Hai tổ chức ghép tạng hàng đầu quốc tế đã viết một bức thư gửi tới Tập Cận Bình, lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nội dung bức thư gọi đích danh hệ thống ghép tạng của Trung Quốc là hệ thống thối nát và “bị khinh miệt bởi cộng đồng quốc tế,” đồng thời khuyến khích các nhà lãnh đạo của Đảng thực hiện các cải cách mang tính toàn diện.
Việc xuất bản của bức công văn có chữ ký của cả tổ chức Hiệp Hội Ghép Tạng (Transplantation Society) và tổ chức Bản Tuyên Ngôn của Tổ Chức ủy Thác Istanbul (Declaration of Istanbul Custodian Group), vốn đã xuất hiện trên tạp chí Ghép Tạng trong tháng 4, thể hiện động thái thay đổi đột ngột, khác hẳn với cách tiếp cận dè dặt và tránh chỉ trích thông thường mà tổ chức ghép tạng quốc tế đã áp dụng đối với Trung Quốc trong những năm vừa qua. Trong quá khứ, những lời nói chỉ trích hiếm khi được nghe thấy ngoài những lời hứa hẹn hợp tác một cách tích cực, cùng những tiếng chạm cốc leng keng tại các buổi tiệc ngoại giao.
Mới cuối tháng Mười một 2013 vừa qua, các đại biểu hàng đầu của tổ chức ghép tạng quốc tế, một số trong đó đã tham gia ký tên trong bức thư mới đây, đã xếp hàng chụp ảnh theo hình bán nguyệt cùng với những quan chức Trung Quốc đứng hàng thứ nhất.
Một vài điều đã xảy ra trong khoảng thời gian giữa tháng Mười một 2013 và tháng Hai 2014 tại Trung Quốc.
Tại thời điểm đó, các bản thảo của bức thư đã được lưu hành rộng rãi, rõ ràng bắt nguồn từ mối quan hệ giữa các bác sỹ toàn cầu và các đại điện của Đảng Cộng Sản.
“Bức thư là sự phản ánh của một viễn cảnh không chắc chắn ở Trung Quốc. Bức thư yêu cầu những câu trả lời rõ ràng và đặt dấu chấm hết cho những lời hứa hẹn mang tính lừa bịp của Trung Quốc đã được công bố trong quá khứ”, Torsten Trey nói. Ông là giám đốc điều hành của tổ chức hỗ trợ y tế Hiệp Hội Bác Sỹ Chống Mổ Cướp Nội Tạng (Doctors Against Forced Organ Harvesting – DAFOH), tổ chức vẫn luôn theo sát vấn đề này một cách chặt chẽ.
“Hơn thế nữa, bức thư cũng là một lời chứng nhận của các bác sỹ thực tâm muốn đặt dấu chấm hết cho nạn mổ cướp nội tạng vô nhân tính này ở Trung Quốc”, Trey nói.
Mặc dù đây là một bước đáng kể, một số nhà quan sát các hành xử hung tàn trong hệ thống ghép tạng của Trung Quốc nghĩ rằng bức thư chưa thực sự cương quyết và đề cập đến các tù nhân lương tâm một cách sâu sắc.
‘Lưỡi gươm Công lý’
Bản Tuyên Ngôn của Istanbul đặt định một cơ sở lương tâm tối thiểu trong cộng đồng y tế thế giới về tiêu chuẩn cấy ghép tạng, và tuyên bố rằng việc sử dụng nội tạng tù nhân là “không tương thích” với mục tiêu của nó.
Đây là điểm chính trong mâu thuẫn giữa thế giới và Trung Quốc, nơi mà Đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục tử hình tù nhân để lấy nội tạng, trong khi đang do dự giữa việc hứa hẹn sẽ kết thúc việc này hay tiếp tục bảo vệ nó.
Những người viết bức thư này sử dụng chính câu chuyện của Trung Quốc để chỉ trích các nhà lãnh đạo không tuân thủ các nguyên tắc lương tâm quốc tế và ngay cả nguyên tắc của chính luật pháp Trung Quốc về việc cấy ghép tạng. Những trích dẫn từ tờ China Daily – Trung Hoa Nhật Báo, kênh truyền thông phiên bản tiếng Anh của chế độ Trung Quốc, về ảnh hưởng mà hệ thống luật pháp phải “nắm thanh gươm công lý và cán cân công bằng” cho Trung Quốc cho thấy, “Giấc Mơ Trung Quốc” – khẩu hiệu của bộ máy quản lý dưới quyền Tập Cận Bình, không gì khác hơn là “một lời kêu gọi cho một văn hóa tôn trọng nhân quyền” – bức thư phân tích.
