Tinh Hoa

Những trang bị để điện thoại chụp ảnh đẹp

Phần cứng gồm kích thước cảm biến, độ phân giải của camera cộng với phần mềm xử lý là những yếu tố tạo nên một chiếc camera chụp ảnh tốt.
Smartphone với camera cải tiến, nhấn mạnh vào chụp ảnh ngày càng phổ biến. Nếu như trước đây, máy ảnh là thứ không thể thiếu trong các chuyến đi thì hiện điện thoại đã có thể thay thế được.

Tuy nhiên, để chọn cho mình một chiếc điện thoại chụp ảnh đẹp, nhiều người lại khá mơ hồ khi chỉ quan tâm đến số “chấm”. Thực tế cho thấy, số megapixel trên smartphone chỉ ảnh hưởng đến độ lớn của bức hình khi in. Dưới đây là một số yếu tố cấu thành một chiếc di động chụp hình tốt.

Cấu hình phần cứng

Nokia Lumia 1020 có độ phân giải cao, ảnh nặng, nhưng tốc độ xử lý vừa phải làm cho máy chậm. Ảnh: Gadget.

  Một chiếc smartphone chụp ảnh dù đẹp đến mấy thì vẫn cần một cấu hình xử lý mạnh mẽ. Chúng phải xử lý và xuất được ảnh trước khi tiếp tục chụp tấm tiếp theo. Quá trình này nếu trên smartphone yếu, sẽ gây khó chịu cho người dùng. Vì vậy, một chiếc smartphone hoàn hảo cho việc chụp ảnh nên sở hữu cấu hình mạnh.

Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là hai chiếc Lumia 1020 và Lumia 1520. Dù Lumia 1020 có độ phân giải và chất lượng ảnh nhỉnh hơn, nhưng tốc độ xử lý giữa các lần chụp trên máy lại chậm so với 1520.

Ngoài ra, cấu hình cao cũng giúp cho chất lượng hình ảnh được cải thiện như giảm thiểu độ nhiễu, các thuật toán hình ảnh phức tạp sẽ được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn.

Kích cỡ cảm biến

Đây là khái niệm không mới nhưng chỉ thật sự được quan tâm trong vài năm trở lại đây. Những năm trước, di động thường có cảm biến nhỏ. Tuy nhiên, hiện một số smartphone tốt đã có cảm biến ngang camera du lịch.

Kích thước cảm biến đóng vai trò quan trọng với khả năng thu hút ánh sáng cho ảnh chụp. Bên cạnh đó, kích cỡ từng điểm ảnh càng lớn giúp cho tổng thể cảm biến ảnh nhận được nhiều ánh sáng hơn. Nhờ vậy, độ nhiễu của ảnh sẽ giảm bớt và tốc độ chụp vào ban đêm sẽ được cải thiện phần nào. Tốc độ chụp nhanh hơn sẽ giúp giảm thiểu trường hợp ảnh bị rung, mờ.

Để đảm bảo chất lượng ảnh chụp ở mức hoàn thiện nhất, nhiều thương hiệu smartphone thường lựa chọn giữa chỉ tăng kích thước cảm biến, hy sinh độ phân giải (tăng độ sáng cho ảnh) hay tăng độ phân giải lên rất cao (cải thiện độ chi tiết, dễ crop ảnh về sau). Cá biệt, có dòng sản phẩm còn sở hữu cả cảm biến kích thước lớn cùng độ phân giải cao nhưng lại không giữ được độ mỏng cho máy (trường hợp của Lumia 1020). Để trung hòa giữa hai yếu tố này, Elife E7, chiếc smartphone sắp ra mắt tại Việt Nam được cân bằng giữa độ phân giải 16 “chấm” và kích thước cảm biến đạt 1,34 μm (micromet).

Phần mềm, ứng dụng

Các nền tảng hệ điều hành đều có những ứng dụng chuyên biệt cho việc chụp ảnh với ưu, nhược riêng. Lumia của Nokia được tích hợp bộ ứng dụng chụp ảnh do chính hãng phát triển với khả năng chỉnh sửa thông số bằng tay. iPhone ghi điểm nhờ khả năng chụp tự động xuất sắc, dễ sử dụng với bất kỳ ai.

Bên cạnh đó, người dùng Android và iOS cũng được ưu ái hơn nền tảng Windows Phone khi mà có hàng nghìn ứng dụng chỉnh sửa, chụp ảnh thú vị có mặt trên gian ứng dụng của hai hệ điều hành này. Với một số smartphone Android ra mắt gần đây, một số nhà sản xuất còn tích hợp thêm các tiện ích thú vị như làm đẹp da mặt, trang điểm, chụp nhiều ảnh để lấy khoảnh khắc đẹp nhất, kích hoạt tính năng chụp bằng giọng nói… Bên cạnh đó, Nokia với bộ ứng dụng của riêng mình trên Windows Phone cũng bao gồm một số tính năng độc đáo như chụp ảnh động, chụp nhiều chuyển động thành một tấm…

Độ phân giải

Đây là một trong những tiêu chí hàng đầu để lựa chọn smartphone đối với nhiều người dùng phổ thông. Trên thực tế, độ phân giải cao chỉ phù hợp cho những người chơi nhiếp ảnh hay những người dùng muốn in ra khổ lớn.

Độ phân giải quá cao sẽ khiến cho cảm biến lớn, dẫn tới kích thước máy khó có thể đạt được độ mỏng như ý muốn. Một nhược điểm khác của việc nâng độ phân giải là kích thước từng điểm ảnh trên cảm biến ảnh sẽ nhỏ hơn, làm giảm đi khả năng thu ánh sáng. Đây là một điểm trừ rất lớn cho người dùng có sở thích chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng.

Một ví dụ tiêu biểu cho việc hy sinh độ phân giải, tăng kích thước cảm biến để máy chụp tốt hơn trong điều kiện tối trời là mẫu HTC One. Với công nghệ độc quyền UltraPixel, camera của chiếc máy này chỉ có độ phân giải là 4 MP, nhưng nhờ vậy khả năng chụp đêm khá hơn nhiều sản phẩm đi trước.

Trên thực tế, độ phân giải phù hợp trên một chiếc smartphone hiện đại không nên vượt quá con số 16 MP, vừa đủ độ chi tiết và cũng tiết kiệm dung lượng bộ nhớ, tăng tốc độ xử lý ảnh.

Tính năng khác   Bên cạnh những yếu tố trên, một số tính năng phụ trợ khác cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng ảnh chụp. Một số thiết bị đời mới như Lumia 1020 hay LG G2 được trang bị cảm biến có tích hợp khả năng chống rung quang học. Cụ thể hơn, cảm biến ảnh trên những chiếc máy này có thể di chuyển nhẹ theo ngược chiều rung động của máy. Nhờ vậy, ảnh chụp sẽ bớt hẳn tình trạng rung mờ đối với người dùng hay bị rung tay hay chụp ảnh tối trời.   Khẩu độ và chất lượng thấu kính cũng là những điểm đáng lưu tâm khác. Với khẩu độ (độ mở ống kính) ngày càng lớn, smartphone có khả năng thu nhận nhiều ánh sáng hơn. Mặt khác, tính năng chụp ảnh “xoá phông” (làm mờ hậu cảnh) cũng phụ thuộc nhiều vào khẩu độ của máy ảnh. Phong cách chụp này giúp cho đối tượng chụp được nhấn mạnh hơn, tạo được sự tập trung nơi người xem. Bên cạnh đó, chất lượng và số lượng thấu kính cũng ảnh hưởng đến độ rõ nét và chi tiết.   Theo Kiên Kiên (Zing.vn)