Trung Quốc và Đài Loan đối thoại ở cấp cao nhất kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến Quốc-Cộng vào năm 1949.
Người dân Đài Loan biểu tình phản đối Bắc Kinh hạn chế báo chí
Giới chức Đài Loan trước đó nói họ sẽ nêu vấn đề tự do báo chí sau khi Bắc Kinh từ chối cho phép một số cơ quan truyền thông tiếp cận với cuộc gặp kéo dài bốn ngày giữa hai bên ở Nam Kinh.
Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy Đài Bắc thông qua một thỏa thuận thương mại tự do mà hiện nay đang bị kẹt ở Quốc hội.
Bắc Kinh luôn cho rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và họ cũng không giấu diếm mục tiêu thu hồi hòn đảo này.
Đài Loan vẫn tự gọi họ là ‘Cộng hòa Trung Hoa’ và trên danh nghĩa cũng đòi sở hữu lãnh thổ mà Chính quyền Cộng sản ở Bắc Kinh đang quản lý mặc dù họ không làm căng.
Hoa Kỳ cam kết bảo vệ cho Đài Bắc mặc dù họ không chính thức thừa nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Do đó giữa Bắc Kinh và Washington đã trải qua thế bế tắc quân sự xung quanh vấn đề Đài Loan trong hàng chục năm qua.
Quan hệ cải thiện
Tuy nhiên quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã cải thiện kể từ khi ông Mã Anh Cửu, người có quan điểm thân Bắc Kinh, đắc cử tổng thống Đài Loan hồi năm 2008.
Các chuyến bay xuyên qua eo biển này đã bắt đầu hồi năm 2008 và du khách đến từ đại lục đã giúp củng cố nền kinh tế của Đài Loan
“Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng rằng vấn đề quan trọng nhất trong việc trao đổi tin tức giữa hai bên là dòng chảy thông tin tự do và cân bằng.”
Thông cáo của Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan
Các thỏa thuận thương mại đã cho phép các công ty công nghệ Đài Loan phát triển mạnh mẽ và họ đã đầu tư hàng tỷ Mỹ kim vào đại lục.
Tuy nhiên, Tổng thống Mã lại rất không được lòng dân và các phân tích gia cho rằng Quốc dân Đảng của ông nhiều khả năng sẽ thua trong các cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm nay.
Ông đã cho ông Vương Uất Kỳ, nhà hoạch địch chính sách hai bờ eo biển hàng đầu của Đài Loan đến đại lục gặp người tương nhiệm phía Trung Quốc là ông Trương Chí Quân ở Nam Kinh.
Đây là cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên giữa hai chính quyền kể từ sự phân ly hồi năm 1949.
Các nhà đàm phán Đài Loan có thể sẽ đề xuất đặt đại diện thường trực trên lãnh thổ của nhau.
Đồng thời họ cũng chịu áp lực phải nêu vấn đề tự do báo chí sau khi Bắc Kinh từ chối cấp phép cho một số cơ quan truyền thông.
“Tự do báo chí là một giá trị phổ quát,” Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan ra thông cáo viết.
“Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng rằng vấn đề quan trọng nhất trong việc trao đổi tin tức giữa hai bên là dòng chảy thông tin tự do và cân bằng,” thông cáo viết.
Nhiều người dân Đài Loan rất nhạy cảm với tự do báo chí do họ đã trải qua một thời kỳ độc tài vốn kiểm soát báo chí chặt chẽ cho đến những năm1980.
Các phóng viên cho biết các nhà đàm phán của Bắc Kinh có thể sẽ thúc đẩy việc thắt chặt quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển.
Theo BBC