Tinh Hoa

‘Hot boy’ chuyên giải mã người trẻ

Được học sinh gọi là thầy giáo “hot boy”, là chuyên gia tháo gỡ chuyện khó đỡ trên facebook và là một chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ đang tạo được nhiều thiện cảm bởi phong cách riêng trong những buổi nói chuyện tại 100 trường trung học, 30 trường đại học… Ths tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tự đặt ra công việc cho mình là giải mã tâm lý người trẻ, một lựa chọn bị thôi thúc hoàn toàn tự thân.
 

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu những đoạn phim, bộ ảnh của anh đang “gây bão” cho giới trẻ trong thời gian vừa qua. Điều gì đã thôi thúc anh lựa chọn cách làm thoát ra khỏi mô phạm giáo dục đó?

Trong lúc giảng dạy, nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi tôi nhận thấy lứa tuổi học sinh, sinh viên là giai đoạn có nhiều khó khăn nhất. Là lúc các bạn bước ra đời, mà thực ra từ cấp ba một chân họ đã bước ra ngoài xã hội rồi nhưng lại thiếu đi những kỹ năng sống. 
Chẳng hạn họ, bắt đầu biết yêu nhưng không có định hướng gì trong tình yêu hay sinh viên sống xa nhà cần rất nhiều kỹ năng quản lý bản thân, thời gian, kế hoạch cuộc đời, chọn nghề nhưng lại không có môn học nào trong nhà trường dạy về điều đó. Tôi thấy đó là lỗ hổng rất lớn, trong khi giới trẻ đang cần mà xã hội không thể đáp ứng.
Tôi suy nghĩ nhiều cách góp phần để trám vào lỗ hổng ấy. Nhưng nếu ở sân trường, một ngày chỉ dạy được khoảng 2000 học sinh, còn trong giảng đường chỉ 40 người, như vậy phạm vi rất hẹp trong khi công sức bỏ ra nhiều. Vậy là tôi chọn kênh online, nơi tập thu hút nhiều người trẻ. Với cách làm đó, các họ tiếp thu một cách tự nhiên hơn trên lớp, thoát khỏi tâm lý đây là bài học, học để thi. Trong khi đó, trên online, đó là thế giới của riêng họ và những tương tác diễn ra tự nhiên.

Là một Facebooker hot, chuyên gia “tháo gỡ chuyện khó đỡ”, nhưng có vẻ dạo gần đây anh đang dần lui về “mặt trận” web?

Gần hai tháng nay tôi tạm thời đóng trang friends page, lúc này đã thu hút hàng chục ngàn thành viên, bởi mỗi giai đoạn cần phải có một việc trọng tâm. Quản lý trang xã hội này cần quỹ thời gian nhiều để trả lời tin nhắn mỗi ngày.
Đi học nghiên cứu sinh ba năm, hai năm đầu đã đầu tư vào hoạt động cộng đồng, năm thứ ba tôi cần dành thời gian để phát triển chuyên môn trước khi quay trở lại. Tuy nhiên tôi vẫn có nhữn kênh khác, như youtube, các đoạn phim, bộ ảnh hợp tác với nhóm này nhóm kia để vẫn cung cấp một vài thông điệp cho bạn trẻ.

Đọc các bài viết trên web cá nhân, tôi hình dung anh giống như một người viết sách, một báo cáo viên chuyên về kỹ năng giao tiếp ứng xử. Đó có là một trải nghiệm đủ sâu và rộng để anh nhận thấy những vấn đề của người trẻ? Đó có phải là những nỗ lực của một người trẻ cố giải mã tâm lý người trẻ bây giờ?

Đúng vậy, muốn hiểu về các bạn trẻ thì phải đi vô thế giới của họ. Nếu nghiên cứu tâm lý học chỉ đọc qua sách vở, chỉ ngồi trong phòng kín xem giáo án sẽ xa rời thực tế. Cần nhất là đi xuống trường, mình sẽ tiếp cận được những tình huống có thực mà mình không thể nào tưởng tượng ra nếu chỉ đọc sách. 
Chẳng hạn, đâu thể tưởng tượng một em học sinh lớp 9 có thể mang thai, một em nam sinh lớp 7 lại hỏi về chuyện quan hệ với bạn gái… Đi để biết họ đang gặp khúc mắc gì, thiếu gì. Hay những chuyện học về bị điểm kém, ba mẹ mắng một câu cũng coi như chuyện tày trời và tự tử; mất mấy chục nghìn tiền quỹ lớp cũng đi tự tử?

