“Một món hời cho kẻ làm hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, một giáo sư đại học Texas nói.
Người mua mật ong có thể chưa thật sự nhận được đúng thứ mà họ bỏ tiền ra để mua, theo một giáo sư thuộc trường đại học Texas và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về mật ong.
Vaughn Bryant, một giáo sư nhân chủng học thuộc trường đại học Texas và là một người chuyên nghiên cứu về thành phần phấn hoa trong mật ong (melissopalynologist) – đã cho kiểm tra các mẫu mật ong thu thập từ các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng bán lẻ, chợ đầu mối, các cửa hàng thuốc và thực phẩm tự nhiên trên khắp toàn nước Mỹ và phát hiện ra rằng hơn 75% mật ong đang được rao bán đều đã bị lọc phấn hoa, theo tờ Thực Phẩm An Toàn (Food Safety News), tờ báo tài trợ nghiên cứu.
“Các công ty nhập khẩu lớn đều lọc tất cả phấn hoa ra khỏi mật ong vì cho rằng nhờ đó mật ong tinh khiết hơn đồng thời ngăn ngừa được sự kết tinh nên sẽ dễ bán hơn,” Bryant giải thích. “Tuy nhiên, loại bỏ phấn hoa đồng nghĩa với việc loại bỏ luôn những đầu mối cần thiết giúp xác nhận nơi sản xuất và nguồn mật hoa thượng hạng. Như vậy thì khi không có vết tích phấn hoa, người bán có thể cầm một chai mật ong rẻ tiền lên rồi sẵn lòng hét một cái giá trên trời.
Loại mật ong cao cấp thật sự có thể được bán với giá không thấp hơn 50 đô la Mỹ một chai và chính nhờ cái giá cao ngất ngưỡng này mà những kẻ chuyên lừa đảo có cơ hội làm ăn.
FDA không quy định phải có phấn hoa trong mặt hàng mật ong ở Mỹ, Bryant nói, vì vậy những nhà nhập khẩu có thể vô tư loại bỏ chúng. “Hệ quả là các công ty có khả năng mua mật ong giá rẻ không có phấn hoa nên cũng không biết được nguồn gốc xuất xứ của chúng”
Bryant là chủ sở hữu của bộ sưu tập gồm 20.000 loại phấn hoa hiện đại từ khắp nơi trên thế giới (mà anh ước tính có giá trị lên đến 4-5 tỉ đô la), nhờ bộ sưu tập và kính hiển vi, anh đã nhận dạng được hàng trăm loại phấn hoa có mặt trong các mẫu mật ong trên khắp thế giới.
Nhờ việc nhận dạng phấn hoa trong mật ong, anh có thể nói được nơi xuất xứ của chúng và loại mật hoa nào đã được dùng để tạo mật.
“Có khoảng 350 nghìn loài thực vật và mỗi loài chỉ sản xuất ra một loại phấn hoa duy nhất,” giáo sư giải thích. “Thực vật thích nghi tốt nhất đối với những điều kiện sinh thái đặc trưng. Bạn chẳng thể tìm đâu được cây đương (Prosopis glandulosa) sinh trưởng ở Canada và cũng không thể lần ra được cây vân sam hay linh sam phát triển ở Texas. Nếu tôi tìm thấy phấn hoa cây đương trong mẫu mật ong, tôi hiểu rằng chúng không bắt nguồn từ Canada, hoặc nếu tôi phát hiện phấn hoa linh sam hay vân sam trong mẫu mật ong, hiển nhiên chúng không đến từ Texas.
Những lo ngại về tính an toàn
Biết được xuất xứ mật ong là điều quan trọng không chỉ để định giá chính xác, Bryant nói, mà còn vì mỗi nước có những quy định khác nhau về các loại thuốc trừ sâu và việc sử dụng thuốc kháng sinh nhằm phòng bệnh cho ong. Để đảm bảo tính an toàn của mật ong, ông cho rằng,” chúng ta phải có luật nhập khẩu nghiêm ngặt trong đó chỉ cho phép nhập khẩu mật ong từ một vài nước nhất định.’
