Mới đây, nền âm nhạc Nhật Bản phải đón nhận một tin động trời khi thiên tài âm nhạc Mamoru Samuragochi vốn được coi là “Beethoven của Nhật” hóa ra không hề bị mất thính giác và những bản nhạc nổi tiếng của ông, thực tế lại do một người khác viết hộ.
Những thông tin này được khẳng định sau khi chính “nhà soạn nhạc” Mamoru Samuragochi thú nhận rằng ông đã thuê một người khác sáng tác ra những nhạc phẩm vốn được đánh giá là thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Một buổi họp báo kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, tổ chức tại thành phố Tokyo, được truyền hình trực tiếp đã cho người dân Nhật được biết chân dung của tác giả thật sự, đó là giáo viên dạy nhạc Takashi Niigaki – người đã sáng tác các bản nhạc ghi tên Mamoru Samuragochi suốt 18 năm qua.
Ông Niigaki đã xin lỗi người dân Nhật trên sóng truyền hình: “Tôi là một kẻ đồng phạm với ông Samuragochi bởi tôi đã soạn nhạc mỗi khi ông ấy yêu cầu, dù tôi biết ông ấy đang lừa dối mọi người”.
Ông Niigaki cho biết tổng số tiền mà ông nhận được trong quá trình sáng tác suốt gần hai thập kỷ qua chỉ vào khoảng 7 triệu yên Nhật (tương đương 1,5 tỉ VNĐ). Trong giai đoạn này, ông Niigaki đã cho ra đời hơn 20 bản nhạc.
“Tôi đã thuyết phục ông Samuragochi nhiều lần rằng chúng tôi không nên làm như vậy nữa nhưng ông ấy không muốn dừng lại, ông ấy nói rằng sẽ tự tử nếu tôi không sáng tác cho ông ấy nữa”, ông Niigaki cho biết.
Thầy giáo dạy nhạc 43 tuổi này cho biết ông đã quyết định lật tẩy tất cả mọi sự dối trá sau khi biết rằng vận động viên trượt băng nghệ thuật của Nhật tại Thế vận hội Olympic Sochi 2014 sẽ sử dụng một đoạn nhạc do ông sáng tác để biểu diễn:
“Tôi sợ rằng khi những bản nhạc lừa dối này tiếp tục được sử dụng rộng rãi tại những sự kiện quan trọng, nó sẽ khiến lời nói dối của ông Samuragochi và tôi càng lúc càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Ông Takashi Niigaki vốn là một thầy giáo dạy nhạc. Ông xuất hiện khá rụt rè tại buổi họp báo được tổ chức tại thành phố Tokyo và khẳng định mình chính là người đã viết ra những bản nhạc làm nên tên tuổi ông Samuragochi.
Ông Samuragochi năm nay 50 tuổi, bắt đầu nổi tiếng hồi giữa thập niên 1990 với những bản nhạc cổ điển được đông đảo người dân Nhật yêu thích. Samuragochi càng nổi tiếng hơn khi ông “tiết lộ” rằng mình đã bị mất thính giác ở tuổi 35.
Suốt hai thập niên sau đó, càng lúc Samuragochi càng nổi tiếng hơn bởi người Nhật quá ấn tượng trước “hoàn cảnh” của ông nên lại càng dành nhiều sự ưu ái cho Samuragochi. Người Nhật thường gọi Samuragochi là “Beethoven của Nhật”. Về phần Samuragochi, bản thân ông cũng luôn coi việc bị mất thính giác là “một món quà của Thượng đế”.
Tuy vậy, theo lời ông Niigaki, ngay cả việc ông Samuragochi bị mất thính giác cũng là dối trá bởi kể từ khi họ gặp nhau đến giờ, cả hai bên nói chuyện với nhau rất bình thường mà không cần một người truyền đạt trung gian hay bất cứ máy móc, thiết bị hỗ trợ nào.
“Ban đầu, ông ấy cũng giả vờ bị mất thính giác với tôi nhưng sau dần, ông ấy chẳng buồn giả vờ nữa”, ông Niigaki cho biết. Thực tế Samuragochi còn ngồi nghe những bản nhạc của Niigaki để đưa ra bình luận.
Ban đầu, ông Niigaki được thuê để làm trợ lý sáng tác cho Samuragochi nhưng sau đó Niigaki nhanh chóng phát hiện ra rằng Samuragochi thậm chí còn không thể viết nổi một bản tổng phổ hoàn chỉnh.
Bản nhạc nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Samuragochi là “Bản giao hưởng Số 1 – Hiroshima”, theo lời Niigaki, chính ông là người đã sáng tác ra bản giao hưởng này, đây là tác phẩm ông viết để tưởng nhớ những người Nhật đã chết trong vụ ném bom nguyên tử năm 1945 tại thành phố Hiroshima. Đĩa nhạc giao hưởng cổ điển này sau khi ra mắt đã bán rất chạy, phá vỡ mọi kỷ lục về đĩa nhạc cổ điển bán chạy tại Nhật.
Ông Niigaki hy vọng sẽ được tiếp tục dạy học, sáng tác và biểu diễn.
Về phần “nhà soạn nhạc thiên tài” Samuragochi, thông qua luật sư đại diện, ông Samuragochi đã xin lỗi người dân Nhật và cho biết bản thân ông hiện tại “không có đủ sự vững vàng về tâm lý” để có thể xuất hiện trước công chúng.
Riêng về phần Samuragochi có bị mất thính giác thật hay không vẫn còn nhiều điểm không rõ ràng khi luật sư đại diện của ông này khẳng định Samuragochi đã hoàn toàn bị mất thính giác.
Chân dung “nhà soạn nhạc” Mamoru Samuragochi.
Hiện tại, nhiều hãng thu âm và phát hành đĩa hát đã dừng bán các đĩa nhạc của Samuragochi, đồng thời, nhiều đài truyền hình cũng lên tiếng xin lỗi người dân vì đã từng thực hiện những chương trình khắc họa chân dung người nổi tiếng, trong đó, Samuragochi được xây dựng hình ảnh như một nhà soạn nhạc tài năng xuất chúng.
Những hình ảnh từ buổi họp báo gây chấn động dư luận Nhật Bản.
Bích Ngọc
Theo DM
Nguồn: Dân Trí