Tại một góc phố nhộn nhịp gần trung tâm Thượng Hải, nhiều người tránh xa quầy bánh bao nóng của người bán rong bên đường, mà chọn mua những gói bánh đông đá trong siêu thị cạnh đó.
Một người bán bánh bao ở Thượng Hải. Ảnh: NYT. |
Họ mắc sai lầm lớn: bánh bao bán rong của Zhu Qinghe mềm, mới và ngon. Zhu nói chúng được làm hàng ngày vào lúc 3h sáng. Trong khi đó bánh của siêu thị nhập của một xưởng nơi người ta tái chế những chiếc bánh quá hạn. Công nhân làm việc tại đó ném đống bánh cũ vào thùng lớn chứa nước nóng và bột mì rồi lại đóng gói như bánh mới.
Đã hai năm kể từ khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của nước này sau scandal sữa nhiễm melamine làm 300.000 em bé ốm và cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 trẻ. Kể từ đó, giới chức nước này đã cảnh cáo, đột kích và bắt giữ nhiều người chế biến thực phẩm bẩn và thậm chí xử tử hai người.
Tuy nhiên, hàng loạt vụ ầm ĩ liên quan đến an toàn thực phẩm, từ những chiếc bánh bao tái chế cho đến thịt lợn bẩn, cho thấy nỗ lực của chính quyền vẫn chưa đủ. Dù cố gắng đưa ra các quy chuẩn an toàn thực phẩm hiện đại, sự lơ là quản lý cùng với đội ngũ cán bộ thực thi không được trang bị và đào tạo đầy đủ vẫn là vấn đề lớn.
“Hầu hết các cán bộ này làm việc không chuyên nghiệp. Họ không có khái niệm gì về những bệnh nguy hiểm liên quan đến thực phẩm cũng như những nguy cơ nhiễm bẩn trong quá trình chế biến thực phẩm”, tiến sĩ Peter Ben Embarek, chuyên gia về an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế thế giới, bình luận.
Mấy tuần qua, báo chí Trung Quốc liên tục đưa tin về thịt lợn nhiễm chất độc clenbuterol hay còn gọi là chất bột thịt nạc; thịt lợn được làm giả thịt bò bằng cách nhúng vào một loại chất phụ gia có tính chất tẩy màu; gạo nhiễm cadimi, một kim loại nặng có độc tính nguy hiểm hơn cả chì; nước tương có thạch tín; bỏng ngô và nấm được tẩy màu bằng thuốc tẩy chứa huỳnh quang; giá đỗ nhiễm thuốc trừ sâu và rượu chứa hóa chất. Thậm chí trứng gia cầm, vốn được bọc trong lớp vỏ kín, hóa ra cũng có thể làm giả từ hóa chất, galetin và paraffin.
Những scandal này đang lan tràn bởi các nhà sản xuất dễ dàng mua được chất phụ gia giá rẻ ở mọi nơi. Họ tính toán rằng lợi nhuận từ quá trình chế biến không an toàn vượt xa số tiền phải bị phạt nếu chẳng may bị bắt. Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc tạo ra nửa triệu cơ sở chế biến thực phẩm và 80% trong số này chỉ thuê chưa đầy 10 nhân công. Quy mô nhỏ như vậy khiến việc quản lý chất lượng khó khăn hơn.
“Giờ đây ăn gì cũng không an toàn. Người ta không biết chọn gì để ăn và thực sự cảm thấy vô vọng”, Sang Liwei, người đứng đầu văn phòng của Diễn đàn an toàn thực phẩm toàn cầu tại Bắc Kinh, bình luận.
Người tiêu dùng Trung Quốc thuộc lớp trung lưu và có học đang tăng lên. Chính những người này cảm thấy nản vì cảm giác không được bảo vệ. Thậm chí những quan chức cấp cao cũng bối rối.
“Tất cả những vụ lùm xùm về an toàn thực phẩm đủ để thấy rằng sự thiếu dứt khoát và suy đồi đạo đức ngày càng trở nên nghiêm trọng”, tờ China Daily dẫn lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu trước các quan chức chính phủ Trung Quốc tháng trước.
“Chúng ta cảm thấy thực sự xấu hổ. Khi người dân mới bắt đầu đủ ăn thôi đã phải đối phó với vấn đề an toàn thực phẩm. Thật sự là đáng xấu hổ, rất xấu hổ cho chúng ta”, Phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nói.
