Tinh Hoa

Cái Nhìn Từ Bên Trong Hệ Thống Nhà Tù Tàn Bạo Của Trung Quốc

George Karimi tại Stockholm, Thụy Điển, vào tháng mười năm 2011. (Tobias Elvhage/Fenix Film)

“Rất nhiều người Phương Tây nghĩ rằng việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và cho phép Trung Quốc tổ chức thế vận hội Olympics vào năm 2008, bằng cách nào đó sẽ dẫn đến sự tôn trọng nhân quyền hơn, hoặc thậm chí là nền dân chủ. Kỳ thực, đây chỉ là điều viển vông.”

Cho tới giờ rất nhiều người đã nghe thấy lời hứa hẹn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ đóng cửa hệ thống trại lao động cưỡng bức.Trong khi tôi thành thật mong đợi điều này xảy ra, thì các phương pháp cầm tù khác ở Trung Quốc vẫn chưa bị loại bỏ, nhất là hiện nay khi hệ thống nhà tù khét tiếng của Trung Quốc vẫn giữ nguyên bản chất tàn nhẫn và tính chất bất hợp pháp của nó. Tôi đã từng là một tù nhân ở trại tù Trung Quốc trong bảy năm trời và đã tận mắt chứng kiến điều kiện sinh sống ở đó như thế nào.

Sự ngược đãi trong nhà tù ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc hầu hết đều đã được ghi nhận bởi vì các thanh tra được phép trực tiếp đến kiểm tra. Nhưng trái lại, từ khi nắm quyền vào năm 1949, Đảng Cộng Sản Trung Quốc chưa bao giờ cho phép các cuộc điều tra độc lập, không bị kiểm thúc vào bên trong hệ thống nhà tù quy mô lớn của nó. Khi nhân viên của Liên Hợp Quốc đến thăm năm 2005, mọi cử động của họ đều bị hạn chế một cách nghiêm ngặt.

Tôi đã bị giam giữ tại Trung Tâm Giam Giữ Qichu ở Bắc Kinh năm 2005, khi Ủy Viên phụ trách báo cáo của Liên Hợp Quốc Manfred Nowak được phép đến thăm. Nhưng rốt cục nhân viên của Liên Hợp Quốc không thể phỏng vấn bất kỳ một tù nhân người Đông phương hay Tây phương nào; họ chỉ được phép quan sát các điều kiện sinh hoạt ở phòng giam qua màn hình máy tính. Nowak báo cáo rằng tất cả các nỗ lực phỏng vấn những cựu tù nhân, gia đình tù nhân, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền đều bị chính phủ quấy nhiễu.

Thực trạng nhà tù ở Trung Quốc quả là rất khủng khiếp. Tôi đã chứng kiến tận mắt. Các phòng giam chỉ rộng khoảng 7 đến 21 mét vuông, và có khoảng từ sáu đến mười sáu tù nhân bị nhồi nhét vào bên trong. Chúng tôi ăn, ngủ và đi vệ sinh ngay ở trong những phòng giam bé tí này. Thức ăn thì rất kinh khủng và chưa đến một ngày những lính canh hoặc các tù nhân “được thuê” sẽ bắt đầu tra tấn thể xác hoặc hành hạ tinh thần chúng tôi.

Đánh đập, bỏ đói và cưỡng bức lao động đều là một phần của cuộc sống cho những ai bị tống vào nhà tù Trung Quốc. Thậm chí chỉ một sự than phiền nhỏ nhất cũng sẽ có thể dẫn đến các hình phạt hoặc thậm chí là cái chết cho bạn hoặc một tù nhân nào đó. Một vài tù nhân mà tôi biết đã cố gắng tự tử vì trong tình trạng bị ngược đãi quá nhiều. Chỉ một vài người thành công. Với những ai không thành công thì họ sẽ bị trừng phạt rất nghiêm khắc.

Lính canh sẽ thỉnh thoảng bức cung để ép họ nhận tội: họ sẽ bẻ ngón tay, xốc điện, hoặc nếu họ không muốn phơi bày các vết đánh đập cho người khác nhìn thấy, họ sẽ chỉ đơn giản lôi tù nhân ra phơi mình giữa trời lạnh, hoặc ép họ đứng, ngồi trong các tư thế cực kỳ đau đớn hàng giờ đồng hồ.

Đại sứ quán ở các nước phương Tây đã nghe về tất cả những điều này từ tôi, nhưng họ không làm gì để phơi bày chúng-có lẽ  bởi vì họ không muốn làm tổn hại đến mối quan hệ ngoại giao giữa đất nước của họ với Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian tôi bị giam giữ, từ năm 2003 đến năm 2010, tôi cũng đã thấy Trung Quốc ban hành nhiều đạo luật và hứa hẹn rất nhiều lần rằng sẽ cải thiện chính sách nhân quyền. Rất nhiều người ở Phương Tây nghĩ rằng việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và cho phép Trung Quốc tổ chức thế vận hội Olympics vào năm 2008, bằng cách nào đó sẽ dẫn đến sự tôn trọng nhân quyền hơn, hoặc thậm chí là nền dân chủ. Kỳ thực, đây chỉ là điều viển vông. Nhưng điều viển vông này, cùng với sự tham lam của các tập đoàn kinh tế, đã giúp chế độ Trung Cộng bao che các thủ đoạn ngược đãi, trong khi rất nhiều người vẫn làm ăn kinh doanh như bình thường.

