Tinh Hoa

Buốt ruột so sánh thu nhập và giá ôtô ở Mỹ – Việt Nam

Thu nhập bình quân đầu người chưa nổi 2.000 USD/năm, vẫn thuộc diện nước nghèo, thế nhưng Việt Nam lại đang là quốc gia có giá xe hơi thuộc vào loại đắt nhất thế giới.


 

Bấy lâu nay, bất kỳ ai đang quan tâm đến việc mua xe hơi bằng chính đồng tiền của mình, cũng đều rất bất bình vì giá cao một cách phi lý như thế. 

Thu nhập thấp, mua xe giá cao

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2013, Việt Nam có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.960USD/người/năm. Ở Mỹ chỉ số này là 50.708 USD, cao hơn 26 lần Việt Nam. Chỉ số chênh lệch là vậy, nhưng khổ nỗi, một người dân ở một nước đang phát triển như ở Việt Nam lại phải mua xe ôtô với số tiền cao gấp 2,5 lần so với một người dân ở nước đang nằm trong Top 5 quốc gia giàu nhất thế giới như Mỹ. 

Xe hơi ở Việt Nam đắt gấp 3 lần ở Mỹ
Lấy ví dụ về giá của mẫu xe Toyota Camry (một mẫu xe được ưa chuộng cả ở Mỹ và Việt Nam). Ở Mỹ mẫu Camry L đời 2013 động cơ 2.5L I4 có giá khởi điểm hơn 22.000 USD, phiên bản cao nhất là XLE động cơ 3.5L V6 có giá chưa tới 30.500USD. Còn ở Việt Nam, nếu muốn sở hữu Toyota Camry 2.5Q hay 2.5G (cùng dung tích xi-lanh với Camry L 2.5 tại Mỹ), người mua phải bỏ ra số tiền gần 60.000USD, cao gần gấp 3 lần tại Mỹ. 

Gần gũi hơn, hãy nhìn sang các nước nằm trong khu vực ASEAN là Thái Lan và Indonesia. Tại Indonesia, 5 năm trước, Chính phủ đã lên kế hoạch phát triển xe cỡ nhỏ, giá rẻ. Xe giá rẻ được quy định rõ có giá từ 4.400 USD đến 7.400 USD, tiêu thụ nhiên liệu tối đa 5 lít/100 km. Tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc là 60%. Mục tiêu của Indonesia là để người dân có mức thu nhập từ trung bình có cơ hội sở hữu xe hơi, đồng thời tăng sản lượng, phát triển công nghiệp ôtô. 

Kết quả là đến nay, 1 loạt các mẫu xe giá rẻ đã ra đời đáp ứng nhu cầu của người dân. Tầng lớp bình dân ở Indonesia giờ có thể dễ dàng mua 1 chiếc xe giá dưới 10.000 USD với động cơ 1.0L như Mitsubishi Mirage, Daihatsu Ayla, Honda Brio Satya… Ở Việt Nam thì không chuyện đó. 

Toyota Yaris có giá bán 17.700 USD tức chưa đến 400 triệu đồng, khi nhập khẩu về Việt Nam giá lên tới 661 triệu đồng
Tại Thái Lan, chiếc Toyota Yaris phiên bản E có giá bán 17.700 USD tức chưa đến 400 triệu đồng, khi nhập khẩu về Việt Nam giá lên tới 661 triệu đồng. Suzuki Swift lắp ráp tại Việt Nam có giá bán 550 triệu đồng, nhưng tại Thái Lan giá bán ra chỉ có 15.000 USD tức hơn 300 triệu đồng. 

Thu nhập bình quân đầu người Thái Lan năm 2013 đạt trên 10.000 USD, còn Indonesia cũng đạt trên 5.000 USD, trong khi Việt Nam chưa nổi 2.000 USD/người/năm. Vậy nhưng giá xe ôtô tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với 2 nước này. 

Qua đó mới thấy, dân Thái Lan, Indonesia có cơ hội tiếp cận với ôtô dễ dàng biết chừng nào, còn với người Việt Nam vẫn chỉ là giấc mơ xa vời. 

Giá xe “cắt cổ” vì đâu?

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả đắt gấp 3 lần so với người Mỹ, gấp 1,5 lần Thái Lan, Indonesia cho một chiếc xe tương đương là vì cho đến lúc này, toàn bộ thị trườngvẫn bị chi phối bởi các nhà sản xuất ôtô nước ngoài hoặc các liên doanh với nước ngoài mà không có đối trọng từ bất cứ nhà sản xuất nội địa nào, hay mức giá cạnh tranh nào từ các sản phẩm nhập ngoại. 

Người dân Việt Nam muốn sở hữu một chiếc ôtô, họ phải trả cho chiếc xe ấy rất nhiều loại thuế và phí
Thêm vào đó là chính sách thuế rất cao của Chính phủ áp cho mặt hàng này. Người dân Việt Nam muốn sở hữu một chiếc ôtô, họ phải trả cho chiếc xe ấy rất nhiều loại thuế và phí. Chính bởi
gánh nặng thuế và phí hiện nay mà người tiêu dùng Việt Nam, với mức thu nhập rất khiêm tốn, song nếu muốn có một chiếc xe hơi “hạng trung”, họ phải trả giá cho chiếc xe đó với mức tiền cao gấp 3 lần mức giá thế giới đối với chiếc xe cùng loại. 

Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố hiệu quả của sản xuất. Một chuyên gia lâu năm trong ngành công nghiệp ôtô cho biết, số xe mà các liên doanh đăng ký sản xuất hằng năm chỉ là để báo cáo, trên thực tế họ chưa khai thác được hết công suất của dây chuyền. 

Thông thường, công suất khai thác càng thấp thì càng lỗ vì không thể đủ doanh thu để khấu hao của cả dây chuyền. Thế nhưng các liên doanh vẫn có lãi cao. Điều này chứng tỏ giá bán ôtô đã bị đẩy lên rất nhiều so với giá trị thực của xe. 

Theo qui luật thị trường thì ai hoạt động không hiệu quả sẽ phải rút lui, nhường lại thị trường cho ai đạt hiệu quả cao hơn. Nhưng do được bảo hộ nên chẳng thấy ai rút lui mà chỉ thấy người mới kéo đến. Còn người tiêu dùng thì vẫn phải chịu giá cao mà chẳng hiểu vì sao lại cao đến thế. 

Theo TTTĐ