Tinh Hoa

Nghịch lý “xin thôi được giàu”

Người dân ở Phong Khê giàu nhưng không sướng. Số tiền mà họ có được nhiều bao nhiêu, thì môi trường sống của họ càng bị xuống cấp trầm trọng bấy nhiêu.

Sáng sáng ngồi uống trà với bạn, cứ nhìn thấy những chiếc xe tải trùng trình cõng phế thải tiến về làng, một cụ già xã Phong Khê (TP Bắc Ninh) lại lắc đầu ngán ngẩm: “Giàu có mà ô nhiễm, bụi mù thế này thì tôi chẳng muốn. Giàu nhưng không sướng. Thà trở về như ngày xưa để quê tôi được bình yên”…


Bỏ rơi… môi trường

Uống cạn chén nước chè, cụ già tập tễnh về nhà trên con đường mù mịt bụi. Dáng cụ dường như lạc lõng trước sự thay đổi chóng mặt của làng, nay được nhập về TP Bắc Ninh. Câu nói của cụ làm tôi nghĩ đến những ngôi làng có cả trăm người chết vì ung thư được dư luận quan tâm. Có lẽ, cụ già râu tóc bạc phơ kia đau đớn nghĩ đến những hậu quả mà người dân mình sẽ phải gánh chịu vì ô nhiễm.

Luồn lách vào các con ngõ nhỏ, các kênh rạch, ao hồ, xã Phong Khê (được xây dựng thành Khu công nghiệp Phong Khê) tôi càng thấy cụ già nói đúng. Người dân ở đây giàu nhưng không sướng. Số tiền mà họ có được nhiều bao nhiêu, thì môi trường sống của họ càng bị xuống cấp trầm trọng bấy nhiêu. Ðường làng bừa bộn từng đống rác thải khổng lồ được dồn ngay xuống ao, hồ. Thi thoảng lại có những đống rác bị đốt, bốc mùi khăm khẳm. Ngay bên cạnh trụ sở UBND xã Phong Khê cũng có một bãi rác lớn, bốc mùi. Thấy tôi tỏ ý ‘khó hiểu’, ông Lê Minh Bậc, Phó Chủ tịch xã thở dài: ‘Xã đã có một bãi rác lớn tập trung cho cả khu, nhưng chỉ vì ngại xa, nên vào ban đêm người dân cứ đổ trộm…’.

Khu công nghiệp (KCN) I – tập trung 200 doanh nghiệp cũng tràn ngập rác thải, nước thải và những cỗ máy lạnh lùng nằm xen với những ngôi nhà cao tầng. Ngày hè nắng gắt, mùi phế thải và bụi cùng nhau ‘hành’ người dân. Ngôi làng chật chội này lại ít cây xanh, nhà cửa san sát như những bao diêm khổng lồ xếp lại; những cỗ máy của 267 doanh nghiệp tiêu tốn mỗi ngày hơn 500 tấn củi – được ví như những hỏa diệm sơn ‘nhả’ ra nhiệt, khói, bụi càng làm không khí nơi đây ngột ngạt đáng sợ.

Ðược biết, bình quân mỗi ngày riêng KCN I đã ‘tiêu’ 1.000 tấn giấy phế liệu qua sử dụng, thậm chí có cả loại rác thải của nước ngoài cũng được dân buôn thu gom về bán cho các chủ sản xuất, để họ đưa vào tái chế thành đủ loại giấy vệ sinh, giấy ăn, vở học sinh… đáp ứng nhu cầu thị trường miền bắc. Quy trình tái chế giấy khá đơn giản: Giấy được phân loại, ngâm vào bể nước súc cho rữa ra rồi cho vào máy thủy lực nghiền nát thành bột. Ðộ trắng của giấy thành phẩm phụ thuộc vào lượng hóa chất tẩy trắng, gồm chất sút, gia-ven và nhiều loại hóa chất khác. Sau đó là đến công đoạn xeo, ép nước, sấy… và ra thành phẩm.

Tình trạng tái chế rác thải bừa bãi theo kiểu ‘trăm hoa đua nở’, các chủ doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận, công nhân lại kém về trình độ nên các công đoạn sản xuất đều góp phần đầu độc môi trường.

Vậy các chủ doanh nghiệp có biết hành động của mình? Xin thưa là có, nhưng họ cố tình làm ngơ. Người ta cứ sản xuất, cứ đút túi nhiều trăm triệu mỗi năm và cứ không quan tâm đến chuyện mình đã tàn ác với môi trường thế nào. Cứ như thế, người dân Phong Khê đang lâm vào cảnh ‘ba cùng với rác’. Cống rãnh chỗ nào cũng tắc nghẽn, nước thải sền sệt một mầu đen đặc.

Chẳng lẽ bó tay với doanh nghiệp?

Phong Khê là xã tập trung các làng nghề sản xuất giấy truyền thống lâu đời và là khu tái chế giấy lớn nhất nước. Khi quy mô làng nghề lớn hơn thì lượng rác thải đổ ra môi trường ngày càng nhiều. Cách đây mấy năm, tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch, xây dựng KCN Phong Khê I trên địa bàn xã (thuộc huyện Yên Phong, nay thuộc TP Bắc Ninh), có diện tích 27 ha, và đang tiến hành dở KCN Phong Khê II nhưng cơ sở vật chất còn yếu kém (chưa xử lý tốt vấn đề rác thải, hệ thống cống rãnh thoát nước không được cải thiện…), dẫn đến các kênh rạch cũ quá tải. Rác thải, nước thải không qua xử lý đổ ra môi trường cũng đã ‘giết’ dòng sông Ngũ Huyện Khê chảy từ Vĩnh Phúc qua Bắc Ninh, vốn là con sông quê đẹp và nên thơ.