Một người thường xuất hiện ở những “điểm nóng” của giới trẻ, từ bạo lực học đường, trò đánh thầy… anh đã giải mã được những nút thắt tâm lý mà sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào của lứa học trò mới bây giờ?

Tôi tương đối hiểu các em đang có những vấn đề gì. Thường người lớn khi thấy người trẻ đặt vấn đề, họ hay thường nhìn với lăng kính của lứa tuổi mình. Hiếm ai chịu bỏ mắt kính đó ra để nhìn bằng nhãn quang của người trong cuộc, vì vậy thường hai thế hệ ít hiểu nhau. Tôi thì tương đối trẻ, cũng chịu khó nhìn dưới góc độ của các em, chịu lý giải tại sao trò đánh thầy. 
Người lớn cho rằng đó là hành vi hỗn xược, vô văn hoá, băng hoại giá trị học đường… nhưng giới trẻ rất cổ vũ hành vi đó. Khi xỏ chân vào giày họ, lý giải thì mới hiểu học sinh cũng có những ức chế, tâm tínhtrong giai đoạn này rất dễ bột phát mà người thầy đã dồn ép vào trong trạng thái bùng nổ.
Trong việc giáo dục con cái nhiều khi không phải có cái đúng – cái sai, mà tuỳ thuộc góc nhìn. Nói trúng vào tâm lý họ thì họ mới nghe, mở lòng. Người trẻ cũng giống như một chai nước, nếu đóng nắp thì rót kiểu gì nước cũng không vô chai được.

Chẳng hạn một phụ huynh đến gõ cửa nhờ tư vấn kiểu: con tôi quậy quá hay con tôi có biểu hiện này, hành động kia thì lời đầu tiên anh tư vấn cho phụ huynh đó là gì?

Tôi sẽ chỉ ra những vấn đề của họ đã đẩy con vào tình cảnh đó. Tôi có cách tiếp cận vấn đề không nằm ở chỗ của các em mà nằm ở chỗ người đối xử với các em. Trẻ thì không thể tự hư được mà do cách ứng xử của mình làm cho họ hư hay không hư. Không có trẻ em hư mà chỉ có người giáo dục tồi, tôi thích quan điểm đó. Trẻ mới lớn thì rất hay cương, cái tôi mạnh mà người lớn cũng cương theo đá với đá va nhau kiểu gì cũng bể. Sự thấu hiểu của cha mẹ sẽ giữ được con, thậm chí có thể tận dụng nhu cầu khẳng định bản thân của con họ để giúp con mình chín chắn nhanh hơn.

Là một người trẻ, còn cần rất nhiều vốn sống nhưng liên tục phải đối diện với những vấn đề tâm lý lớn của gia đình, vấn đề đại cuộc của xã hội như bạo lực học đường anh có bao giờ bị áp lực?

Tôi nghĩ trẻ cũng là một may mắn vì tần số giữa mình và các bạn trẻ không quá xa. Khi mình “phát sóng” thì các em “bắt” dễ hơn. Còn những vấn đề đại cuộc, từ trải nghiệm và kinh nghiệm, tôi đưa ra những giải pháp dưới góc nhìn mà người trẻ đang cần.

Là một người thầy, anh có nghe những lời phàn nàn từ nhiều phía, đặc biệt là học trò về độ vênh giữa sách vở, chương trình học với thực tế sinh động ngoài đời?

Không phải độ vênh lớn mà rất lớn. Bây giờ hỏi học sinh về sự cảm thụ những tác phẩm văn học, rất nhiều người tỏ ra không thích bởi theo họ học không có ý nghĩa gì. Lúc đó học chỉ vì áp lực phải trả bài và thi. 
Hay có những điều sách dạy không ứng dụng trong cuộc sống như tích phân, đạo hàm… cũng phải cho họ biết học để làm gì, để họ thích học hơn. Bởi thực chất những môn học đó giúp phát triển tư duy, óc khái quát, tính chính xác, hệ thống… Nếu giáo viên cho học sinh biết tác dụng của món ăn đó là gì thì các em sẽ cảm thấy hợp khẩu vị hay không, cần ăn như thế nào đúng cách và bổ dưỡng.

Anh đã giành lấy quyền làm thầy như thế nào? Anh tạo lập cho học sinh thấy bản thân là một ông thầy uy nghi, đạo mạo hay một người bạn với họ?