Hoa Kỳ cũng nên có mức thuế nhập khẩu cao hoặc đánh thuế đối với mặt hàng mật ong từ một số quốc gia, chẳng hạn Trung Quốc.
“Trung Quốc là nhà sản xuất mật ong hàng đầu thế giới,” Bryant cho biết . “Họ cần phải xuất đi một lượng lớn mật ong. Tuy nhiên, trước đây họ từng bị cáo buộc “bán phá giá” một số lượng lớn mật ong trên thị trường với giá thấp hơn giá toàn cầu. Việc này gây thiệt hại đối với ngành công nghiệp nuôi ong của Hoa Kỳ, vì vậy Hoa Kỳ đã đánh thuế nhập khẩu cao mật ong Trung Quốc. Sau đó, giá mật ong Trung Quốc bị đội lên nên việc nhập khẩu chựng lại, vì vậy nhà buôn dùng đến mánh lới bán hàng sang nước khác. Một vài trong số các nước này sau đó bán lại cho Hoa Kỳ và tuyên bố rằng mật ong đó được sản xuất tại chính đất nước họ. Đây gọi là “chuyển tàu”, một việc bất hợp pháp và là một vấn đề rất nghiêm trọng.”
Dự luật 622 của thượng viện
Bryant đã tham gia ủng hộ dự luật S-662 của thượng viện, một dự luật tái ủy quyền hải quan. Một trong những điều khoản của dự luật này yêu cầu sử dụng nguồn lực sẵn có của Cục hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ nhằm giải quyết những lo ngại về mật ong, cùng với những cổ vật và bảo vật quốc gia bị buôn lậu. Các mặt hàng này sẽ không được nhập khẩu vào Hoa Kỳ nếu vi phạm luật hải quan Hoa Kỳ. Điều khoản này được đề ra nhằm ngăn chặn tình trạng “chuyển tàu” mật ong bằng cách yêu cầu CBP soạn một cơ sở dữ liệu về đặc điểm riêng của từng loại mật ong nhập khẩu từ đó kiểm tra được nước xuất khẩu mật ong và tiến hành hợp tác với chính phủ nước đó hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu.
CBP cũng được yêu cầu tham khảo ý kiến ngành công nghiệp mật ong để phát triển các tiêu chuẩn công nghiệp cho việc định danh mật ong và trình lên Quốc Hội khả năng kiểm tra, bao gồm cả đề xuất cải tiến. FDA cũng được yêu cầu thành lập tiêu chuẩn quốc gia cho việc định danh mật ong
“Nếu dự luật này được thông qua, bắt buộc người bán phải đảm bảo độ chính xác về thông tin ghi trên nhãn mật ong,” Bryant cho biết. “Hiện nay không có điều luật nào yêu cầu “dán nhãn đúng” cho mật ong. Dự luật mới này sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và giúp những người nuôi ong lấy mật trung thực bán được sản phẩm của mình.”
Ngăn chặn nhập khẩu mật ong giả, rẻ tiền là yếu tố sống còn cho sự tồn tại của người nuôi ong, giáo sư nói, “Nếu không có họ, không có những đàn ong họ nuôi, rất nhiều hoa màu sẽ không được thụ phấn và chúng ta sẽ không có quả và hạt để mà dùng.”
“Nếu người nuôi ong ở Hoa Kỳ thua lỗ, đàn ong và tổ ong sẽ nhanh chóng biến mất dần,” Bryant dám chắc. “Theo đó giá thực phẩm sẽ tăng cao. Kết quả là cam hay táo, những thứ quả được ong thụ phấn, sẽ có giá 5 đô một quả vì số lượng có hạn do cây không được thụ phấn đầy đủ.”
Từ Newswise
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.