Hiện nay lượng rác thải ra môi trường trên địa bàn xã khoảng gần 100 tấn/ngày. Sở Tài Nguyên – Môi trường (TN&MT) Bắc Ninh và các cơ quan hữu trách đã chỉ ra, đem so sánh các trị số của năm 2010 và năm 2000, thì bụi, CO, NO2 ở KCN Phong Khê đều tăng gấp ba lần, riêng H2S (Hydrosunfua) tăng hơn 30 lần, Clo tăng 20 lần. Nhiều loại hóa chất độc hại khác cũng tăng.

Ông Hà Minh Họa, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh) cho biết, năm 2006 đã phát hiện 100% số doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Chi cục phối hợp với Thanh tra của Sở xử lý, đưa 137 giấy xử phạt, nhưng chỉ 20 doanh nghiệp chịu thi hành. Ngay cả phí bảo vệ môi trường cũng chỉ có 20% số doanh nghiệp, cơ sở đến nộp. Ông Họa bức xúc: ‘Hiện nay, chúng tôi cũng chưa có biện pháp gì để xử lý, khi người dân chây ỳ không chấp hành, coi thường môi trường sống, coi thường các cơ quan chức năng. Chúng tôi cũng có quy chế cắt điện, nhưng không thể cắt điện cả làng, dù cả làng gây ô nhiễm. Nếu cắt của một số hộ, thì họ lại đấu điện từ nhà này sang nhà kia. Ngay cả phía Ủy ban xã cũng còn quá tải, có hộ dân phá cả quy hoạch, nhưng không cưỡng chế được’.

Về chuyện chỉ 20/127 doanh nghiệp bị gửi giấy xử phạt đến nộp phạt, ông Ðàm Ðình Ðịnh, Chánh Thanh tra Sở TN&MT Bắc Ninh, cho biết thêm: ‘Trước khi ra quyết định xử lý, chúng tôi đã nhận thấy khó khăn. Vì trước đó, luật quy định không đồng bộ, có những việc mà chúng tôi không thể làm gì được. Năm 2008, có Pháp lệnh sửa đổi về việc xử lý các hộ gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi lại tiếp tục có văn bản đôn đốc, nhưng vẫn chẳng được dân chấp hành’. Tháng 4 và tháng 5-2010, Thanh tra Sở tiếp tục có công văn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện việc nộp phạt, nhưng không ai hợp tác. Ðến nay (tháng 7-2011), sự việc vẫn chẳng có gì tiến triển.

Như vậy, tình trạng chống đối, gây khó khăn với cán bộ, thái độ bất hợp tác, các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sống là quá rõ và đáng lên án, đáng bị xử phạt thật nặng để làm gương.

Không thể sống chung với ô nhiễm !

Trong báo cáo về thực trạng làng nghề sản xuất giấy ở Phong Khê, lãnh đạo xã đã thừa nhận nhiều khiếm khuyết của mình trong các khâu quản lý, xử lý vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và đưa ra những giải pháp trong thời gian tới. Nhiều nguyên nhân khác cũng được chỉ ra, trong đó ý thức của người dân và đặc trưng của làng nghề là vấn đề nan giải nhất. Chính quyền nơi đây còn lo ngại, nếu một mai, KCN Phong Khê II xây dựng hoàn thành, việc xử lý rác thải không tốt, thì môi trường của cả khu sẽ lâm nguy.

Ông Hà Minh Họa còn quả quyết, chịu trách nhiệm đầu tiên đối với tình trạng ô nhiễm môi trường là doanh nghiệp, bởi họ trực tiếp gây ra và họ sống trong môi trường ô nhiễm đó. Chi cục Môi trường – Sở TN&MT và UBND tỉnh Bắc Ninh xác định KCN Phong Khê là điểm nóng của ô nhiễm môi trường. Từ năm 2008 đã có dự án xây dựng khu xử lý nước thải đáp ứng cho KCN này, nhưng khi trình lên tỉnh thì không có vốn. Chi cục đang đề xuất với Chính phủ cho phép các tỉnh có làng nghề được sử dụng nguồn kinh phí Nhà nước, với mong muốn quy hoạch và xây dựng được hệ thống xử lý rác thải cho KCN Phong Khê I. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, có lẽ người Phong Khê phải tự cứu mình trước.

Song, nói gì thì nói, trước hết chủ doanh nghiệp phải được học cách yêu môi trường. Và chỉ khi nào họ đừng quá chạy theo tiền bạc dẫn đến coi thường chính mạng sống của mình thì may ra công tác bảo vệ môi trường mới có hướng cải thiện tích cực. Thực tế cho thấy, cơ sở sản xuất nào nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu ô nhiễm, thì ắt có những biện pháp cụ thể và thiết thực. Có như vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề mới được giải quyết căn bản.

Bịt chặt khẩu trang để ra khỏi KCN, tôi tiếp tục bị chặn lại bởi những chiếc xe tải gây tắc nghẽn. Chợt bùi ngùi nghĩ tới tâm sự ‘xin thôi được giàu’ của cụ già nọ! Và nếu tình trạng này còn tiếp diễn, thì nỗi niềm của cụ cũng như của những người dân sống trong khu vực ô nhiễm này sẽ mãi lơ lửng treo trên những nóc nhà cao tầng nóng bức ngột ngạt kia…

Theo Phú Tây

Báo Nhân Dân