Vào tháng Mười một 2013, các quan chức Trung Quốc đã nhất trí thông qua một khung pháp luật nhằm cấp giấy chứng nhận cho các bác sỹ cấy ghép tạng và nghiêm cấm việc buôn bán nội tạng. Sau đó, 38 bệnh viện được cho là đã hứa sẽ ngừng việc sử dụng nội tạng của tử tù.
Đây là một “bước tiến khích lệ hướng đến một hệ thống ghép tạng có lương tâm, công bằng, và cởi mở ở Trung Quốc,” bức thư nói. Thậm chí, lời tán dương được đặt lên Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, kiến trúc sư của hệ thống ghép tạng Trung Quốc và là người chỉ đường của Đảng Cộng Sản trong việc xử lý các bác sỹ hải ngoại có quan ngại về vấn đề lương tâm trong hành nghề ghép tạng.
Sắp xếp số lệu lại theo trật tự
Điều này khá nhức nhối cho những ai quan ngại về chuẩn mực hành nghề có lương tâm khi mà, tháng trước, chính Hoàng Khiết Phu đã ủng hộ việc sử dụng nội tạng từ những tử tù.
“Các cơ quan luật pháp và các bộ y tế ở địa phương nên thiết lập các mối liên kết đồng thời cho phép các tử tù chờ ngày hành quyết tự nguyện hiến tạng. Nguồn tạng mới sẽ liên tục được thêm vào cơ sở phân bổ nội tạng trên máy tính”, Hoàng nói. Lời bình luận được diễn giải trên tờ Bắc Kinh Buổi Sáng (Beijing Morning Post) và được đăng rộng rãi trên các website Trung Quốc.
Điều này sẽ giúp hợp nhất hệ thống lấy tạng từ các tử tù mờ ám với cái được kỳ vọng là một hệ thống hiến tạng tình nguyện dựa vào lòng nhân ái, đại khái tương tự như ở rất nhiều nước phát triển hiện nay.
Các bình luận của Hoàng thực tế đã chỉ ra sự phủ nhận trắng trợn những cam kết mà chính quyền Trung Quốc đã từng hứa trong rất nhiều năm qua. Ethan Gutmann, một nhà báo độc lập và đã từng viết một cuốn sách về hệ thống ghép tạng của Trung Quốc, nói rằng: “Chúng ta đang trở lại nơi mà chúng ta bắt đầu từ năm 2006” trong một buổi phỏng vấn trước đây với Báo Đại Kỷ Nguyên. “Cơ bản họ đang nói rằng họ cần sắp xếp lại các số liệu theo trật tự”, ông nhấn mạnh.
Các bình luận của Hoàng đến ngay giữa những lời hứa hẹn của các quan chức khác sẽ “giảm thiểu sự phụ thuộc” vào nội tạng tù nhân.
“Tôi nhận thấy các phát ngôn có vẻ như đang mâu thuẫn với nhau”, Tiến sỹ Francis L. Delmonico-Chủ tịch tổ chức Xã Hội Ghép Tạng và là một thành viên ký kết trong lá thư, viết trong email như trên. “Bức thư mở được viết bởi một vài các nhà lãnh đạo quốc tế một cách có chủ ý, vì để thể hiện một lập trường đồng nhất”, ông viết.
“Bức thư đã tự nói lên mục đích của nó,” ông cho biết thêm.
Trong khi bức thư thể hiện một lập trường mới và cứng rắn hơn của các tổ chức như Hiệp Hội Ghép Tạng, các nhà nghiên cứu về vấn nạn hành xử hung tàn trong cấy ghép tạng ở Trung Quốc đã nói rằng nó vẫn bỏ qua nhiều phần quan trọng của cả bức tranh: cụ thể là, việc mổ cướp nội tạng không chỉ đến từ các tù nhân bị hành hình mà còn từ các từ nhân lương tâm mà không hề phạm bất cứ tội ác nào được công nhận theo nguyên tắc quốc tế ngay từ lúc đầu.
Những điểm bỏ sót đen tối
“Bức thư ngỏ gợi ý rằng chính sách cải cách ghép tạng được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Hoàng Khiết Phu đang đi đúng hướng và chỉ khi một sự thối nát trên diện rộng xảy ra thì mới có thể cản trở chính sách cải cách này. Cách nhìn này là mang tính thiên vị,” Arne Schwarz, một nhà nghiên cứu độc lập việc thực hiện ghép tạng một cách hung tàn, đã viết trong một email.