Những nỗ lực của chính phủ nước này thực tế đạt được một số tiến triển. Trung Quốc áp dụng luật an toàn thực phẩm năm 2009 và áp dụng hàng trăm tiêu chuẩn quốc tế. Gần một nửa số các công ty sữa nước này bị yêu cầu ngừng sản xuất vì không đạt chuẩn.
“Tình hình đang được cải thiện. Thực tế không tệ như người ta nghĩ”, Luo Yunbo, trưởng khoa thực phẩm thuộc Đại học nông nghiệp Trung Hoa tại Bắc Kinh, nhận định.
Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Chen Zhu cho rằng nước này không có đủ nhân viên chức năng và có chưa đầy một thanh tra thực phẩm cho trung bình khoảng 10.000 dân. Thay vì xác định các nguy cơ mất an toàn thực phẩm và buộc các nhà sản xuất chứng minh rằng họ đã loại trừ được các nguy cơ đó, Trung Quốc áp dụng biện pháp kém hiệu quả hơn nhiều là lấy mẫu thực phẩm ngẫu nhiên và mang đi thử.
Một số mặt hàng thực phẩm tại Trung Quốc không được quản lý. Hai phần ba số thịt mà người dân nước này tiêu thụ là thịt lợn nhưng chỉ một nửa số cơ sở giết mổ được kiểm tra. Theo tiến sĩ Ben Embarek, sự lơ là kiểm soát còn bắt nguồn từ sự chồng chéo của các cơ quan cấp bộ. Ví dụ Bộ Thương mại giám sát hoạt động giết mổ lợn nhưng Bộ Nông nghiệp lại theo dõi hoạt động giết mổ gia cầm và bò.
Việc xử lý sai phạm cũng không triệt để. Sau vụ sữa nhiễm bẩn năm 2008 vốn khiến cả thế giới chú ý, giới chức Trung Quốc yêu cầu tiêu hủy các sản phẩm sữa chứa melamine nhưng sau đó chúng xuất hiện trở lại. Tuần trước, cảnh sát Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, phát hiện 26 tấn sữa bột chứa melamine tại một nhà máy sản xuất kem que.
Một vấn đề đang nổi cộm nữa là thực phẩm nhiễm độc clenbuterol. Theo báo giới nước này, chất độc đó bị cấm dùng cho thức ăn chăn nuôi cách đây gần một thập kỷ bởi nó gây rối loạn nhịp tim và một số nguy cơ khác về sức khỏe cho người. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết chất này vẫn được bán tràn lan. Nhiều nông dân tiếp tục dùng để nuôi lợn vì thịt sẽ nạc hơn và bán được giá hơn.
Tháng trước, Shuanghui, một trong những công ty cung cấp thịt lớn nhất Trung Quốc, đã thu hồi hàng nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt sau khi báo chí cho hay công ty con của họ đã dùng thịt lợn nhiễm clenbuterol.
Feng Ping, giáo sư thuộc học viện Khoa học thực phẩm Bắc Kinh, cho biết người tiêu dùng nước này còn bị đầu độc bởi dư lượng chất nitrite quá cao trong thịt. Ví dụ gần đây nhất là một bé gái một tuổi ở Bắc Kinh chết sau khi ăn thịt gà khô mua từ hàng rong.
Nạn nhân của tình trạng này không chỉ là người tiêu dùng. Những nhà sản xuất thực phẩm bẩn còn làm tổn hại đến danh tiếng của người làm ăn đứng đắn. Các sản phẩm sữa nhập khẩu tăng gấp 5 lần năm 2009 sau scandal sữa nhiễm melamine. Hiện tại, khoảng một nửa số sữa bột cho trẻ sơ sinh ở Trung Quốc là của các hãng nước ngoài.
Và giờ đây, bánh bao bắt đầu dính tai tiếng.
“Tôi không còn ăn bánh bao hấp nữa”, một người đàn ông Thượng Hải mang họ Chen tuyên bố trước cửa siêu thị khi đứng trước tấm biển ghi “Không có hàng giả ở Hualian”.
Chuỗi siêu thị này cùng một số nhà bán lẻ khác đổ lỗi cho nhà cung cấp là công ty thực phẩm Shenglu. Giới chức đã thu giấy phép kinh doanh và bắt 5 người quản lý của công ty. Nhưng ông Chen vẫn không cảm thấy yên tâm. “Không ai trong số họ đáng tin cả. Đúng là những kẻ vô đạo đức. Họ làm bất kể thứ gì chỉ vì tiền”, ông nói.
Ngọc Sơn (theo NYT)