Tinh Hoa

TTCK Nga mất 60 tỷ USD một ngày vì bất ổn tại Ukraine

Chỉ riêng trong ngày đầu tuần (3/3), thị trường chứng khoán Nga đã chứng kiến một phiên lao dốc mạnh, tới 11,3%, khiến gần 60 tỷ USD giá trị vốn hóa của các công ty bị thổi bay khỏi thị trường, trong bối cảnh căng thẳng với quốc gia láng giềng Ukraine leo thang.
Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu tại thị trường Nga trong ngày thứ Hai trước lo ngại phương Tây có thể áp đặt các lệnh cấm vận, nhằm trừng phạt việc Tổng thống Vladimir Putin quyết định đưa quân vào Ukraine.

Bảng điện tử bên ngoài một điểm đổi tiền tại Moscow ngày 3/3, cho thấy đồng Rúp mất giá mạnh so với USD

Hoạt động bán tháo mạnh khiến ngân hàng trung ương Nga phải có hành động mạnh mẽ, nhằm ổn định tình hình. Trong bối cảnh đồng nội tệ rớt giá chóng mặt so với Euro và USD, cơ quan này đã phải tăng lãi suất thêm 1,5 điểm %, lên mức 7%. Bên cạnh đó ngân hàng trung ương Nga cũng phải tung ra 10 tỷ USD từ kho dự trữ ngoại hối để kìm đà lao dốc của đồng rúp.

Chỉ số Micex của thị trường chứng khoán Nga ngày 3/3 đã có thời điểm mất tới 13,5% so với phiên trước đó, trước khi đóng cửa với mức sụt giảm 11,3%. Tổng cộng gần 58,4 tỷ USD giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết bị quét sạch chỉ trong một ngày. Đây là phiên thứ năm chỉ số Micex đi xuống và là đợt giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 11/2008.

Toàn bộ các mã bluechip trên sàn chứng khoán Nga, trong đó có đại gia khí đốt Gazprom, tập đoàn sở hữu đường ống dẫn sang Tây Âu qua Ukraine đã sụt giảm mạnh 14%. Cổ phiếu của OAO Mechel (MTLR), nhà cung cấp than cốc lớn nhất của Nga, thì rơi tự do tới 23%, xuống mức thấp kỷ lục.

Lợi tức trái phiếu chính phủ Nga kỳ hạn 10 năm hiện đã lên tới 9%, tăng mạnh so với mức 8,1% khi đóng cửa phiên thứ Sáu tuần trước. Điều này rõ ràng phản ánh sự lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng khủng hoảng leo thang, ngay cả khi chưa có cuộc đụng độ nào giữa binh sỹ Ukraine và Nga.

Còn tại Kiev, chỉ số UX của Ukraine cũng “bốc hơi” mất 12%, và là phiên giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 8/2011. Lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm niêm yết bằng đồng USD của nước này đứng tại 10,33%, sau khi đã tăng hơn 1 điểm % từ mức đóng cửa ngày thứ Sáu. Lợi tức trái phiếu chính phủ Ukraine đến hạn năm 2014 thì tăng vọt 17 điểm %, lên 43%. Trong khi đó đồng nội tệ hryvnia của nước này đã mất giá khoảng 22% so với đầu năm.

Trong ngày 2/3, Ukraine đã ban bố lệnh tổng động viên quân đội trong bối cảnh các tay súng có vũ trang bao vây các điểm đóng quân quanh khu vực biển Đen trên bán đảo Crimea, nơi người nói tiếng Nga chiếm đa số. Khu vực này đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng Ukraine, sau những cuộc biểu tình đẫm máu khiến Tổng thống Viktor Yanukovych phải ra đi.

Hoạt động bán tháo trên thị trường Nga diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển G7, đã có một tuyên bố chung “lên án Liên bang Nga về sự vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ tại Ukraine”. Trong ngày Chủ nhật, các quốc gia G7 cũng đã hủy các cuộc họp trù bị cho hội nghị thượng đỉnh G8, dự kiến diễn ra tại Sochi, Nga tháng 6 tới. Nước chủ nhà chính là thành viên thứ 8 trong nhóm này.

Ngôn từ mạnh mẽ trong tuyên bố của G7 cho thấy các nước phương Tây có thể đang chuẩn bị ban bố các lệnh cấm vận chống lại Nga, cho dù đến nay chưa có kế hoạch chính thức nào được công bố.

Theo đánh giá của ngân hàng Société Générale “các sự kiện cuối tuần qua sẽ kéo theo nhiều bất ổn và rủi ro trong khi một giải pháp ngoại giao được tìm kiếm…dòng vốn tháo chạy trên quy mô rộng hơn khỏi Nga sẽ là một rủi ro.

Nga ít có khả năng rút lại sự ủng hộ họ dành cho chính quyền tại vùng Crimea. Tầm quan trọng của Ukraine với tư cách một tuyến trong hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu, và tại điểm nơi Nga và EU gặp nhau, khiến việc bất kỳ bên nào rút lui một cách dễ dàng là khó xảy ra, nhưng đồng thời đem đến nhiều sáng kiến cho một giải pháp ngoại giao”.

Các nhà kinh tế thì không tin rằng khủng hoảng Ukraine có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn diện đối với thị trường mới nổi, do quy mô nhỏ của nền kinh tế nước này, khi đóng góp chỉ 0,2% vào GDP toàn cầu. Dù vậy, một số quốc gia, nhất là Nga và Ba Lan, có mối quan hệ thương mại đáng kể với Ukraine, và Nga có quyền năng vô cùng lớn tới nguồn cung cấp năng lượng cho Ukraine.

Theo tờ Financial Times, cuối tuần qua, Moscow đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể sử dụng việc xuất khẩu khí đốt để gây áp lực lên chính phủ tạm quyền tại Kiev. Gazprom, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất thế giới, đã úp mở khả năng tăng giá bán khí đốt cho Ukraine.

Theo Thanh Tùng

Dân Trí