Tư lệnh vừa được bổ nhiệm của hải quân Ukraine đã thề trung thành với khu tự trị Crimea trước mặt lãnh đạo thân Nga của khu vực này vốn không được chính quyền trung ương thừa nhận.
Chuẩn đô đốc Berezovsky đào tẩu khi vừa được bổ nhiệm (Ảnh RT)
Chuẩn đô đốc Denys Berezovsky được bổ nhiệm là tư lệnh hải quân hôm 1/3 trong một động thái phản ứng của chính quyền Kiev trước mối đe dọa xâm lược từ Nga.
Các lãnh đạo lâm thời của Ukraine đã ra lệnh điều tra ông này về “tội phản quốc”.
‘Kháng lệnh Kiev’
Chuẩn đô đốc Berezovsky xuất hiện trước ống kính truyền hình ở thành phố cảng Sevastopol bên cạnh ông Sergiy Aksyonov, chính trị gia thân Nga được Quốc hội Crimea bầu làm thủ tướng.
Ông Aksyonov tuyên bố rằng ông đã ra lệnh cho các lực lượng hải quân Ukraine trên bán đảo Crimea bất tuân bất cứ quân lệnh nào từ chính quyền ở Kiev mà ông cho là ‘tự phong’.
Ngày 2/3, theo ông này, sẽ đi vào lịch sử như là ngày ra đời của ‘hải quân nước Cộng hòa tự trị Crimea’.
Ông thề ‘tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của lãnh đạo tối cao của Cộng hòa tự trị Crimea’ và ‘bảo vệ cuộc sống và tự do’ của người dân Crimea.
Ngay sau đó, Berezovsky đã bị Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời Ihor Tenyukh cách chức và bị điều tra về tội phản quốc.
Nhật báo Pravda Ukrainska tường thuật vị đô đốc này phát biểu trước ‘một rừng ống kính của đa số là các đài truyền hình Nga’.
Trước đó, các sỹ quan hải quân Ukraine đã phát hiện trụ sở của họ ở Sevastopol đã bị quân Nga chiếm đóng và do đó họ không thể hoạt động.
Trong một diễn biến riêng rẽ, Ukraine đã rút các tàu tuần duyên ra khỏi hai cảng ở Crimea và chuyển đến các căn cứ khác ở Biển Đen và Biển Azov hôm 2/3.
Người dân Ukraine bất bình trước hành động quân sự của Nga
Hai vụ nổ đã xảy ra ở Simferopol, thủ phủ của Crimea vào tối ngày 2/3 nhưng không rõ nguyên do.
Cũng có những tin tức chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội rằng quân đội Nga đang tìm cách chiếm một căn cứ quân sự khác của Ukraine ở sân bay quân sự ở Sevastopol.
Một số căn cứ quân sự Ukraine đã bị quân Nga bao vây hôm 2/3 nhưng không có tin tức gì về giao tranh mặc dù binh lính Ukraine từ chối mở cửa.
Ukraine đã ra lệnh tổng động viên trước việc Nga động binh trên bán đảo Crimea. Thủ tướng lâm thời Arseniy Yatsenyuk nói rằng đất nước của ông ‘đang trên bờ vực khủng hoảng’.
Tẩy chay Thượng đỉnh G8
Trong lúc này, ông Fogh Rasmussen, tổng thư ký Nato, đã yêu cầu Nga rút lực lượng trở lại căn cứ.
“Chúng tôi kêu gọi Nga là giảm căng thẳng… lui quân trở lại căn cứ và kiềm chế không có hành động can thiệp ở bất cứ nơi nào khác trên lãnh thổ Ukraine,” ông Rasmussen phát biểu ở Brussels.
Ông nói thêm rằng Ukraine là một ‘đối tác quý giá’ của Nato và phải được quyền quyết định tương lai của chính mình.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ đến Kiev vào thứ Ba ngày 4/3, các quan chức nước này cho biết. Ông đã cảnh báo rằng Nga sẽ bị trục xuất khỏi nhóm G8 nhưng Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì nói vẫn nên duy trì tư cách thành viên G8 cho Nga.
“G8 thật ra là cơ chế duy nhất mà các nước phương Tây chúng ta có thể nói chuyện trực tiếp với người Nga,” ông Steinmeier phát biểu trên Đài ARD.
Trong khi đó, Anh là nước mới nhất tẩy chay các hội nghị trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra ở Sochi, Nga vào tháng Sáu sau các nước Mỹ, Pháp và Canada.
Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 2/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã biện hộ cho quyết định của minh với lý do rằng ‘những lực lượng dân tộc cực đoan’ ở Ukraine đang đặt ra một mối đe dọa bạo lực không dứt đối với công dân Nga và toàn bộ những người nói tiếng Nga’.
Berlin cho biết ông Putin đã nói với bà Merkel rằng ông đồng ý thiết lập một ‘nhóm tiếp xúc’ để đối thoại với chính phủ mới ở Ukraine.
Còn ở Moscow, hàng ngàn người đã tuần hành ủng hộ hành động quân sự trong lúc cảnh sát giải tán các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở quy mô nhỏ.
Yury Shevchuk, một cựu ca sỹ nhạc rock, đã lên án ‘những kẻ cực đoan hiếu chiến’ ở cả hai phía.
Theo BBC/RT/Youtube