Các quan chức bầu cử nói khoảng 95,5% cử tri Crimea ủng hộ việc gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi sau khi kiểm phiếu được một nửa.
Trước đó, kết quả thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy khoảng 93% cử tri đi bỏ phiếu tại Crimea ủng hộ việc sáp nhập vào Nga và tách khỏi Ukraine, các hãng tin của Nga trích dẫn.
Các phòng phiếu đóng cửa lúc 18:00GMT và các quan chức nói lượng người đi bỏ phiếu “cao kỷ lục”. Kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố trong vài giờ tới.
Các lực lượng thân Nga đã nắm quyền kiểm soát Crimea hồi tháng Hai, sau khi tổng thống thân Nga bị lật đổ.
Sergei Aksyonov, người được bầu làm lãnh đạo chính quyền địa phương ở Crimea sau khi quân đội Nga chiếm quyền kiểm soát nói nhân dân đã bỏ phiếu tự do và một phiên họp quốc hội sẽ diễn ra trong thứ Hai.
“Xô-viết Tối cao Crimea sẽ làm đơn chính thức để xin gia nhập Liên bang Nga trong cuộc họp hôm 17/3,” ông viết trên Twitter sau kỳ bỏ phiếu.
Phản ứng quốc tế ban đầu
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông sẽ tôn trọng nguyện vọng của người dân Crimea.
Điện Kremlin nói ông Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nói chuyện qua điện thoại và đã đồng ý tìm cách giữ ổn định cho Ukraine.
Tuy nhiên, ngay sau khi đóng cửa các phòng phiếu, Hoa Kỳ đã lại đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt lên Nga.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch ốc, Jay Carney, đã lên án việc bỏ phiếu là “nguy hiểm và gây bất ổn”, và nói nó sẽ “làm tăng phí tổn cho Nga”.
EU nói kỳ bỏ phiếu là “bất hợp pháp, bất chính danh và kết quả sẽ không được công nhận”.
Các ngoại trưởng EU sẽ họp vào hôm thứ Hai và được trông đợi sẽ cân nhắc việc áp lệnh trừng phạt lên các quan chức Nga.
Người Tatar tẩy chay
Người sắc tộc Nga chiếm 58,5% dân số khu vực.
Bà Olga Koziko nói với BBC rằng bà bỏ phiếu chọn tách khỏi Ukraine bởi bà không muốn bị lãnh đạo bởi “những kẻ phát xít lên nắm quyền tại Kiev”.
“Nga sẽ bảo vệ chúng tôi, bảo hộ chúng tôi,” cử tri làm nghề giáo này nói.
Trên tờ phiếu bầu, cử tri được hỏi liệu họ có muốn Crimea tái sáp nhập vào Nga hay không.
Câu hỏi thứ nhì là liệu Ukraine có nên quay trở lại tình trạng nêu trong Hiến pháp 1992 hay không, theo đó khu tự trị này được trao quyền tự quyết lớn hơn so với hiện nay.
Không có lựa chọn cho những người muốn giữ nguyên tình trạng hiến pháp hiện thời.
Có tổng số 1,5 triệu người có quyền bầu cử.
Hầu hết những người sắc tộc Tatar, chiếm 12% dân số, đã tẩy chay đợt bỏ phiếu này.
Người Tatar từng bị nhà độc tài Xô-viết Joseph Stalin đày đi vùng Trung Á. Họ chỉ được trở về sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ và nhiều người muốn ở lại với Ukraine.
Refat Chobarov, lãnh đạo của quốc hội không chính thức của người Tatar, nói rằng cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp, được tổ chức một cách vội vã dưới sự kiểm soát của binh lính Nga.
“Số phận của đất mẹ chúng tôi không thể được quyết định trong một cuộc trưng cầu diễn ra dưới bóng những cây súng của binh lính,” ông nói với BBC.
Bên ngoài vùng Crimea, tình trạng bạo loạn tiếp diễn tại thành phố Donetsk ở miền đông nam Ukraine.
Những người biểu tình thân Nga đã tấn công tòa nhà công tố và hô to “Donetsk là thành phố Nga”, rồi xông vào trong trụ sở chính của các lực lượng an ninh địa phương lần thứ hai trong hai ngày qua.
Sau đó họ giải tán, nhưng nói sẽ quay trở lại trong hôm thứ Hai.
Theo BBC