Khách hàng tại một chi nhánh của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Hà Nội.
Bà Helen Clark, người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP và là cựu thủ tướng New Zealand, tuyên bố tại Hà Nội hồi tối thứ hai rằng quốc gia Đông Nam Á này cần đặt ưu tiên cho mục tiêu cải cách để đạt tiến bộ về mặt kinh tế.
Bà nói: “Tôi cũng đến từ một nước có một khu vực nhà nước rất lớn trong nền kinh tế, và trong những năm qua, một số bộ phận trong khu vực đó đã được tư nhân hóa, sức cạnh tranh đã được tăng cường rất nhiều.”
Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam đang đối mặt với sức ép đòi họ thu hẹp qui mô của các công ty do nhà nước làm chủ, những công ty mà những người chỉ trích cho là quản lý thiếu hiệu quả, lợi nhuận thấp hơn các công ty tư nhân, và có sự tiếp cận không công bằng đối với các khoản cho vay của những ngân hàng do nhà nước điều hành. Điều đó đã góp phần làm gia tăng những khoản nợ xấu.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho biết chính phủ ở Hà Nội thừa nhận là những công ty quốc doanh đang đè nặng lên khu vực ngân hàng nói riêng và lên toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Ông Doanh nói: “Doanh nghiệp nhà nước rất quan trọng vì sở hữu rất nhiều tài sản. Họ dùng rất nhiều tín dụng của hệ thống ngân hàng. Nhưng hiệu quả hoạt động của họ cũng rất thấp.”
Để ứng phó, Việt Nam đã hứa tư nhân hóa hơn 400 doanh nghiệp nhà nước trong vòng 2 năm tới đây và tái cơ cấu những công ty khác.
Ông Lê Đăng Doanh nói rằng những công ty này sẽ hưởng lợi nhờ kiến thức của các đôí tac nước ngoài qua việc thành lập công ty liên doanh.
Một số những sự trễ nãi được nhiều người chú ý đã làm cho những người có thái độ hoài nghi nghĩ rằng giới hữu trách không thể vượt qua sức kháng cự của những nhóm lợi ích đang được hưởng lợi từ việc để cho các doanh nghiệp này tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước.
Bà Helen Clark, nữ lãnh đạo đầu tiên của UNDP, nói rằng “lúc nào cũng có những nhóm lợi ích trong nên kinh tế đặc biệt là ở những nơi có tình trạng độc quyền hoặc gần như độc quyền.”
Bà Clark cho rằng nếu Việt Nam hành động để có sự cạnh tranh nhiều hơn trong nền kinh tế, giới tiêu thụ sẽ được hưởng lợi nhờ vào việc giá cả thấp hơn và có nhiều hoạt động sáng tạo hơn.
Theo VOA