Sự cúi đầu khuất phục của phương Tây, tất nhiên, cũng bị lợi dụng bởi bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản để hợp pháp hóa luật lệ của nó. Bộ máy tuyên truyền nội địa tạo ra những thước phim giả tạo mô tả một cuộc sống trong tù có vẻ như rất nhẹ nhàng tại Trung Quốc, đồng nghĩa với việc nhân dân Trung Quốc không hề biết gì về sự thật kinh hoàng bên trong những nhà tù này. Các kênh truyền thông hải ngoại chỉ phơi bày một chút hoàn cảnh thực tế bên trong những cơ sở giam giữ này, một phần vì cuộc điều tra có chiều sâu có thể dẫn đến việc bị trục xuất ra khỏi Trung Quốc.

Đó chính xác là điều đã xảy ra với hãng tin Al Jazeera sau khi hãng này sản xuất một bộ phim tài liệu về hệ thống các trại lao động cưỡng bức, mà đặc biệt trong đó đã nhấn mạnh vào các cuộc phỏng vấn với các cựu tù nhân là học viên Pháp Luân Công.

Những lời biện hộ rằng còn thiếu các bằng chứng ngược đãi cũng có nghĩa là các nước Phương Tây đã đặt rất ít áp lực chính trị và ngoại giao lên chế độ Trung Cộng. Chế độ Trung Cộng do vậy đã tiếp tục thi hành những chính sách ngược đãi này trong bóng tối, trong đó việc mổ cướp nội tạng các tù nhân còn sống- một số là tử tù, trong khi hầu hết là tù nhân lương tâm Pháp Luân Công- thật sự là điều kinh khủng nhất.

Khi tôi còn ở trong nhà tù Bắc Kinh, việc mổ cướp nội tạng là một thực tế đáng buồn dành cho tất cả các tù nhân bị tử hình. Tôi đã nói chuyện với một cảnh sát và ông này đã thừa nhận. “Vậy thì sao?” ông ta nói. “Chúng rốt cục đều sẽ chết cả, vậy thì để bệnh viện làm bất cứ việc gì họ muốn với nội tạng của chúng.” Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc khi mà một tù nhân kể lại với tôi trải nghiệm việc anh ta đã gặp một người cùng quê quán mà đáng lẽ ra đã bị tử hình và hỏa thiêu từ lâu. Người này đoán như vậy vì gia đình anh kia đã nhận được bình tro hài cốt của anh – vào hai năm về trước.

Điều này giải thích rõ ràng tất cả rằng rất nhiều tù nhân vẫn được sống chỉ đơn giản là để đợi đến khi nội tạng của họ phù hợp với những người hiến tạng. Sau đó một vụ hành hình thật sự – hay đúng hơn, việc mổ cắp nội tạng lặng lẽ lạnh lùng lấy đi sinh mạng con người đó, sẽ xảy ra. Một quá trình tương tự lặp lại với các tù nhân lương tâm, bao gồm một số người Duy Ngô Nhĩ vào những năm 1990 và một lượng lớn các học viên Pháp Luân Công bắt đầu từ năm 2000 cho tới tận hôm nay. Các nước phương Tây không bày tỏ sự hứng thú để điều tra kỹ hơn nỗi kinh hoàng thời hiện đại này, trong khi nó đang xảy ra ngay dưới mũi họ.

Tôi hy vọng các quan chức và chính trị gia từ những nước dân chủ phương Tây, bao gồm Mỹ Quốc và Thụy Điển quê hương tôi, những người mà tiếp xúc với quan chức Trung Quốc, sẽ dám thách thức họ thừa nhận việc họ biết rõ ràng về tình cảnh những gì xảy ra bên trong Trung Quốc. Tôi cũng mong rằng họ sẽ bắt đầu yêu cầu Trung Quốc phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm khỏi những cơ sở giam giữ này.

George Karimi  là một doanh nhân Thụy Điển gốc Mỹ. Ông bị kết án chung thân trong một nhà tù Trung Quốc sau khi một trong những đối tác kinh doanh của ông bị tra tấn và ép phải buộc tôi ông với tội danh in tiền giả. Ông đã ở trong tù ở Trung Quốc bảy năm cho tới khi được thuyên chuyển đến Thụy Điển vào năm 2010; giờ đây, sau quyết định giảm án, ông sẽ được ra tù vào tháng mười một năm 2015. Ông Karimi gần đây đã hoàn thành một cuốn sách kể lại những trải nghiệm của ông trong lúc bị giam giữ ở nhà tù Trung Quốc.

Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.

Theo Việt Đại Kỷ Nguyên