Tinh Hoa

Giấc mơ của Facebook và Google

Facebook và Google đều ước mơ phủ internet toàn cầu, làm cho phần còn lại của thế giới – hơn 4 tỉ người tiếp cận thế giới trực tuyến. Họ làm điều đó như thế nào?

Chúng ta từng nghe có công trình giúp cai nghiện internet. Mỗi ngày chúng ta lên internet để nắm thông tin toàn cầu? Xài mạng xã hội? Mua sắm? Đàn đúm? Mất bao nhiêu thời gian cho những mục đích trên? Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người và ươm mầm cho nhiều giấc mơ…

Giá trị nền kinh tế internet là bao nhiêu?

Theo công ty cung cấp hình ảnh vệ tinh DigitalGlobe, 3 triệu người sử dụng dịch vụ của công ty để tìm kiếm chiếc máy bay MH370 đang mất tích của Malaysia Airlines. Không có internet, những sự kiện trên không thể xảy ra.

Năm 2011, James Manyika, giám đốc trung tâm Nghiên cứu toàn cầu của McKinsey và đồng sự lần đầu tiên trình bày, về giá trị của nền kinh tế internet tại hội nghị e-G8 ở Paris, Pháp. 8.000 tỉ USD là con số mà McKinsey & Co. đưa ra sau khi nghiên cứu chi tiết về kinh tế trực tuyến ở các nước G8, cùng Thuỵ Điển, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Internet đem lại 2,6 việc làm cho mỗi việc làm bị mất (do áp dụng internet), giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tăng 10% năng suất, và nhân lên gấp đôi tốc độ phát triển đối với những SME chú trọng vào internet.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là tiềm năng phát triển của internet. Hiện nay chỉ 1/3 dân số thế giới được sử dụng internet; và mọi ánh nhìn đang đổ về châu Phi cùng châu Á. Châu Phi đã thay thế châu Á trở thành thị trường trực tuyến tiềm năng nhất thế giới với chỉ 15,6% tổng dân số được dùng internet và có tốc độ phát triển hơn 36 lần trong giai đoạn 2000 – 2012.

Ngoài ra, châu Phi có hơn 650 triệu người dùng điện thoại di động, nhiều hơn Mỹ và châu Âu. Các nhà đầu tư đang đổ về châu Phi để thiết lập hạ tầng và xây dựng dịch vụ thương mại chuyên nghiệp ngay từ đầu. Vấn đề là làm sao để phủ sóng internet nhanh, tiết kiệm, và giá cả phải chăng nhất.

 

Những giấc mơ “điên rồ”

Facebook và Google đều ước mơ phủ internet toàn cầu, làm cho phần còn lại của thế giới – hơn 4 tỉ người tiếp cận thế giới trực tuyến. Họ làm điều đó như thế nào?

Google đã “phóng” 30 bong bóng đặc biệt kèm theo thiết bị thu phát sóng wifi lên độ cao 20km để thử nghiệm tại khu vực Tekapo của New Zealand. Ảnh: Google

Google xây dựng dự án Loon, và bắt đầu thử nghiệm tại New Zealand từ tháng 6.2013. Google đã “phóng” 30 bong bóng đặc biệt kèm theo thiết bị thu phát sóng wifi lên độ cao 20km để thử nghiệm tại khu vực Tekapo của New Zealand. Mỗi bong bóng dài 15m và cao 12m, đem theo hộp thiết bị nặng khoảng 10kg, gồm các anten phát sóng, bo mạch vận hành và pin mặt trời – có thể cung cấp năng lượng cho một ngày hoạt động chỉ với bốn tiếng sạc.

Các anten sẽ phát và nhận sóng từ các trạm dưới mặt đất hoặc trên các bong bóng khác để cung cấp sóng internet trong phạm vi 1.256km2. Mỗi bong bóng thọ khoảng 100 ngày và được trang bị chiếc dù đặc biệt để hạ cánh hoặc khi xảy ra vấn đề cần sửa chữa. Sau thành công tại New Zealand, Google đang chuẩn bị phóng 100 bong bóng khác để tiếp tục thử nghiệm tại Úc, Chile và Argentina.

Còn Facebook liên kết với Samsung, Nokia, Ericsson và Qualcomm qua dự án internet.org. Facebook đã kết hợp với Nokia và Chính phủ Rwanda thử nghiệm chương trình SocialEDU, giúp học sinh, sinh viên nước này được tiếp cận với các tài liệu giáo dục chất lượng cao trên internet qua những chiếc smartphone giá rẻ. Facebook cũng hợp tác với Ericsson để tạo ra Innovation Lab – dự án cho phép các nhà phát triển và thiết kế phần mềm trẻ thử nghiệm, đổi mới và tối ưu hoá sản phẩm của mình ở môi trường thực.

Ngoài ra, cùng với Unilever, Facebook cũng thực hiện nhiều nghiên cứu về việc sử dụng và đổi mới internet tại Ấn Độ. Gần đây có thông tin Facebook định bỏ ra 60 triệu USD mua lại Titan Aerospace, công ty sản xuất máy bay không người lái có khả năng bay cao 20km và ở trên không trong vòng năm năm mà không cần đáp hay tiếp nhiên liệu. Để xem internet.org của Facebook và Loon của Google, dự án nào sẽ về đích trước?
Theo Danviet