Sau thảm họa Chernobyl, Ukraina đối đầu với một dạng bóng ma hạt nhân khác: khả năng các lò phản ứng của nước này sẽ trở thành mục tiêu tấn công quân sự.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Hạt nhân tại La Hay vào tháng Ba, quyền Ngoại trưởng Ukraina Andrii Deshchytsia nói rằng ‘rất nhiều cơ sở hạt nhân có thể bị đe dọa’ nếu như mọi chiều hướng diễn biến xấu thành cuộc chiến tranh mở.
Đầu tháng này, Ihor Prokopchuk – Đại sứ Ukraina tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) gửi một lá thư tới ban điều hành, cảnh báo rằng một cuộc xâm lược có thể gây ra mối ‘đe dọa về nhiễm phóng xa trên lãnh thổ Ukraina và lãnh thổ các quốc gia láng giềng’. Tại Kiev, quốc hội Ukraina phản hồi bằng một lời kêu gọi các thanh sát viên quốc tế giúp bảo vệ các nhà máy trong khi chính quyền với ngân khố rỗng đang tìm cách thúc đẩy mọi nỗ lực. |
Vậy liệu lo ngại của Ukraina chỉ đơn thuần là sự cường điệu hay mọi người nên cân nhắc điều đó một cách cẩn trọng? Về phần chính quyền Ukraina, nỗi lo là có thật. Thậm chí cả những người Ukraina sinh sau năm 1986 đều hiểu một cuộc chiến có thể khiến xảy ra thảm họa kiểu như Chernobyl như thế nào.
Lịch sử không cung cấp nhiều chỉ dẫn cho một quốc gia cách tránh để cho các khu vực hạt nhân bị phá hủy như thế nào. Trừ trường hợp cuộc xung đột Balkan những năm 1990, các cuộc chiến không xảy ra giữa hoặc bên trong các quốc gia có lò phản ứng hạt nhân. Trong trường hợp Balkan, máy bay quân sự của Serbia đã bay qua nhà máy hạt nhân Krško của Slovenia trong một động thái đe dọa là chủ yếu trước khi xung đột nổ ra, trong khi những người Serbia dân tộc cực đoan lại kêu gọi tấn công nhà máy này để giải phóng chất phóng xạ.
Bản thân Serbia sau đó cũng gửi thỉnh cầu tới NATO là không thả bom vào nhà máy nghiên cứu hạt nhân của họ ở Belgrade. Thật may là cuộc chiến kết thúc mà các lò phản ứng vẫn còn nguyên vẹn.
Dù rằng từ trường hợp này cho thấy các lãnh đạo chính trị và quân sự giờ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi tấn công các lò phản ứng hạt nhân, thì việc nhà máy hạt nhân quy mô không quá lớn của Ukraina vẫn khiến toàn cầu lo ngại. Ngày nay, 15 nhà máy cũ kỹ của Ukraina cung cấp 40% điện năng cho đất nước này. Tập trung ở bốn địa điểm chính, các lò phản ứng của Ukraina khác xa với thiết kế của Chernobyl, tuy nhiên vẫn có khả năng giải phóng các chất phóng xạ nếu không đảm bảo an toàn.
Vì Nga cũng chịu thiệt hại nặng nề từ thảm họa Chernobyl, nên nhiều người cho rằng Kremlin sẽ không có ý định ném bom các nhà máy này nếu chiến sự nổ ra. Nhưng chiến tranh luôn đầy rẫy các tai nạn và lỗi cho con người gây ra, và một tai nạn xảy ra với nhà máy hạt nhân có thể khiến lò phản ứng bị nung chảy.
Khi đó, chẳng hạn như một vụ mất điện nội bộ có thể gây ra lo ngại nghiêm trọng. Mặc dù các nhà máy hạt nhân có nguồn điện năng dồi dào, nhưng họ vẫn cần điện từ nơi khác để vận hành. Nếu không có điện cấp vào, các máy bơm làm mát có thể không hoạt động và dòng nước làm mát không tới được lõi phản ứng.
Để đối phó rủi ro trên, các nhà máy hạt nhân phải duy trì các máy phát điện chạy bằng dầu diesel trong tình huống khẩn cấp, và có thể chạy liên tục nhiều ngày cho tới khi hết nhiên liệu. Lò phản ứng tan chảy tại nhà máy điện Fukushima Daiichi năm 2011 tại Nhật đã cho thấy chuyện gì xảy ra khi nguồn năng lượng chủ yếu và khẩn cấp để vận hành bị ngắt.
Những tình huống rủi ro cao như vậy dấy lên câu hỏi nghiêm trọng trong tình huống chiến tranh nổ ra. Chiến sự có thể làm cho nguồn điện cấp cho nhà máy hoặc cho lò phản ứng bị gián đoạn, và cũng có thể khiến cho nhiên liệu diesel không tới được nhà máy để làm đầy các máy phát dự phong. Ngay cả những người vận hành cũng có thể rời bỏ vị trí của mình nếu giao tranh nổ ra.
Hơn nữa, những người tham chiến có thể chiếm các nha máy hạt nhân và đe dọa giải phóng các chất phóng xạ để gây sức ép với đối thủ. Những người khác có thể trú ẩn ở đây, gây nên tình trạng đối đầu nguy hiểm. Một sai lầm trong chỉ đạo hoặc điều hành quân sự hoặc tình trạng chiến tranh rối ren có thể khiến các nhà máy nằm trong tầm bị rải bom.
Hệ quả trong các bối cảnh đó là việc nhiễm phóng xạ nghiêm trọng. Và, dù không có ai muốn được lợi từ việc xả chất phóng xạ, nhưng nếu chiến tranh bùng phát, các bên đều phải tiên lượng những điều nằm ngoài mong muốn.
Trong trường hợp Ukraina, rò rỉ phóng xạ có thể còn vượt cả Chernobyl và Fukushima. Các điều kiện thời chiến có thể cản trở các nhóm cứu hộ khẩn cấp tới các nhà máy bị ảnh hưởng để kiềm chế chất phóng xạ bị rò rỉ. Và với việc chính quyền không làm việc trong điều kiện chiến sự, người dân tìm cách tránh bị nhiễm xạ sẽ không thể biết làm gì hoặc đi đâu để tự bảo vệ mình.
Những rủi ro như vậy chắc chắn cũng là lý do khiến lãnh đạo Nga không muốn chiến sự nổ ra với Ukraina. Nhưng nếu điều này là không tránh khỏi, các bên tham chiến phải tìm mọi cách để xung đột không lan ra khu vực hạt nhân và cả nguồn điện cấp cho các nhà máy.
Những người vận hành nhà máy nên dự trữ dầu diesel đủ để vận hành các máy phát điện khẩn cấp. Các máy này nên được kiểm tra và duy tu để đảm bảo lúc nào cũng có thể chạy tốt. Trong trường hợp chiến sự nổ ra gần lò phản ứng, phương Tây cần chuẩn bị một lực lượng giải cứu các nhà máy và giữ cho máy phát điện hoạt động; và trong trường hợp lò bị tan chảy, một lệnh ngừng bắn giữa các bên là cần thiết để đối phó với thảm họa. Với mức độ nghiêm trọng như vậy, không ai được phép lo là việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Lê Thu (Theo Project- Syndicate/Vietnamnet)