Tinh Hoa

Đụng độ đẫm máu tại Bangkok

Một cảnh sát và một thường dân thiệt mạng, nhiều người khác bị thương trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát Thái Lan với người biểu tình tại trung tâm Bangkok.

Nhiều cảnh sát viên và người biểu tình đã bị thương trong cuộc đụng độ ngày 18/2

Cảnh sát đã tìm cách tái chiếm các tòa nhà chính phủ cũng như những khu vực bị người biểu tình phong tỏa.

Trước đó, vào sáng thứ Ba 18/2, lực lượng này cũng đã bắt giữ khoảng 100 người biểu tình đang trấn thủ bên ngoài trụ sở Bộ Năng Lượng.

Thái Lan đã rơi vào khủng hoảng chính trị kể từ khi những người biểu tình chống chính phủ bắt đầu xuống đường hồi tháng 11 năm 2013.

Những người biểu tình đã phong tỏa các tòa nhà chính phủ nhiều tháng qua và đòi chính phủ phải giải thể.

Hồi tuần trước, chính phủ Thái Lan đã tuyên bố muốn tái chiếm tất cả những tòa nhà bị chiếm đóng.

Tòa nhà Chính phủ, văn phòng của thủ tướng Thái Lan, là một trong những nơi tụ tập chính của người biểu tình.

Hàng nghìn người đã tụ tập trước tòa nhà này hôm 17/2 và đổ xi măng bít kín lối vào để ngăn các quan chức chính phủ quay trở lại làm việc.

Sáng 18/2, cảnh sát đã bắt đầu đàm phán với những người biểu tình, vốn đang tụ tập với số lượng ngày càng lớn để bảo vệ những khu vực biểu tình.

 

Tuy nhiên, bạo lực sau đó đã nổ ra tại trung tâm Bangkok. Cảnh sát cho biết một nhân viên của họ đã bị bắn chết. Tiếng súng cũng được nghe thấy khắp nơi tại thủ đô, dù không rõ là từ phe nào.

Bệnh viện Erawan tại Bangkok cho biết hơn 40 người đã bị thương, dù không nói rõ bao nhiêu trong số này là cảnh sát và người biểu tình.

Một số nguồn tin cũng nói nhiều nhân viên cảnh sát đã bị thương vì bị trúng mảnh vỡ từ các vụ nổ bom.

‘Kẻ thù của nhân dân’

Cho đến nay, cảnh sát vẫn tỏ ra do dự trong việc sử dụng bạo lực nhằm trấn áp biểu tình. Lực lượng này trước đó đã cho phép người biểu tình được tiến vào bên trong các tòa nhà chính phủ trong một động thái nhằm giảm căng thẳng.

Những người biểu tình chống chính phủ muốn Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức. Họ cho rằng bà đang bị anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang sống lưu vong, chi phối.

Những người này cũng muốn chính phủ của bà Yingluck bị thay thế bởi một “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử dân chủ.

Hôm 18/2, lãnh đạo phong trào biểu tình, cựu chính trị gia đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban, nói với cảnh sát: “Chúng tôi không chiến đấu để giành quyền lực cho chính mình.”

“Cuộc cải cách mà chúng tôi đã khơi mào sẽ mang lại lợi ích cho cả con cháu của các bạn. Kẻ thù duy nhất của chúng ta là chính quyền Thaksin.”

Bà Yingluck, người đắc cử vào năm 2011 với sự ủng hộ mạnh mẽ từ những khu vực nông thôn, đã đáp lại yêu sách từ những người biểu tình bắng cách tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2/2.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử lại bị phe đối lập tẩy chay và có 10% trong số các địa điểm bỏ phiếu bị người biểu tình quấy nhiễu, đồng nghĩa với việc một cuộc bầu cử bổ sung sẽ phải diễn ra vào tháng Tư trước khi một chính phủ mới có thể được thành lập.

Theo BBC