Tôi nghĩ người thầy không nên đứng trên bục giảng nhiều, hãy đi xuống phía dưới, ngồi với học sinh và nghe họ nói. Nếu chỉ đứng trên bục giảng thì đó là hình tượng người thầy cũ, tối thượng, cao quý nhất. Nhưng tôi nghĩ, ông thầy không phải là người cao quý nhất mà công việc của người thầy mới là công việc cao quý. Như vậy cao quý hay không là ở việc họ có làm tốt công việc ấy. 
Cũng cần hình tượng uy nghi, chuẩn mực, làm gương tuy nhiên giới trẻ bây giờ tâm lý khác, thầy cô phải là của họ và thuộc về giới giới của họ, có thể là bạn, bác sĩ hay chuyên gia tâm lý khi cần. Tôi đang xây dựng hình ảnh người thầy hơi khác một chút, kiểu xì teen, dùng ngôn ngữ học trò, sống trong thế giới của họ. 
Không nên làm học sinh sợ mà hãy giúp họ quý mình, nói đúng tần số với họ. Tất nhiên cũng có những áp lực với cách làm này, cũng bị đánh giá là không mô phạm nhưng cái gì tốt với học trò thì tôi coi đó là mô phạm.

Có nhiều kinh nghiệm tiếp cận người trẻ, mặt xấu nào của người trẻ sẽ bùng nổ nếu không được giúp đỡ kịp thời?

Đó là vấn đề về giới tính bởi không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà cả sức khoẻ tinh thần. Một người bị đổ vỡ tình cảm sẽ dễ bị trượt dài. Bạo lực học đường chỉ bị bầm tai, bầm mắt nhưng chỉ là những vụ nhỏ lẻ, còn tình yêu thì ai cũng có mà thướng kín đáo, nhiều ngõ ngách mà nếu không trang bị kỹ năng thì rất nguy hiểm. 
Thứ hai là việc quản lý bản thân, như việc chọn nghề. Trong định hướng cuộc đời có bước hướng nghiệp, ảnh hưởng đến quãng đời còn lại. Tôi từng khảo sát một lớp đại học, ai muốn chọn lại nghề thì dưới lớp không dưới 50% dơ tay. Rõ ràng họ chọn nhầm nghề và ngồi nhầm lớp.

Vậy, bằng cách nào anh đoạt lấy “con dao cảm xúc” trong tay họ, ngăn việc “chém” nhầm chỗ?

Kỹ năng quản lý cảm xúc là kỹ năng nền tảng, bởi nó điều khiển mọi hoạt động của mình. Muốn quản lý cảm xúc thì phải quản lý được nhận thức. Ví dụ một đứa trẻ bị điểm kém, sinh ra thất vọng bản thân, xấu hổi với mọi người và cảm xúc đó dẫn đến hành động huỷ thân. Nếu cho đứa trẻ nhận ra điều đó không có gì to tát mà là cái giá phải trả để có bài học kinh nghiệm cho việc học bài. Nghĩ được vậy để còn gieo hy vọng cho lần sau, để cố gắng.

Từ quê ra anh cũng có cơ hội để nhìn lại sự khác nhau giữa người trẻ thành thị và nông thôn?

Đi xuống các trường tôi thấy tâm lý học sinh phát triển quá nhanh, năm năm là có sự phân biệt rõ ràng trong khi môn tâm lý lứa tuổi không thay đổi liên tục, dù có những quy luật tâm lý bất biến. Tiếp cận những đặc thù sống động đó cũng trang bị cho mình kinh nghiệm để xử lý tính huống thực tế.

 
 

Tôi nghĩ người thầy không nên đứng trên bục giảng nhiều, hãy đi xuống phía dưới, ngồi với học sinh và nghe họ nói. Nếu chỉ đứng trên bục giảng thì đó là hình tượng người thầy cũ, tối thượng, cao quý nhất. Nhưng tôi nghĩ, ông thầy không phải là người cao quý nhất mà công việc của người thầy mới là công việc cao quý. Như vậy cao quý hay không là ở việc họ có làm tốt công việc ấy.

Đề cập đến vấn đề cuộc sống, hiện nay có những tôi ác mà người gây ra mang khuôn mặt còn quá trẻ. Nhiều người bảo rằng giới trẻ đang ngày càng manh động và vô cảm. Anh có đồng tình?
Ngày nay tỉ lệ tội phảm trẻ hoá, phổ biến hơn ngày xưa, một phần cũng do báo chí khai thác nhiều và giật gân. Tôi bảo lưu quan điểm không có trẻ em hư, chỉ có nhà giáo dục tồi. Bọn trẻ có vấn đề thì tất nhiên môi trường sống của nó có vấn đề.
Một đứa trẻ nếu cha mẹ giáo dục tốt từ nhỏ, nhà trường định hướng tốt, môi trường sống lành mạnh thì không có lý do gì hư. Nhịp sống hiện đại, cha mẹ không gần gũi con như ngày xưa và xã hội phức tạp hơn rất nhiều, với nhiều cạm bẫy từ cuộc sống và cuộc sống ảo; cộng với lứa tuổi thiếu kiềm chế tất cả cổng hưởng lại cho thấy những trẻ tội phạm thực ra là nạn nhân. 
Còn chuyện độc ác và vô cảm thì người lớn cũng vậy. Xã hội do người lớn điều khiển, nếu điều khiển không tốt, làm gương không tốt thì trẻ hư. Bắt chước là cách để trẻ lớn lên, người lớn làm sao thì sau làm vậy.