“Đây là một điều đáng xấu hổ trong khi tất cả các tổ chức chính trị—Liên Minh Châu Âu, Quốc Hội Mỹ, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc—đã đề cập đến vấn đề mổ cướp nội tạng từ những tù nhân lương tâm, thì tổ chức Hiệp Hội Ghép Tạng lại im lặng trên phương diện này”, Schwarz nói.
Điều này chủ yếu ám chỉ đến việc mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công, một môn tập tinh thần mà đã bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999. Các nhà nghiên cứu, bao gồm Gutmann, chỉ ra hàng loạt các bằng chứng cho thấy rằng đã có hàng chục nghìn nội tạng đã được mổ cướp từ các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù hoặc giam giữ vì đức tin hòa ái của họ.
Nghiên cứu của Gutmann cho thấy, người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi là một bộ phận thiểu số nói tiếng đột Quyết ở Khu Tự Trị Tân Cương ở Trung Quốc, đã bị nhắm vào để lấy nội tạng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Với việc bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công vào trong trại lao động sau năm 1999, thì các khu phức hợp liên kết giữa y tế và quân đội đã bắt đầu mổ cướp nội tạng của họ để kiếm những món lợi khổng lồ.
Vào những năm 2000, các website ở Trung Quốc công khai quảng cáo rằng thời gian chờ để được ghép tạng chỉ kéo dài từ một đến hai tuần, và hứa sẽ lên lịch các ca cấy ghép—một điều chưa từng được nghe tới ở các nước phương Tây, nơi danh sách chờ có thể hơn một năm và người nhận phải đợi đến khi người hiến tạng chết. Vào năm 2006, bác sỹ và nhân viên tại các bệnh viện đã thừa nhận trong các cuộc gọi được ghi âm bí mật rằng họ có “nội tạng cấy ghép còn tươi sống, với chất lượng rất tốt … từ các học viên Pháp Luân Công.” Hai nhà nghiên cứu người Canada đã biên soạn bằng chứng này trong một báo cáo gây chấn động cuối năm đó.
‘Mạng sống là vô giá’
Bản chất đáng ghê rợn của những tiết lộ này, cùng với áp lực từ quần chúng sau đó, đã đòi hỏi một số thay đổi trong cách thức của Trung Quốc khi lấy tạng, mặc dù chính quyền chưa bao giờ thừa nhận lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm, và không hề có đảm bảo nào rằng việc này sẽ không tiếp diễn.
Theo quan điểm của Schwarz, sự hợp tác của Trung Quốc với phương Tây trong vòng 30 năm qua chỉ đơn giản để “giúp cải thiện kết quả cấy ghép tạng của Trung Quốc, chứ không bồi dưỡng việc thực hành nghề có y đức”.
Bức thư gần đây của tổ chức Hiệp Hội Ghép Tạng cho thấy điểm khác biệt này. “Website Thiên Tân tiếp tục chào mời các bệnh nhân quốc tế mà đang tìm kiếm nội tạng để cấy ghép. … Sự lạm dụng đằng sau bởi những chuyên gia y tế này và sự thỏa hiệp móc nối với nhau để kiếm lợi nhuận là không thể chấp nhận được”.
Họ đề cập đến một trường hợp một đứa bé 14 tuổi quốc tịch Saudi mà được ghép nội tạng từ một tử tù (bộ phận nào thì chưa rõ lắm) với cái giá $200 000. Nhưng đứa bé này sau đó nhiễm phải một căn bệnh lây truyền vi rút từ ca phẫu thuật và chết chỉ trong vòng vài tuần. “Không có sự đền bù, sự chịu trách nhiệm, hay sự đánh giá kết quả phẫu thuật liên hệ với các trường hợp ghép tạng bất hợp pháp và mất nhân tính dạng này,” bức thư nói.
Trong khi đó, trang web www.cntransplant.com vẫn tiếp tục hoạt động như thường lệ.
Nó quảng cáo rằng “Bệnh Viện Tốt Nhất Cho Các Ca Cấy Ghép Thận-Lá Lách” và “Bệnh Viện Nổi Tiếng Nhất Về Cấy Ghép Thận ở Trung Quốc.”
“Những bệnh viện được kể trên, được cấp phép bởi Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thực sự là nơi mà các bệnh nhân đang chết dần chết mòn được tái sinh trở lại,” website nói.
“Mạng sống là vô giá, chất lượng phải được đảm bảo.”
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.
Theo Việt Đại Kỷ Nguyên