Tinh Hoa

Nỗ lực ngoại giao cấp cao cho Ukraine

Các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo gỡ căng thẳng tại Ukraine đang được thúc đẩy, với việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chuẩn bị có các cuộc đàm phán quan trọng tại Paris.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ (phải) và Ngoại trưởng Nga (trái) chuẩn bị gặp nhau tại Paris

Hoa Kỳ muốn các quan sát viên độc lập tới điểm nóng Crimea và có các cuộc đàm phán trực tiếp Kiev – Moscow.

Nga tỏ ra muốn có sự hiện diện nhiều hơn của các khu vực nói tiếng Nga trong chính quyền Kiev.

EU nay đã đề nghị viện trợ 11 tỷ euro (15 tỷ đô la) cho Ukraine.

Chủ tịch Ủy hội Âu châu Jose Manuel Barroso nói gói các khoản vay và viện trợ trong vòng vài năm tới là “nhằm hỗ trợ một chính phủ cam kết theo đường lối cải tổ” tại Kiev.

Bộ Tài chính Ukraine dự đoán nước này cần 35 tỷ đô la để cứu vãn nền kinh tế.

Ông Lavrov được trông đợi sẽ gặp ông Kerry và các lãnh đạo EU bên lề cuộc họp tại Paris về Lebanon, vốn đã được lên kế hoạch tổ chức từ lâu.

Nato và Nga cũng sẽ có các cuộc đối thoại song phương tại Brussels. 

Ngoại trưởng Anh William Hague nói ông “không mấy lạc quan” về những tiến bộ có thể đạt được

Phiên họp Paris được coi như cơ hội thăm dò cho cuộc đối thoại về Ukraine, phóng viên chuyên về quan hệ ngoại giao của BBC, Bridget Kendall nói.

Nhưng Ngoại trưởng Anh William Hague nói Nga đã không xuất hiện trong một cuộc họp với Ukraine tại Paris, cho nên ông “không mấy lạc quan” về tiến bộ sắp tới.

“Nếu chúng ta không thể đạt tiến triển gì, thì sẽ có những cái giá phải trả và có những hậu quả,” ông nói thêm khi nhắc tới mối đe dọa trừng phạt từ Hoa Kỳ và EU.

“Chiều nay, nó sẽ là phép thử về việc Nga liệu có sẵn sàng ngồi xuống với Ukraine hay không.”

Trước đó, ông Lavrov nhấn mạnh sự khác biệt giữa Moscow với các nước phương Tây, cáo buộc các nước này đã đưa ra một ví dụ xẩu khi ủng hộ những người biểu tình, mà một số người trong đó nay đã thành lập chính phủ, trong “cuộc đảo chính có vũ trang”.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Nga sẽ “không cho phép xảy ra tình trạng tắm máu” và nói thêm: “Chúng tôi sẽ không cho phép có những nỗ lực nhắm vào sinh mạng và sự an nguy của những người sống tại Ukraine và các công dân Nga sống tại Ukraine.”

Ông Lavrov, phát biểu tại Madrid sau các cuộc trao đổi với ngoại trưởng Tây Ban Nha, cũng nói rằng người dân Ukraine và Crimea có quyền quyết định việc có muốn có các giám sát viên quốc tế hay không.

Tổ chức An ninh Hợp tác Âu châu (OSCE) sau đó xác nhận đã gửi 35 giám sát viên quân sự không vũ trang từ 18 nước châu Âu tới Ukraine theo yêu cầu của Kiev. Không rõ những người này có được triển khai tới Crimea hay không.

Ông Lavrov cũng nói Moscow không có quyền xóa bỏ cái mà Nga gọi là “các lực lượng phòng vệ” hiện đang canh gác các địa điểm chính tại Crimea và nói đó không phải là lính Nga.

Các quân nhân thuộc Hạm đội Hắc Hải của Nga, vốn đóng tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea, vẫn đang đóng tại các vị trí thông thường, ông nói thêm.

Theo BBC