“Phát hiện rằng bạn và bạn của bạn thức giấc sau cùng một giấc mơ giống nhau nghe có vẻ khó tin,” nhà cận tâm lý học James Donahoe nói trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Psychic năm 1975. “Nhưng theo nghiên cứu của tôi về hiện tượng này – giấc mơ chung – cho thấy chúng phổ biến hơn những gì mọi người thường nghĩ.”
Không chỉ có người báo cáo lại những trải nghiệm giống nhau về cả hoàn cảnh lẫn môi trường xung quanh trong những giấc mơ, mà họ còn có thể tương tác với nhau trong đó.
Giấc mơ chung của những cặp sinh đôi
Những cặp sinh đôi đặc biệt thường có xu hướng mơ những giấc mơ giống hệt nhau. Bác sĩ Patrick McNamara, phó giáo sư thuộc khoa thần kinh trường đại học Y Boston và là tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo về khoa học giấc mơ, đã nhận xét trong một bài đăng trên blog về những trường hợp cặp sinh đôi có cùng giấc mơ. Ông trích dẫn hai trường hợp dưới đây từ cuốn sách của Susan Kohl về những cặp sinh đôi.
1. Chúng tôi đang băng qua khu rừng nguyên sinh. Những con thằn lằn ngón có cánh khổng lồ bắt được Rick và tôi. Chúng tôi hét lên. Tôi có thể thấy Rick đang nằm trong miệng con thằn lằn,” một người trong cặp sinh đôi kể lại. Người đó nói với người khác về giấc mơ: “Sau đó tôi xem xét nét mặt Rick lúc ở bàn ăn sáng và mặt anh ấy tái mét. Anh ấy có cùng giấc mơ với tôi trong một vài đêm trước đó.”
2.“Vào đêm đặc biệt này tôi nằm ngủ trên giường chị gái còn Sarah [cùng sinh đôi với tôi] ngủ ở giường mẹ ở tầng dưới. Khi chị gái tôi, Carrie, trở về nhà, tôi tỉnh dậy thấy chị đang nhìn tôi rất chăm chú và phá lên cười. Chị nói rằng tôi đang mơ, đúng là thật sự tôi đang ở trong trạng thái giữa mơ và tỉnh, tôi đang điên cuồng tìm kiếm “những giấy tờ ” mà tôi cần. Trong khi đang cười phá lên cùng chị, tôi vẫn nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm đống “giấy tờ” kia. Khi mẹ đánh thức Sarah vào cùng đêm đó, cô ấy cũng có một giấc mơ giống y hệt và cả hai cũng gặp đúng phải tình huống tương tự với đống “giấy tờ”.
McNamara đã bình luận: “Những kiểu hiện tượng này không phải là bất bình thường đối với những cặp song sinh. Nếu bạn hỏi bất kỳ cặp song sinh nào về những loại chuyện như thế này hẳn họ sẽ làm bạn ngạc nhiên khi kể lại chi tiết những câu chuyện tương tự.”
Ông cho biết ông chưa từng thấy bất kỳ nghiên cứu nào về chủ đề này và ông rất ngạc nhiên khi không có nhiều nghiên cứu phổ biến hơn về đề tài này. Một vài cặp song sinh cũng trải qua những trải nghiệm tương tự nhưng lại sống cách xa nhau và không thể dùng lý do họ cùng trải qua những sự việc giống nhau trước giấc mơ để biện hộ cho những câu chuyện kiểu như trên.”
Bạn bè gặp nhau trong mơ
Tại một trường đại học ở Pittsburgh, những sinh viên trong lớp học thuộc khoa thống kê được hỏi về những tình huống trùng hợp đáng ngạc nhiên nhất trong cuộc sống của họ. Một học sinh kể lại về một giấc mơ “chung”: “Tôi gặp một sự việc trùng hợp ngẫu nhiên với người bạn vào khoảng vài tháng trước. Tôi tỉnh dậy vào một buổi sáng sau một giấc mơ kỳ lạ và khi kể với cô bạn về giấc mơ, cô nói rằng cô cũng có một giấc mơ gần giống như vậy. Trong mơ, tôi bước vào một căn phòng tối, bật chiếc đèn duy nhất lên, thấy bạn mình đang ngồi trên ghế và cũng đang nhìn tôi. Trong giấc mơ của bạn tôi, cô ấy đang ngồi trong một căn phòng tối, trên một chiếc ghế và thấy tôi bước vào căn phòng, bật đèn lên. Bạn tôi có một giấc mơ gần như giống hệt, chỉ khác ở chỗ người quan sát. Đó là sự trùng hợp kỳ quặc nhất mà tôi từng gặp”
Người dùng Reddit Akeleie miêu tả lại một giấc mơ dường như ông có chung với người khác: “Trở lại thời đại học, một lần tôi có một giấc mơ, trong đó tôi đang ngồi ở nhà và hướng mắt về phía rừng, người bạn cùng lớp cũng đang ngồi đó và nhìn lại tôi. Ngày hôm sau ở trường, anh ấy kể lại cho tôi về giấc mơ của anh đêm qua.”
