Tinh Hoa

Bỏ quên tặng phẩm vô giá của thiên nhiên?

Tháng 6.2009, một người dân đánh cá ở huyện Minh Hoá (Quảng Bình) tuyên bố phát hiện 7 hang động tuyệt đẹp ở xã Tân Hoá. UBND huyện Minh Hoá cử nhiều đoàn vào thám sát và có ý định làm khởi sắc khu hang động hiếm thấy này. Nhưng sau hơn hai năm, tặng phẩm vô giá ấy gần như bị bỏ quên ở huyện nghèo.

 

Trong ống kính của đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, hang Tú Làn khô hoành tráng kỳ lạ. Ảnh: Đoàn thám hiểm cung cấp

Tặng phẩm vô giá

Người đàn ông phát hiện ra 7 hang động đó là Đinh Hồng Nhâm (48 tuổi), thôn Quy Hợp, Xuân Hoá. Lúc đó báo chí đưa tin như làn sóng phát hiện đặc biệt, gây sự chú ý rất lớn.

Một năm sau, đoàn thám hiểm của hang động của Hoàng gia Anh do tiến sĩ Howard Limbirt dẫn đầu đã đặt chân đến đây và cảm ơn các phóng viên đã viết bài như cách chỉ dẫn đoàn của ông đến Tân Hoá. Thật sự các thành viên trong đoàn đã bỏ 3 ngày ở thung lũng Tú Làn, Tố Mộ để xem xét các hoạt động địa chất ngoài khu vực di sản Phong Nha – Kẻ Bàng. Tiến sĩ H. Limbirt tuyên bố: “Không nghi ngờ gì nữa, đây là những hang động đưa lại sự phong phú cho bộ sưu tập khám phá của chúng tôi. Nó thật sự làm chúng tôi bối rối bởi kiểu cách thạch nhũ độc đáo và có cả thác nước trong hang động là điều hiếm gặp”.

Trước khi đoàn thám hiểm đến, chúng tôi đã được anh Đinh Hồng Nhâm dẫn đi các hang động này, và thật sự ở đây như thế giới thần tiên. Các vận động địa chất tại đây sau đó các nhà khoa học tính toán tương đương với vận động địa chất của Phong Nha-Kẻ Bàng, nghĩa là chúng có độ tuổi hàng trăm triệu năm.

Lên lại Minh Hoá, trở lại hang xưa, vào lối Tố Mộ nhỏ, hang động vẫn thế, vẻ đẹp khó cưỡng lời khen. Hang cao hơn 30m, thạch nhủ đen xếp vào nhau như “rừng”. Hang có hai lối cửa khiến không khí mát hơn máy lạnh. Hang Tố Mộ lớn trong đó là dấu tích của cuộc kháng chiến người Nguồn chống thực dân Pháp, vương vãi các mảnh vỡ của gốm, chum, chỉnh, ché…dù ngoài trời nắng như đổ lửa, nhưng vào đây, mát lạnh lạ kỳ. Cuối hang, có lối nhỏ dẫn xuống dòng sông ngầm mà người địa phượng đặt tên là Rục Poọc.

Rời hang trên, chúng tôi vào những hang động ở Tú Làn, cảnh tượng lộng lẫy diễn ra bên trong. Thạch nhũ kiêu kỳ đứng chen vai nhau như có bàn tay của ai đó sắp đặt. Càng vào sâu, càng choáng ngợp trước các cột thạch nhũ mọc từ dưới nền hang lên. Trầm tích thời gian như lắng đọng, nó được tạo ra bởi hang tỷ tỷ gịot nước của dòng chảy đá vôi từ hàng triệu năm. Những giọt nước nhỏ xuống, toé ra, kết tủa lại tạo thành từng cột thạch nhủ tráng lệ lạ thường qua biến thiên của thời gian.

