Các nhà quan sát chính trị của Trung Quốc tin rằng ông Tập Cập Bình không còn lựa chọn nào khác ngoài thanh trừng Chu Vĩnh Khang.
Theo tin từ Reuters, đội điều tra của Đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây đã tịch thu một số tài sản lớn của cựu quan chức an ninh Chu Vĩnh Khang. Cuộc điều tra này đã được đồn đoán từ lâu, nhưng nay mới được xác nhận chính thức.
Theo như bản tin này, các tài sản bị tịch thu bao gồm tài khoản ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu, hàng trăm tài sản, đồ cổ, tranh quý, kim loại quý, rượu quý, và rất nhiều tiền mặt, ngoại tệ khác nhau, tổng cộng lên đến 14.5 tỷ USD.
Hiện nay vẫn chưa rõ liệu những tài sản này có phản ánh quy mô sự giàu có của Chu Vĩnh Khang tích lũy sau hàng thập kỷ ở vị trí cao cấp của Đảng Cộng Sản, trong đó nhiều năm là người đứng đầu của bộ máy an ninh. Từ năm 2003, ông Chu là Bộ Trưởng Bộ Công An, và từ năm 2007 được thăng chức thành Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, một cơ quan của Đảng điều phối tất cả cơ quan an ninh Đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong khi cơ quan này hoạt động mà không bị giám sát. Ông ta nắm vị trí này đến khi chuyển giao quyền lãnh đạo vào tháng Mười một 2012, và cũng gần như từ đó xuất hiện những tin đồn rằng ông ta sẽ bị điều tra và bị trừng phạt.
Theo tin của Reuters, đợt điều tra tập trung vào ông Chu nhưng đồng thời cũng liên quan đến 300 người khác là họ hàng, trợ lý, cấp dưới, đồng minh của ông ta, được trích dẫn là: “những nguồn nhân vật bị lập hồ sơ điều tra”
Vụ phá hủy hệ thống chính trị của ông Chu không còn là bí mật với báo chí Trung Quốc: hàng tháng qua, chính quyền đã cho phép báo chí được thông tin về các vụ điều tra, bắt giữ, thủ tục kỷ luật nội bộ đối với các cá nhân liên quan mật thiết với ông Chu.
Các cuộc điều tra nhắm đến từng lĩnh vực mà ông Chu đã tích lũy tài sản chính trị, bao gồm cả lĩnh vực dầu khí và năng lượng, ở tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh Liêu Ninh – nơi ông ta nắm giữ vị trí chính trị trong sự nghiệp – và ở các bộ máy an ninh.
Không có tin chính thức Chu Vĩnh Khang là trung tâm của cuộc điều tra. Nhưng gần đây báo chí đã đặt câu hỏi công khai cho một quan chức đại diện của cơ quan tham mưu cho Đảng Cộng Sản. Ông Lu Xinhua, người phát ngôn của cơ quan tham mưu, nói rằng cuộc điều tra đến quan chức cấp cao, bao gồm cả “các quan chức cấp cao có vấn đề vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” (ngụ ý cho tội tham nhũng). Ông tỏ ý không thể trả lời trực tiếp câu hỏi liên quan đến ông Chu, nhưng ở câu cuối cùng, sau này trở lên nổi tiếng, ông nói thêm: “Các bạn biết ý tôi nói về ai rồi đó”
Nguyên nhân của động thái này
Trong khi vụ điều tra và bắt giữ cũng như trừng phạt Chu Vĩnh Khang được giải thích chính thức là do ông ta đã tích lũy tài sản bất hợp pháp, nhưng cũng có thể do nguyên nhân khác mà ông Tập Cập Bình, người lãnh đạo hiện nay của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, sẽ tìm kiếm để tiến hành chống ông ta.
Điều này liên quan một phần đến đồng minh thân cận của Chu là ông Bạc Hy Lai, cựu ủy viên Bộ Chính Trị và Bí thư ở Trùng Khánh, người đã bị kết án và ngồi tù trong một vụ điều tra khác vào năm ngoái. Ông Bạc được ông Chu bảo hộ trong thời gian dài, và ông Chu đã tìm cách nâng đỡ ông Bạc vào Hội đồng thường trực Bộ Chính Trị – vị trí tối cao trong quyền lực Đảng, hiện nay chỉ có 7 thành viên – và trao cho ông quyền kiểm soát bộ máy an ninh.
Chu Vĩnh Khang đã từng được Giang Trạch Dân – lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc từ 1989-2002 – bổ nhiệm là người đứng đầu lực lượng an ninh. Dù vậy, trải qua cả thập kỷ những năm 2000, ông Giang vẫn giữ vai trò đứng sau hậu trường của chính trị cộng sản Trung Quốc, nâng đỡ các vị trí quan trọng và gây ảnh hưởng đến một số chính sách then chốt. Chiến dịch ưa thích của ông ta là cuộc bức hại tàn bạo với môn phái tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, mà cả Bạc Hy Lại và Chu Vĩnh Khang hết lòng thực thi theo.
Các báo cáo từ đầu năm 2012 cho thấy Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lại đã có kế hoạch làm suy yếu vị trí của Tập Cập Bình, và sau đó loại bỏ hoàn toàn ông Tập – bằng một cuộc lật đổ chính trị. Lịch sử cộng sản Trung Quốc đầy các cuộc tranh đấu bè phái, âm mưu, lật đổ và âm mưu lật đổ, và thanh trừng như vậy.
Các nhà quan sát chính trị tin rằng quyền lực của ông Tập Cập Bình đã bị ông Chu Vĩnh Khang đe dọa nên ông Tập buộc phải thanh trừng ông Chu, vì sợ bị đánh giá là nhà lãnh đạo yếu kém.
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.