Những người lính Nam Phi ngủ trong các túp lều, trốn những con sử tử hung hãn bằng bóng tối và vũ trang bằng súng để ngăn chặn những kẻ săn trộm tê giác.
Binh sĩ Nam Phi được triển khai tại công viên quốc gia Kruger từ tháng 4 để bảo vệ vùng biên giới với Mozambique, nơi những kẻ săn trộm có tổ chức, được vũ trang hiện đại đang thực hiện các cuộc tàn sát tê giác với số lượng kỷ lục, nhằm bán cho các chợ đen ở châu Á làm thuốc kiếm lời.
“Không phải là một kẻ săn trộm đang đi kiếm thịt tê giác, cũng không phải chỉ có một tên xuất hiện với những cái bẫy và phi tiêu cùng súng săn”, Ken Maggs, một điều tra viên hàng đầu về tội phạm môi trường của công viên nói. “Y đã chuẩn bị để chiến đấu. Do đó, chiến thuật mà chúng tôi triển khai tại đây bao gồm cả quân sự và bán quân sự”.
Binh lính Nam Phi được triển khai tại công viên quốc gia Kruger để ngăn chặn nạn săn trộm tê giác. Ảnh: AFP |
Những kẻ săn trộm vượt biên từ Mozambique với kính nhìn ban đêm, súng AK-47, súng săn và có khi là cả lựu đạn. Di chuyển trong màn đêm, chúng viết nguệch ngoạc trên cát những lời cảnh báo với lực lượng kiểm lâm.
Các cuộc tuần tra của quân đội là bước đầu tiên trong việc phòng thủ. Cùng với một kiểm lâm của công viên, họ đi xuyên qua những bụi cây rừng từ sáng sớm, cảnh giác với sự đe dọa từ cả thú ăn thịt và lâm tặc.
Có khi, một nhóm sư tử xuất hiện cách khu trại của họ chỉ 100 m. Nhưng mối đe dọa từ những kẻ săn trộm còn nguy hiểm hơn, bởi chúng không do dự nã súng vào các nhân viên tuần tra, bất chấp hậu quả có thể là tính mạng của chính những kẻ săn trộm. 15 tên đã bị hạ sát trong năm nay tại Kruger, 9 tên bị thương và 64 tên bị bắt giữ. Các biện pháp răn đe dường như vẫn còn phát huy hiệu quả.
Tháng ba là tháng có số lượng tê giác bị giết cao nhất trong lịch sử Kruger, với 40 con bị giết lấy sừng. Từ khi quân đội được triển khai, số lượng này đã giảm đi dần, còn 30 con vào tháng tư, 15 con vào tháng 5 và chỉ hai con vào tháng 6. Đây là dấu hiệu cho thấy sự cải thiện đầu tiên kể từ năm 2007, khi 13 con tê giác bị săn trộm tại Nam Phi.
Tuy nhiên thành tích mà công viên đạt được sẽ chỉ giải quyết một phần của vấn đề, khi nhu cầu sử dụng sừng tê giác để làm thuốc chữa đủ loại bệnh từ chảy máu cam đến sốt, đang tăng lên tại châu Á, nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam.
“Cuộc khủng hoảng săn bắn trộm lại tăng lên gần đây khi sừng tê giác được sử dụng với mục đích mới là chữa ung thư tại Việt Nam”, Alona Rivord, phát ngôn viên của tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF nói.
Sừng tê giác được tạo ra từ chất sừng, giống như móng tay của con người, và không có giá trị y học nào cả. Trung Quốc đã ban hành luật cấm sử dụng tê giác trong y học nhưng việc thi hành còn rất lỏng lẻo.
Hiện ở Nam Phi còn 21.000 con tê giác, chiếm 70% số lượng tê giác toàn thế giới. Ảnh: AFP |
Giá cả cao tại châu Á cũng dẫn đến một vấn đề phức tạp hơn: săn bắn tê giác hợp pháp nhằm xuất khẩu sừng sang thị trường chợ đen. Tê giác đen bị đe dọa cao nhất và có nguy cơ tuyệt chủng với chỉ 4.838 con còn tồn tại trên thế giới. Tê giác trắng có số lượng lớn hơn là 17.480 con. Chúng được săn bắn hợp pháp tại Nam Phi, với giấy phép giá 50 rand, tương đương 7,5 USD.
Mỗi thợ săn chỉ được quyền giết một con tê giác mỗi năm nhưng tháng trước, cảnh sát Nam Phi đã bắt được một lâm tặc người Thái buôn lậu đến 40 sừng tê giác nhờ các giấy phép săn bắn. Y cho biết đã trả tiền cho bạn bè và thậm chí các gái mại dâm để họ làm thợ săn và hợp tác với một thương nhân buôn bán động vật hoang dã Nam Phi, mua lại tê giác ở các buổi đấu giá, sau đó đưa chúng về trang trại và giết. Giá mỗi kilogram sừng tê giác có giá 55.000 USD.
Anh Ngọc (theo AFP)