Dấu hiệu bất thường đáng nói nhất là chiếc máy bay của Malaysia Airlines chở theo 227 hành khách cùng 12 thành viên phi hành đoàn không phát bất kỳ tín hiệu nào lên vệ tinh trước khi mất tích như các máy bay và tàu biển khác thông thường vẫn thực hiện.
Ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, tín hiệu từ máy bay phát lên vệ tinh được thiết lập tự động, đó là sự định vị với ý nghĩa thông báo về vị trí của máy bay, đặc biệt là trong các tình huống khẩn nguy hoặc có thể sắp lâm nạn. Tuy nhiên, trong trường hợp chuyến bay MAS 370 – B772 của Malaysia Airlines thì không có tín hiệu phát đi và vệ tinh cũng không bắt được thông tin nào về máy bay vào thời điểm mất tín hiệu và cả 1 ngày sau khi máy bay được cho là đã mất tích.
Chiếc máy bay mất tích là Boeing 777-200 – loại máy bay được ghi nhận là hiện đại và có hệ thống an toàn đảm bảo tối ưu nên việc gặp trục trặc kỹ thuật tới mức bất khả kháng chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh là điều khó hiểu. Trong khi đó, cơ trưởng người Malaysia được xem là có nhiều kinh nghiệm lái máy bay. Ông năm nay 53 tuổi, đã làm việc cho hãng hàng không Malaysia từ năm 1982 với số giờ bay tích lũy lên tới hơn 18.000 giờ và cơ phó 27 tuổi cũng người Malaysia có hơn 2.000 giờ bay.
Dòng máy bay B777-200 của Malaysia
Theo lịch trình khai thác, Trung tâm Quản lý bay đường dài (ACC) Hồ Chí Minh đã được thông tin có chuyến bay MAS370 – B772 đi qua vùng kiểm soát trên không phận Việt Nam để làm thủ tục tiếp nhận. Nhưng, trước thời điểm chuyển giao kiểm soát máy bay, tổ bay MAS370 – B772 chưa có liên lạc gì với vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR) – điều mà cơ trưởng các chuyến bay đều phải chủ động thực hiện. ACC Hồ Chí Minh cho hay, trước khi vào vùng kiểm soát của ACC 1 phút bay thì máy bay này mất toàn bộ liên lạc và tín hiệu radar. Điều đó có nghĩa, phía Việt Nam chưa kiểm soát chiếc máy bay này và máy bay mất tín hiệu trước khi đi vào không phận nước ta.
Trước dấu hiệu bất thường này, ACC Hồ Chí Minh chủ động thiết lập liên lạc với tàu bay nhưng không được. ACC Hồ Chí Minh đã thông báo lại với ACC Kuala Lumpur về việc trên. Sau nhiều nỗ lực, ACC Hồ Chí Minh và các cơ quan điều hành bay có liên quan cũng như các tàu bay trong khu vực trách nhiệm vẫn không thiết lập liên lạc được với tàu bay này
Dấu hiệu bất thường khác nằm trong chính hệ thống thông tin báo cáo thời gian bay của chuyến bay MAS370 – B772 từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo Cục Hàng không Việt Nam, chuyến bay MAS370 – B772 cất cánh lúc 16h42 và dự kiến chuyển giao cho FIR Hồ Chí Minh lúc 17h22 (giờ GMT), tức là khoảng 23h30 ngày 7/3 và 0h22 ngày 8/3 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, phía Malaysia lại cho biết máy bay rời Kuala Lumpur lúc 0h41 ngày 8/3 và đã mất tích vào 2h40 sáng (giờ địa phương). Một phát ngôn viên tại sân bay Bắc Kinh (nơi máy bay sẽ hạ cánh) cũng khẳng định sân bay này đã khởi động hệ thống phản ứng khẩn cấp và màn hình hiển thị tại sân bay cho biết chuyến bay “bị chậm”.
Nói như vậy có nghĩa là giờ bay của phía Malaysia báo đi chậm hơn khoảng 1 tiếng so với giờ Việt Nam tiếp nhận kiểm soát bay, và giờ máy bay khởi hành từ Kuala Lumpur là giờ mà đáng lẽ FIR Hồ Chí Minh phải tiếp nhận máy bay để kiểm soát trên không phận Việt Nam rồi, nhưng đằng này Việt Nam lại hoàn toàn mất tín hiệu với máy bay từ trước thời điểm 0h22 ngày 8/3.
Vùng tìm kiếm nghi là máy bay mất tích
Máy bay xuất hiện lần cuối trên màn hình radar tại vị trí 10NM phía Nam Điểm IGARY trong FIR Singapore. Vị trí cuối cùng ở tọa độ 06055’19”N – 103034’28”E. Độ cao bay là F350. Tốc độ bay 480KT. Ở độ cao này, theo phân tích, thì dù bên dưới là địa hình nào, máy bay đều có thể tự động phát tín hiệu định vị lên vệ tinh và tổ lái cũng có đủ thời gian để phát tin báo động, báo nạn trong bất kỳ tình huống nào.
Trong danh sách các nạn nhân tham gia chuyến bay được công bố là có 1 người Áo và 1 người Italia, tuy nhiên nhà chức trách 2 nước này đều khẳng định công dân của mình không có mặt trên chuyến bay.
Nguồn: Dân Trí