Anh ấy mơ thấy mình đang ngồi trong rừng, trông vào ngôi nhà và thấy tôi qua cửa sổ đang nhìn lại anh ấy.
“Tôi chưa nói với bất kỳ ai về giấc mơ trước khi cậu bạn kể với tôi về giấc mơ của cậu ta; Tôi không nhận ra giấc mơ có gì đặc biệt cho đến khi biết được chúng tôi có cùng giấc mơ”
Mơ theo nhóm
Có một sáng kiến thành lập dự án gọi là The Lucidity Project thử nghiệm với “mơ theo nhóm” năm 1980. Những thành viên trong nhóm nói rằng họ có thể đạt được sự giao thiệp trong mơ ở mức độ nhất định. Một thành viên trong nhóm tên là Linda Magallón đã thuật lại một vài giấc mơ trong một vài báo với tựa đề “Mutual Lucid Dreaming.”
Ví dụ, cô nghĩ rằng mình đã nhận ra một anh thành viên trong dự án tên là Eric Snyder trong giấc mơ vào một đêm. Nhưng cùng lúc đó anh ta lại trông giống anh trai cô, Ken, và khi cô nói chuyện với anh ta, anh chàng này lại lẩm bẩm rằng tên mình là Jeremy Taylor.
Khi cô nhận được những bài tường thuật lại giấc mơ của mọi người trong đêm đặc biệt đó, cô xem bản tường thuật của Snyder. Anh nói anh đã tương tác với Magallón và hai thành viên khác trong nhóm vào đêm đó. Magallón trước đó không biết hai thành viên này, mặc dù Snyder thì ngược lại. Tên hai thành viên đó là Ken Kelzer và Jeremy Taylor.
Giấc mơ phải chăng là ngôn ngữ nguyên thủy chúng ta có thể học?
Ý tưởng về giấc mơ thần giao cách cảm bắt nguồn từ Democritus (460-370 B.C), được các bác sĩ tâm thần học Montague Ullman và Jon Tolaas viết trong một bài báo “Những giấc mơ và giao tiếp ngoại cảm”.
Họ giải thích rằng nhiều nền văn hóa từ lâu đã cho rằng con người có khả năng thần giao cách cảm trong giấc mơ. Họ cũng phát biểu rằng nhà tâm lý học lừng danh Sigmund Freud “cho rằng thần giao cách cảm có thể là một loại ngôn ngữ nguyên thủy, một ngôn ngữ có trước ngôn ngữ.”
“Những người được coi là người nguyên thủy có lẽ đã duy trì được một vài khả năng giao tiếp cổ xưa này,” họ viết
Stephen LaBerge, tiến sĩ triết học, bày tỏ một quan điểm tương tự vào năm 1990 trong bài báo xuất bản bởi Hiệp Hội Tâm Lý Hoa Kỳ. LaBerge đã nghiên cứu những giấc mơ tỉnh (khi người mơ nhận thức được mình đang mơ và thậm chí có thể điều khiển được giấc mơ).
Ông viết: “Chúng ta có thể so sánh giấc mơ tỉnh với kĩ năng nhận thức khác – ngôn ngữ. Tất cả người lớn bình thường nói và hiểu được ít nhất một ngôn ngữ. Nhưng làm thế nào nhiều người có thể làm như vây khi họ chưa từng được dạy? Thật không may, dưới nền văn hóa này, trừ một vài ngoại lệ, thì chúng ta đều không được dạy cách để mơ.”
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.