Philippines đã kịch liệt phản đối hành động này của Trung Quốc. Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ, gọi hành động của Trung Quốc là một “động thái khiêu khích làm gia tăng căng thẳng” và kêu gọi tất cả các bên duy trì nguyên trạng.
Tình hình khu vực biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng, và sự kiện tàu tuần tra Trung Quốc xua đuổi 2 tàu tiếp tế của Philippines mới đây tại khu vực bãi cạn Thomas 2 đang trở thành minh chứng mới nhất cho chiến lược “cắt lát salami” đầy nham hiểm của Trung Quốc.
Cách đây 15 năm, Philippines đã đồn trú một nhóm lính thủy đánh bộ tại khu vực bãi cạn Thomas 2 (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây, Philippines gọi là Ayungin, Trung Quốc gọi là Nhân Ái) thuộc khu vực quần đảo tranh chấp Trường Sa. Ngày 9-3 vừa qua, tàu tuần tra Trung Quốc đã chặn 2 tàu Philippines chở hàng tiếp tế cho nhóm lính thủy đánh bộ đang đồn trú trên một tàu chiến bị chìm một phần ở bãi Thomas 2, với lý do Manila đang tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng tại bãi cạn này nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền của họ. Philippines đã kịch liệt phản đối hành động này của Trung Quốc. Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ, gọi hành động của Trung Quốc là một “động thái khiêu khích làm gia tăng căng thẳng” và kêu gọi tất cả các bên duy trì nguyên trạng.
Con tàu chiến mắc cạn ở bãi Thomas 2, nơi lính thủy đánh bộ Philippines đang đồn trú.
Trước đó, hôm 27-1, Philippines cáo buộc Trung Quốc phun vòi rồng vào ngư dân nước này để ngăn họ đi vào vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag). Năm 2012, Manila và Bắc Kinh đã rơi vào thế đối đầu nảy lửa tại đây. Sự kiện này đã thu hút nhiều quan tâm của dư luận quốc tế đối với tranh chấp trong khu vực, vàbài phát biểu sau đó của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Leon Panetta tại Singapore về chiến lược tái cân bằng của Mỹ với khu vực. Trong khi Manila rút quân khỏi bãi cạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì các tàu vũ trang trong khu vực, ngang nhiên coi đây là lãnh thổ của họ.
Theo Darshana M. Baruah, một chuyên gia về vấn đề biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược của Quỹ quan sát viên nghiên cứu (ORF), cách hành xử khiêu khích của Bắc Kinh dường như là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc ở biển Đông để gây sức ép đối với các nước nhỏ hơn có tranh chấp với họ. Cụm từ “cắt lát salami” đã được nhà báo Robert Haddick sử dụng để mô tả một mưu đồ nham hiểm của Trung Quốc với “các hành động nhỏ, không đủ để khơi mào một cuộc chiến, mà nhằm kéo dài thời gian cho một sự thay đổi chiến lược lớn”. Chuyên gia Baruah nói rằng Trung Quốc đang dần kiểm soát một số bãi cạn và đảo nhỏ trên biển Đông, tăng cường sự hiện diện của họ tại đây. Theo chuyên gia này, Bắc Kinh đã từ chối tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và né tránh nỗ lực của Manila giải quyết vấn đề này tại tòa án quốc tế. Dù Mỹ ngày càng tỏ ra quan ngại, nhưng thực tế là họ chưa thể làm được nhiều trước việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế.
Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng nếu chưa xảy ra xung đột quân sự thực sự giữa Trung Quốc với một trong những đồng minh hay đối tác của Washington thì khó có thể ngăn chặn được việc Bắc Kinh dần thôn tính các bãi cạn và đảo nhỏ trên biển Đông. Thực tế cho thấy Trung Quốc đang bắt đầu hành xử như một cường quốc tham lam.
Trong bối cảnh trên, hầu hết các bên tranh chấp đều tỏ ra thận trọng với cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Trong bối cảnh mưu đồ thực hiện chiến lược “cắt lát salami” của Bắc Kinh đang được đẩy mạnh, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với ASEAN lúc này là phải thể hiện sự đoàn kết và đứng lên trước người láng giềng lớn. Do tranh chấp này sẽ khó có thể giải quyết trong tương lai gần, nên tất cả các nước cần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên biển Đông để tránh đối đầu quân sự trong khu vực.
Theo Pháp luật Xã hội