm.
Giống như những băng nhóm thông thường, các băng nhóm ăn xin có lãnh địa riêng, thường phân chia theo tỉnh. Mỗi lãnh địa có những kẻ cầm đầu, và những kẻ du côn để đánh đập và kiểm soát những đứa trẻ.
Cảnh sát không hành động
Vương Tu Dũng nói với truyền hình Phượng hoàng rằng anh đã báo cảnh sát Đông Quản từ năm 2002, nhưng họ chỉ nói rằng đó không phải việc của họ. Họ khuyên anh đến các cơ quan chính quyền khác.
Gia đình của anh Lục Kiến Cầu bị mất tích cũng nhận được câu trả lời tương tự của cảnh sát. Anh trai của Lục, Lục Đông Tru nói: “Khi em trai tôi mất tích, chúng tôi báo cảnh sát, nhưng đồn cảnh sát chưa bao giờ trả lời chúng tôi, chưa một lần. Tôi không thể tin nổi”.
“Sốc nặng”
Nhiều người Trung Quốc đã đọc và xem bản tin về các băng nhóm này và họ rất tức giận, trách mắng chính quyền đã không hành động nhanh và kiên quyết để chống lại loại tội phạm này.
Một cư dân mạng viết trên Sina Weibo: “Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin rất mạnh về vụ tai tiếng ngành công nghiệp tình dục ở Đông Quản, nhưng họ câm lặng trước vấn nạn trẻ em bị các băng nhóm ăn xin bị đập gẫy chân tay”.
CCTV là kênh phát ngôn của nhà nước, đã có nhiều bản tin dài về Đảng Cộng Sản thanh trừng tệ nạn mại dâm ở Đông Quản vào đầu năm nay. Sau khi CCTV đưa tin về tệ nạn này chính quyền đã có chiến dịch chống mại dâm ở quy mô lớn, mạnh mẽ trong 3 tháng, với hơn 6.000 cảnh sát được cử đến để bắt giữ gái mại dâm và khách mua dâm.
Người dùng Internet phân vân tại sao chính phủ không có hành động chống lại các băng nhóm ăn xin. Một cư dân mạng viết: “Đây là điều sốc nặng! Những điều tàn bạo thế này đang xảy ra ngay trên hè phố trong nhiều năm. Công an, cảnh sát đi đâu rồi? Tại sao không có ai ngăn các kẻ tội phạm điên rồ này lại? Đây không phải lần đầu tiên báo chí đưa tin, nhưng luôn luôn kết thúc mà không có hành động, bởi vì có bố già đứng đằng sau. Vì vậy thời gian trôi qua, mọi người quên đi, và cuộc sống vẫn tiếp diễn…”
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.