Chuyện về cô ca sĩ Anh Thúy, sau một tai nạn, để tìm một cuộc sống khác, cô đổi tên thành Huyền Minh và tham gia một cuộc thi hát, như hàng trăm cuộc thi hát khác đang là mốt của ngành giải trí thế giới.
Nếu chuyện đó, lúc đầu, được cô nói ra bằng sự chân thật, thì có lẽ đã thành một chuyện đầy nhân văn thay vì bịa một câu chuyện dối trá về chính cuộc đời của mình. Bởi ai cũng có lúc từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thất bại, tuyệt vọng và đau đớn… Nếu không chết, họ cũng muốn tìm cách gạt bỏ để tiếp tục sống. Và cho dù có sống bằng cái tên nào, cũng không thể lừa dối bản thân, huống chi là lừa dối cảm xúc của hàng triệu khán giả.
Điều đáng buồn nhất ở cô, nói như người Kinh Bắc, là thiếu một cái “phông” văn hóa. Có lẽ cô nghĩ chối bỏ bản thân và dựng một câu chuyện để lừa dối mọi người chỉ là một… trò chơi giống như cái trò chơi mà cô đang tham dự, nó chẳng đáng một xu nhân cách và lòng tự trọng nào để cô phải băn khoăn. Vì vậy mà khi người ta hỏi đó có phải là cô không, cô vẫn từ chối.
Trong phim Những người khốn khổ, nhân vật chính Jean Valjean, ông đã từng bị tù khổ sai vì tội ăn cắp bánh mì. Sau khi vượt ngục, ông đã đổi tên họ và trở thành một thương gia giàu có, nhưng ông chưa từng quên thân phận của mình và luôn giúp đỡ người nghèo khó, khốn khổ. Cho đến một ngày, tòa án đương quyền đã thông báo rằng bắt được kẻ tử tội Jean Valjean và sẽ thi hành án. Ông thốt lên: “Tôi là ai?”.
Bất hạnh thay, cô vẫn nhất quyết bắt cuộc đời mình chọn cái tên mới, sống cuộc đời mới dù nó được bắt đầu bằng sự dối trá.
Một con người tự tước cái quyền được sống thật với bản thân sẽ không bao giờ tìm được đường trở về với nguồn cội, tức là đã mất đi tất cả.
Trần Ngân Hà – Ảnh: LVPH
Theo motthegioi