Điều đặc biệt còn có một hang nước Tú Làn kề cạnh ôm tron mình nó con sông ngầm mà các nhà khoa học khám phá vào năm 2010 đã không tìm thấy điểm kết thúc. Nhiều người đoán định nó nối thông với sông nầm Phong Nha. Chưa có câu trả lời chính thức, nhưng các chuyên gia thám hiểm phỏng đoán như vậy vì nó có lý do, bởi hệ thống đá vôi có sự ăn thông ngầm với nhau rất ngoạn mục và vào năm 1999, khi Tân Hoá có lũ, nước đã dồn về Phong Nha nhiều loại vật dụng của người dân Tân Hoá rồi đổ vào sông Son.

Nếu tính đường chim bay, từ hang nước Tú Làn về Phong Nha mất 60km, nhưng tính đường bộ, lại dài gấp đôi. Những lời kể đó, gây ra sự ngạc nhiên lớn với đoàn thám hiểm, và họ coi 7 hang động ở đây là tặng phẩm vô giá của thiên nhiên.

 

Các hang động được tìm ra bởi một người đánh cá. Ảnh: Đoàn thám hiểm cung cấp.

“Chưa thể làm được”

Trở lại với 7 hang động này sau hai năm được phát hiện, vẫn khung cảnh xưa, vẫn dòng thác tuyệt đẹp đó, nhưng thấy trống vắng kỳ lạ. Đã có nhiều dấu chân đặt đến đây, rồi ra về, không sự trở lại nào đáng tương kính với tặng phẩm của thiên nhiên.

Các hang động này từng được đề cập đến ở hầu hết các cuộc họp của thường vụ huyện uỷ Minh Hoá, thường trực UBND huyện Minh Hoá, đêt tìm cách làm bật lên các tặng phẩm vô giá.

Từng có ý kiến cho rằng không nên đưa khu hang động trên vào tham quan kiểu truyền thống ở động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường. Nó nằm ngoài hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới, là điều kiện để thăng hoa sản phẩm du lịch khác. Có thể là xây dựng khách sạn hang động dân dã, có thể tái hiện hình ảnh con người hàng ngàn năm trước sinh tồn trong hang đá, và vận dụng kiến thức bản địa tiếp đãi khách khứa bằng các món pồi, món cá mát, từ ngay chính sông ngầm trong hang động. Làm những điều giản dị, không đao to búa lớn.

Nhưng từ đó đến nay, tặng phẩm này vẫn chưa thể trở thành điểm mạnh cho Minh Hoá, một trong những huyện nghèo của cả nước tranh thủ cơ hội. Ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch UBND huyện nói: “Chúng tôi rất suy nghĩ về các hang động này. Nếu chỉ làm để tham quan khách vào xem hang động thì không thể cạnh tranh với Phong Nha, Thiên Đường vì quá xa, nhưng nghĩ về các sản phẩm mới, lạ thì cũng nghĩ đến nhưng tiềm lực huyện hiện chưa thể làm được gì”.

Quả thật, Minh Hoá chưa thể tự làm với năng lực của huyện nghèo, mỗi năm thuế thu vào của toàn huyện không vượt quá 6 tỷ đồng, trong khi đó chi tiêu thường xuyên lại vượt xa nhiều lần số tiền trên.

Như vậy tặng vật vô giá giành riêng cho Minh Hoá đang bị bỏ quên ở huyện nghèo này. Người ta trăn trở cũng nhiều, nhưng vì lực bất tòng tâm đang để tặng phẩm của tự nhiên cô đơn giữa núi rừng.

 

Trong động nước còn có cả thác nước tuyệt đẹp. Ảnh: Đoàn thám hiểm cung cấp.

Thật sự đoàn thám hiểm ngỡ ngàng trước sự mê hoặc của hang động nơi đây. Ảnh: Đoàn thám hiểm cung cấp.

Trầm tích hàng triệu năm qua từng thớ đá trước cửa hang Tú Làn. Ảnh: Quốc Nam

Thạch nhũ trang lệ lạ kỳ. Ảnh: Quốc Nam.

Lúc mới phát hiện, các hang động ở đây thu hút sự quan tâm của truyền thông. Ảnh: Quốc Nam.

Quốc Nam

Theo SGTT