Tinh Hoa

Từ nghi án hối lộ 16 tỷ, ‘lộ’ vụ ‘nghiên cứu’ 7 tỷ USD

“Đại biểu Quốc hội Lê Văn Học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Hà Nội, đã từng phát biểu là ông chưa bao giờ thấy một dự án mà tiền dành cho việc nghiên cứu chiếm tới 11% tổng mức đầu tư như dự án này, cụ thể là tới 7 tỉ USD”.

Dự án vô lý những vẫn ráo riết vận động với quyết tâm cao

Trước thông tin Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) khai báo với Văn phòng Công tố Tokyo rằng họ đã đưa hối lộ cho cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 16 tỉ đồng để có được hợp đồng tư vấn thiết kế dự án sử dụng vốn ODA của Nhật tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhận định với VTC: “Đây là những thông tin chính thức từ phía Nhật Bản vì cơ quan bảo vệ pháp luật của họ đã có kết luận và các đối tượng phạm tội hối lộ cũng đã thừa nhận. Vấn đề còn lại chỉ là các cơ quan chức năng của Việt Nam cần chủ động vào cuộc để tiếp cận các thông tin từ Nhật Bản, từ đó có hướng xử lý”.

Điều đáng nói là sau đó, ông đã “tiết lộ” một vụ việc khác của ngành đường sắt gây sốc hơn. “Khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi thấy có những dự án cực kỳ vô lý nhưng vẫn được đưa ra, ráo riết vận động đại biểu đồng ý và thể hiện quyết tâm thực hiện rất cao. Một trong những dự án vô lý đó là Dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Vận động ráo riết lắm. Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội và báo chí lúc đó, trước kỳ họp, có trên 20 đại biểu được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mời đi nước ngoài tham quan đường sắt cao tốc.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, dù dự án đướng sắt cao tốc Bắc – Nam đã bị quốc hội bác bỏ nhưng người ta vẫn dành 7 tỷ USD để “nghiên cứu” nó. 

Cuối cùng, dự án này vẫn bị Quốc hội bác bỏ. Nhưng Bộ và cấp cao hơn Bộ sau đó vẫn chỉ thị nghiên cứu, lập ban quản lý để làm các đoạn đường sắt cao tốc Nha Trang – TP. HCM và Hà Nội – Vinh.

Vì vậy, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 12, tôi từng chất vấn Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng về chuyện này. Để biện minh, Bộ trưởng dẫn ra diễn văn bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội và cho rằng dựa theo diễn văn này, có thể hiểu là Quốc hội đã cho phép.

Khi đó, tôi đành phải nhắc Bộ trưởng là theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì diễn văn khai mạc, bế mạc kỳ họp Quốc hội không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Đến nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông Vận tải đã cho dừng dự án”. 

“Tôi còn nhớ trong cuộc thảo luận về Dự án Đường sắt cao tốc, đại biểu Quốc hội Lê Văn Học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Hà Nội, đã từng phát biểu là ông chưa bao giờ thấy một dự án mà tiền dành cho việc nghiên cứu chiếm tới 11% tổng mức đầu tư như dự án này, cụ thể là tới 7 tỉ USD”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh về số tiền bỏ ra để “nghiên cứu”.

“Rõ ràng, đằng sau việc này phải có vấn đề”

Ông Lê Như Tiến, phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đồng quan điểm. Theo ông Tiến, việc ngành đường sắt nôn nóng và sốt ruột trong việc đề xuất xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã khiến ông nghi ngờ.

Ông cho biết, tại kỳ họp Quốc hội khóa XII (2007-2011), ngành đường sắt rất “hăng hái”, “nhiệt tình”, rất nôn nóng mong muốn Quốc hội thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

“Tôi đã ngờ ngợ là có vấn đề gì đó. Sau đó họ vẫn quyết tâm làm. Họ không làm dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam nữa mà chia ra thành từng đoạn nhỏ để làm.

Tôi tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao ngành đường sắt phải nôn nóng và sốt ruột đến thế?”. Rõ ràng, đằng sau việc này phải có vấn đề gì đó.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam đã được vận động nhiệt tình tới mức làm nhiều đại biểu Quốc hội nghi ngờ. (Ảnh minh họa)

Khi đó, do chưa có những bằng chứng đầy đủ nên đại biểu Quốc hội chỉ phân tích đưa ra vấn đề. Bây giờ đã có nhiều thông tin về việc nhận hối lộ mà báo chí Nhật Bản cũng đã đưa”, ông nói.

Quay lại nghi án hối lộ 16 tỷ, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Đây đúng là một vụ PCI thứ hai, nhưng tôi nghĩ sẽ chưa phải là vụ cuối cùng, cho nên lần này chúng ta phải làm thế nào để bịt chặt tất cả các kẽ hở trong công tác đầu tư, đấu thầu nhằm chấm dứt tình trạng này.

Rõ ràng nó liên quan tới một số quan chức trong ngành giao thông Vận tải. Nhưng chắc một mình mấy ông dự án cũng không thể “nuốt trôi” 16 tỉ đồng đó đâu”.

Cho đến nay, về nghi án hối lộ 16 tỷ cho một số quan chức đường sắt, 10 người đã phải giải trình, trong đó có ông Lê Mạnh Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Đức Thắng – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông), ông Triệu Khắc Dũng – Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông).

PV
Theo Nguoiduatin