Máy bay của 5 hãng hàng không Châu Á khác nhau đang đợi hành khách tại Sân bay Quốc tế Juanda, ở Surabaya, Đông đảo Java, Indonesia. Du lịch hàng không ở Châu Á đang tăng nhanh khi giới trung lưu đang ngày càng nhiều hơn, máy bay giá rẻ nhiều hơn và quan hệ kinh doanh với thế giới sâu hơn. (AP Photo/Trisnadi, File)
Hồng Kông – Vụ máy bay của Hàng không Malaysia mất tích với 239 hành khách xảy ra ở khu vực có ngành hàng không đang tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi hàng thập kỷ trước, di chuyển bằng máy bay nằm ngoài tầm với của nhiều người dân ở đây.
Du lịch hàng không ở châu Á đang bùng nổ khi tầng lớp trung lưu đang nhiều lên, máy bay giảm giá phổ biến hơn, và quan hệ kinh doanh với thế giới sâu hơn. Các hãng hàng không thi nhau mở rộng phạm vi bay cùng với nhu cầu của hành khách, và một hãng Indonesia mới phất còn mang lại cho Boeing và Airbus những hợp đồng mua máy bay lớn nhất từ xưa đến nay.
Nguyên nhân đằng sau là kinh tế khu vực đã bùng nổ trong thời gian qua, khơi mào bởi cải cách thị trường của Trung Quốc vào những năm đầu thập niên 90.
Ông Andrew Herdman, tổng giám đốc của Hiệp Hội Hàng Không Châu Á Thái Bình Dương nói: “Khi anh nghèo thì anh không đủ tiền bay. Nhiều nước châu Á phát triển nhanh trong 20 năm qua đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo và gia nhập tầng lớp trung lưu, thu nhập từ 10$-100$ mỗi ngày”.
Hiệp hội Hàng Không Quốc tế dự báo lượng hành khách hàng không trên thế giới sẽ tăng 31% từ 2012 đến 2017. Riêng với châu Á, lượng hành khách tăng trung bình 6.3% hằng năm, gần gấp 3 lần tốc độ tăng của Mỹ.
Các tuyến bay trong nội địa Trung Quốc hoặc kết nối với Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất, chiếm gần ¼ của tổng số 300 triệu khách tăng thêm trong 6 năm.
Cho dù máy bay Hàng Không Malaysia bị mất tích bởi lý do gì thì cũng không thể thay đổi xu hướng hàng không của châu Á trong 2 thập kỷ qua: thêm hành khách, thêm tuyến bay, thêm máy bay.
Ông Herdman nói: “Mọi người trở nên thận trọng với một hãng Hàng không nào đó trong một khoảng thời gian. Nhưng bạn sẽ không thấy cách thức di chuyển thay đổi”
Nhu cầu của Châu Á là nguyên nhân lớn khiến ngành sản xuất máy bay có nhiều đơn hàng nhất trong lịch sử, hơn 8.200 máy bay được Airbus và Boeing đưa ra thị trường trong 5 năm qua. Mỗi tuần có 24 máy bay được lắp ráp và xuất xưởng, trong khi một thập kỷ trước chỉ có 11 chiếc. Tốc độ này đang tiếp tục tăng.
Các hãng hàng không mới hoặc tăng trưởng nhanh đang đặt hàng thêm máy bay mới để phục vụ giới trung lưu tăng nhanh ở Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Chỉ riêng châu Á, Airbus có 1.375 đơn đặt hàng máy bay chưa giao, chiếm một phần tư đơn hàng cả thế giới.
Hàng không giá rẻ có nhu cầu mua thêm máy bay nhiều nhất. Hãng Air Asia đặt ở Malaysia và mạng lưới của nó đã đặt 385 máy bay mới. Riêng số máy bay mới này đã đủ chỗ cho cùng lúc 60.000 hành khách. Trong khi nhiều máy bay cất cánh nhiều chuyến trong ngày, nên số lượng hành khách được phục vụ còn cao hơn.
Hãng Lion Air của Indonesia đặt hàng 234 máy bay từ Airbus và 301 chiếc từ Boeing. Số lượng này bổ sung thêm cho 107 chiếc Boeing đang bay của hãng này.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều hãng hàng không giá rẻ đã mở ra hoạt động trong thập kỷ qua, phần lớn ở Đông Nam Á, để phục vụ nhu cầu tăng nhanh.
Thậm chí Trung Quốc, nơi nhiều năm qua có chính sách hạn chế bắt buộc để bảo vệ 3 hãng hàng không nhà nước, cũng bắt đầu trao cơ hội cho các hãng hàng không giá rẻ.
Tháng trước, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc, nói họ sẽ bỏ bớt rào cản của việc thành lập hàng không giá rẻ, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt, giảm chi phí sân bay ở các thành phố cấp thấp và khuyến khích các sân bay cũ sửa lại các ga bay cho máy bay giá rẻ.
Để theo kịp, các chính phủ Châu Á cũng nhanh chóng xây các ga bay và đường bay mới.
Singapore, một quốc đảo giàu có ở phía nam bán đảo Malaysia, đang dự kiến mở rộng sân bay gấp đôi trong 1 thập kỷ để phục vụ được 135 triệu khách hàng năm.
Ở Trung Quốc, các sân bay cũng được xây dựng khắp nơi, khi chính quyền của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này cho phép xây thêm hàng chục sân bay mới và mở rộng công suất những sân bay cũ.
Ông Campbell Wilson, Tổng giám đốc của hãng máy bay giá rẻ Scoot ở Singapore nói: “Rõ ràng cơ sở hạ tầng sân bay phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu”.
Ông cho biết một số sân bay trong khu vực đang vận hành gần hết công suất, bao gồm Hồng Kông, Bangkok, Manila, Jakarta, và Bắc Kinh.
Ông Wilson nói: “Sẽ có thêm nhiều sân bay đạt đến giới hạn công suất.”
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.
Theo Việt Đại Kỷ Nguyên