Chàng sinh viên Cody O’Neil cuả Đại Học Princeton đã làm chuyến hành trình đến Chile để thực hành phương thức chụp thiên văn với nguồn kinh phí lấy từ Giải thưởng mùa hè Martin A. Dale lần thứ 53, trị giá 4000 Đô la. Giải thưởng được trao cho một số sinh viên đang theo đuổi các dự án độc lập không liên quan đến các môn học trong trường.
Hè năm ngoái, chàng sinh viên năm thứ ba của trường đại học Princeton – Cody O’Neil đã có cơ hội theo đuổi một trong những niềm đam mê của mình, là chụp ảnh các vì sao. Anh đã đến Nam Mỹ theo chương trình tài trợ của Giải Martin A. Dale Mùa Hè lần thứ 53 với khoản trợ cấp 4000 USD dành cho một số ít các sinh viên nhằm giúp họ theo đuổi dự án độc lập không liên quan tới khóa học thuật.
O’Neil từng học lịch sử tư tưởng và triết học Đức tại Đức và hiện đang theo đuổi chứng chỉ về nghiên cứu hành tinh và sự sống. Anh chọn Chile làm điểm nghiên cứu. Với sự giúp đỡ của Gáspár Bakos – phụ tá giáo sư ngành vật lý thiên văn thuộc Princeton, O’Neil nhận được sự hỗ trợ từ các nhà thiên văn tại Chile trong suốt thời gian anh ở đây.
Video dưới đây mô tả lại trải nghiệm của O’Neil khi anh thực hiện bộ ảnh của mình.
“Nhiếp ảnh thiên văn”’
O’Neil, đến từ Kelowna, British Columbia, Canada cho biết: “Chile được cho là nơi có bầu trời tốt nhất hành tinh. Thời tiết cực kỳ khô ráo khiến các quan sát ít bị gián đoạn bởi mây. Vào những ngày bình thường bạn có thể chụp hình bầu trời đêm rất rõ ràng”. Trong thời gian ở đây, O’Neil sống cùng một gia đình ở một thị trấn nhỏ bên bờ biển, điều này cho phép anh trải nghiệm nền văn hóa bản địa. O’Neil chia sẻ: “Được trải nghiệm đời sống thực tế của người Chile hàng ngày, như việc mỗi ngày được ăn hải sản từ bến cảng địa phương hay tận hưởng nền văn hóa bản địa bên bàn ăn trưa, thực sự khiến thời điểm chia tay trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Không những phải từ giã bầu trời, mà còn phải chia tay cả gia đình mà tôi đã trở nên rất gần gũi trong suốt thời gian ở đó”.
Dự án này khiến O’Neil nhận ra mối tương quan giữa hai niềm đam mê của anh, triết học và thiên văn học, giúp anh khai mở một “ý thức vũ trụ”.
“Chuyến đi này đã thực sự đưa tôi đến gần hơn với các vì sao theo một cách nào đó. Thông qua việc chụp hình, tìm hiểu về các vì sao và ghi chép lại cuộc hành trình, bằng cách nào đó, nó dường như khiến tôi nhận ra sự kết nối của bản thân như là một thành viên của trái đất nhưng đồng thời cũng là một phần của vũ trụ”, O’Neil nói.
Thành quả của cuộc hành trình là cuốn sách với tựa đề “Chụp ảnh Vũ trụ: Hành trình nhiếp ảnh thiên văn tại Chile”, bao gồm bộ sưu tập ảnh cùng với các kiến thức do O’Neil phát hiện.
“Một trong những điều tuyệt nhất ở dự án này, đặc biệt về mặt nhiếp ảnh thiên văn, đó là nó mở ra cái nhìn về tính liên ngành. Nó buộc tôi phải xem xét về sự kết nối giữa các ngành học khác nhau, khi triết học hòa hợp với thiên văn học, với sợi dây nghệ thuật của riêng nó thông qua nhiếp ảnh.”
Thông tin được cung cấp bởi Văn phòng Truyền thông đại học Princeton.
Link gốc: http://vietdaikynguyen.com/v3/tech-science/video-dac-sac……
Xem bản tiếng Anh tại đây
Nguồn Việt Đại Kỷ Nguyên