Câu lạc bộ Bản lĩnh sống Sư Tử Trẻ phải chăng cũng xuất phát từ những trăn trở đó?

Hình ảnh sư tử mạnh mẽ, thể hiện nội tâm bên trong. Hình ảnh sư tử ngồi, đối diện cơn gió ngược hiện lên đầy hùng dũng, an nhiên. Tôi muốn lấy hình ảnh đó khuyên các bạn trẻ họ hoàn toàn có thể trở thành những chú sư tử trẻ, đối đầu với những cơn gió ngược trong cuộc cuộc sống một cách an nhiên. Câu lạc bộ lập ra giúp người trẻ có cơ hợi giải toả những khúc mắc, áp lực trong cuộc sống, từ chuyện gia đình, tình cảm, kỹ năng…

Trong cuộc sống, có khi nào anh cảm thấy hụt hẫng về công việc mình chưa làm được? Là tổng đài viên, có khi nào anh bất lực khi đối diện với một nghịch cảnh của người đối diện?

Do cầu toàn nên nhiều lúc cũng không hài lòng với bản thân. Công với mật độ công việc hơi dày nên lâu lâu cũng cảm thấy stress, nhưng tôi luôn tìm cách giải tỏa, tự nghĩ có nhiều việc để làm đó cũng là hạnh phúc, và có nhiều việc ý nghĩa cũng mang lại niềm vui.

Còn việc làm tư vấn tổng đài, có những lúc cũng cảm thấy bất lực, đặc biệt nghe qua điện thoại. Tôi hình dung tư vấn qua điện thoại thực chất chỉ là lắng nghe, để người ta giải toả cảm xúc, phân tích cho họ có vài hướng đi. Vì vậy sau này tôi đi thực tế nhiều hơn. Cảm giác bất lực trong tư vấn nếu thường xuyên diễn ra sẽ làm cho mình chán nghề, hời hợt trước nghịch cảnh người khác. 
Ngoài ra khó khăn của nghề này là rất dễ nhiễm nỗi buồn của người ta, những bế tắc dồn nén nhiều năm trời mà mình phải nhập tâm để giải quyết. Vì vậy sau khi tư vấn xong một ca nào đó, tôi thường phải so sánh với cuộc sống hiện tại của mình, để thấy mình còn nhiều may mắn, một kiểu tự thắp lại nến trong lòng.

Tôi đọc được nhiều nhắn nhe, thắc mắc của học sinh về chuyện thầy giáo “hot boy” của họ bỗng dưng ở ẩn, và hy vọng rằng chuyên gia thaogochuyenkhodo sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa

Tôi đang tập trung học cho xong tiền sĩ, song song đó là xây dựng trung tâm giải pháp dành cho giới trẻ, đó là một web tổ chức những khoá đào tạo kỹ năng cho các em. Lợi hại hay không thì chưa biết, hy vọng sẽ cùng được chia sẽ với các bạn trẻ nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Ths Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Sinh ngày 2.12.1984
Hiện là giảng viên khoa tâm lý giáo dục, trường đại học Sư phạm TH.HCM. Tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học về: phát triển kỹ năng mềm của sinh viên các trường sư phạm, thực trạng kỹ năng sống của sinh viên TP.HCM, văn hóa ứng xử học đường tại các trường trung học phổ thông, công tác hướng nghiệp cho học sinh tại các trường trung học phổ thông. Viết và đồng xuất bản sách về: Tâm lý học lứa tuổi, Tâm lý học giao tiếp, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng làm việc nhóm. Báo cáo viên cho các chuyên đề tâm lý cho hơn 100 trường trung học, hơn 30 trường đại học, các cơ sở giáo dục, các tổ chức. Tổ chức huấn luyện hoặc trực tiếp huấn luyện kỹ năng làm việc cho hơn 20 tổ chức – doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh.
Website:http://www.facebook.com/thaogochuyenkhodo; http://www.nguyenhoangkhachieu.com

Theo Nguoidothi